Sau gần 7 tháng xảy ra vụ hộ ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) có hóa đơn nước tăng bất thường hơn 57 triệu đồng/tháng, đến nay giữa khách hàng và Công ty CP Cấp nước Gia Định vẫn chưa tìm được cách giải quyết.
Khởi kiện
Ngày 9/8, trao đổi với phóng viên , ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, gia đình ông đã nộp đơn khởi kiện Công ty CP Cấp nước Gia Định ra TAND quận 3.
Vụ kiện xuất phát từ việc vào tháng 1, nhân viên công ty cấp nước đến gia đình ông Huy đo chỉ số, nhưng không có người ở nhà nên tạm tính sử dụng 20m3 (tương đương các tháng trước đó). Sang kỳ nước tháng 2, chỉ số nước của nhà ông được phía cấp nước thông báo tiêu thụ là 3.355m3 (hơn 57 triệu đồng).
Khi hai bên chưa tìm ra nguyên nhân chỉ số tiêu thụ nước tăng bất thường, Công ty CP Cấp nước Gia Định ra thông báo yêu cầu gia đình đóng số tiền sử dụng nước trên. Sau ngày 10/8, hộ ông Huy sẽ bị cắt nước nếu không đóng phí.
Theo ông Huy, trước vụ việc trên, phía gia đình đã gửi đơn khiếu nại lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM. Phía hội lần lượt gửi 3 lá thư đến công ty cấp nước, mời lên làm việc, nhưng không được phản hồi. Đến nay, Hội Bảo vệ người tiêu dùng từ chối hợp tác với lý do "hội chỉ giải quyết khi doanh nghiệp hợp tác".
Trong đơn khởi kiện gửi tòa án, ông Huy cho biết hệ thống nước của gia đình vẫn giữ nguyên trạng và chưa sửa chữa. Ông không rõ chỉ số nước hơn 3.000m3 mà công ty thông báo nằm ở tháng 1, tháng 2 hay cả hai tháng.
Nếu hơn 3.000m3 nước trên thất thoát trong 2 tháng, tức một ngày gia đình ông phải sử dụng 50m3 hay trung bình 2m3/giờ. Tuy nhiên, khi ông dùng thiết bị đo lượng nước đầu vào ở tầng trệt thì chưa bao giờ quá 1,2m3/giờ và ở nóc tầng thượng tối đa là 0,8m3/giờ. Ông giả định lượng nước tràn ra ngoài 2m3/giờ, chảy liên tục suốt 60 ngày mà gia đình ông và hàng xóm không ai phát hiện là điều kỳ lạ.
Sau khi cung cấp các số liệu trên, ông Huy yêu cầu phía công ty mời các vị chuyên gia đến kiểm tra, đo chỉ số nước đầu vào chứng minh lại cách ông Huy đã làm, nhưng không hề được quan tâm.
Lý do không chấp nhận kiểm định
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - Xã hội TPHCM vào chiều 8/8, Công ty CP Cấp nước Gia Định cho biết, vào ngày 26/2, khách hàng trên đề nghị kiểm định đồng hồ nước. Tại cuộc gặp lãnh đạo công ty ngày 18/3, khách hàng trên yêu cầu không thực hiện kiểm định đồng hồ nước, đề nghị được giám định đồng hồ nước.
Đến ngày 26/4, Công ty CP Cấp nước Gia Định có văn bản gửi khách hàng nêu rõ, trong trường hợp đến ngày 21/5 mà đơn vị chưa nhận được kết quả chọn đơn vị giám định làm cơ sở giải quyết, chỉ số nước tăng cao sẽ cộng vào hóa đơn của kỳ tháng 5.
Lý giải việc không chấp nhận kiểm định đồng hồ nước, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, quy trình kiểm định sẽ không làm rõ được việc không khí thổi qua đồng hồ nước liệu có làm cho kim quay không? Bởi, quá trình kiểm định sẽ xả hết hơi trong đồng hồ rồi cho vài trăm lít nước chảy qua để kiểm tra.
"Tôi có tìm hiểu một số chuyên gia, nếu kiểm định sẽ không kiểm tra được khí thổi qua đồng hồ có làm kim quay không. Điều này phải giám định mới kiểm tra được. Nếu chấp nhận kiểm định, gia đình tôi đồng nghĩa với việc không phát hiện ra nguyên nhân lượng nước tăng bất thường, buộc phải trả 57 triệu đồng", ông Huy giải thích.
Theo ông Huy, phía cấp nước ra thời hạn đến 21/5, ông phải chọn được đơn vị giám định để giải quyết. Tuy nhiên, ông tìm hiểu ở TPHCM không có trung tâm giám định đồng hồ nước và đã có văn bản trả lời rõ với phía công ty cấp nước.
"Tôi có đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) để hỏi việc giám định. Quatest 3 cho biết nơi này chỉ có kiểm định chứ không giám định. Giám định chỉ thực hiện khi có chỉ định của tòa án thì cơ quan điều tra mới tiến hành giám định. Tôi có hỏi phía cấp nước không tìm ra nơi giám định thì phải làm thế nào, họ không phản hồi", chủ căn nhà cho biết.
Có thể kiến nghị thanh tra
Liên quan vụ lượng nước tiêu thụ tăng bất thường tại hộ ông Nguyễn Quốc Huy, luật sư Ngô Quí Linh, Giám đốc Công ty Luật Mai Đăng Khang có những chia sẻ về vụ việc.
Luật sư Linh cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 45, Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (NĐ 117) đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình với mục đích sinh hoạt, đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ.
Việc cắt nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
Nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán với lý do khách quan đã được thông báo trước cho đơn vị cấp nước, việc ngừng dịch vụ cấp nước sẽ được thực hiện sau 10 tuần kể từ khi có thông báo về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, do số lượng nước bị tính tiền quá lớn, người dân không đồng tình, đơn vị cấp nước cần chứng minh, giải thích rõ cơ sở để tính tiền nước trước khi tiến hành ngừng cung cấp nước. Luật sư Linh cho rằng, nếu các bên vẫn không đồng thuận được thì có thể kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Việc đơn vị cấp nước tiếp tục đơn phương thực hiện việc ngừng cấp nước sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật về hành động của mình.
Theo luật sư Linh, trong trường hợp người dân không đồng tình với cách giải quyết của đơn vị cấp nước thì có thể làm đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tiến hành thanh tra vụ việc tính tiền nước bất hợp lý, đe dọa ngừng cấp dịch vụ cấp nước đến UBND cấp tỉnh, Thanh tra Sở xây dựng theo các quy định tại khoản 9, Điều 60 và khoản 1 Điều 61 Nghị định 117 nêu trên.
Mặt khác, người dân cũng có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong vụ án này, người tiêu dùng nên theo các quy định hiện hành về tố tụng dân sự trong vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể được hưởng các quyền lợi như: Không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án; chỉ có nghĩa vụ chứng minh mình bị thiệt hại mà không cần phải chứng minh lỗi của đơn vị cấp nước.
Luật sư Ngô Quí Linh cho biết, về tố tụng hình sự, đây là trường hợp có thiệt hại về tài sản và vì người dân cảm thấy bị oan ức với cách hành xử của đơn vị cấp nước nên có thể thực hiện các hành động pháp lý sau: Làm đơn kiến nghị, tố giác đến cơ quan công an để khởi tố điều tra về việc tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015 mà chính mình phải gánh chịu hậu quả.
Việc khởi tố, điều tra vụ án có thể sẽ giúp minh oan cho người dân cũng như xác định rõ tổ chức, cá nhân có hành vi phạm tội để áp dụng biện pháp chế tài xử lý đúng người, đúng tội.
Đồng thời, người dân cũng có quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm pháp luật phải bồi thường cả thiệt hại vật chất và tinh thần cho mình.
Việc đơn vị cấp nước không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, không chứng minh được người dân đã có lỗi trong việc tiêu thụ lượng nước mà đơn vị đã quy kết thì người có trách nhiệm trong việc quy kết đó còn có thể bị điều tra, xử lý về hành vi làm nhục, vu khống người khác được quy định tại các Điều 155, 156 Bộ luật Hình sự 2015.