Xúc động những lá thư thời chiến
Sau hàng chục năm, những lá thư đã nhuốm màu thời gian, nhiều nét mực nhòe mờ. Thế nhưng, từng con chữ vẫn lấp lánh ước mơ về hòa bình, về ngày đoàn tụ khi đất nước thống nhất.
|
Bảo tàng Quân khu 4 hiện đang bảo quản, lưu giữ, trưng bày hàng nghìn lá thư trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những lá thư phản ánh một cách sinh động, chân thật nhất lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ và cả tình yêu nồng nàn, sâu lắng hay cháy bỏng của người lính ở chiến trường, của người mẹ, người vợ hay người yêu nơi quê nhà.
|
|
Trung tá Ngô Thị Nga, cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 cho biết, hiện bảo tàng đang lưu giữ bộ sưu tập khoảng hàng nghìn lá thư thời chiến, đó là những bức thư của người lính gửi cho cha mẹ, người yêu, vợ chưa cưới, những bức thư người chồng gửi vợ, vợ gửi chồng. Những bức thư úa màu thời gian, không còn nguyên vẹn vì bom đạn nhưng vẫn chứa chan tình cảm của tiền tuyến gửi về hậu phương.
|
|
136 lá thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu (đoàn vận tải quân y chiến lược) do bà Hoàng Thị Síu (quê Hưng Yên) tặng Bảo tàng được trưng bày một khu riêng. Vợ chồng liệt sĩ Mậu và bà Síu quy ước cứ 16 ngày phải viết thư cho nhau một lần. Trong thư, họ kể cho nhau nghe mỗi bước đường hành quân, những hiểm nguy có thể gặp nhưng không vì thế mà bi lụy.
|
|
Mỗi phong bì người lính vận tải gửi về đều có một địa chỉ hòm thư riêng, trên cung đường Trường Sơn huyền thoại nơi anh đi qua. |
|
Tấm ảnh cưới của vợ chồng liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu được bà Síu tặng lại cho bảo tàng.
Lời hẹn ước "bao giờ anh về mình tân hôn", "nhất định mình sẽ có con" của người lính Nguyễn Anh Mậu mãi mãi không trở thành hiện thực. Anh ngã xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại...
|
|
Mấy chục năm qua, những bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương (SN 1933, trú tại TP Vinh, Nghệ An) luôn được bà Phan Thị Bé (vợ liệt sĩ Chương) giữ gìn, nâng niu như báu vật. Chính những lá thư này là ‘liều thuốc’ giúp cho người phụ nữ vượt qua giông bão, hơn nửa thế kỷ thay chồng nuôi con…
|
|
Trong thư, người lính động viên vợ học văn hóa, phấn đấu vào Đảng, học đi xe đạp, góp ý với bà cách dạy bảo con cái, chăm sóc mẹ già, đối xử với con cháu và những người xung quanh. |
|
Lá thư của người lính Phạm Thế Tường gửi người anh tên Lập với khao khát trở lại cùng gia đình. Tuy nhiên, ước mơ bình dị ấy của người lính đã không thể trở thành hiện thực. Anh đã ngã xuống. Ngay trên đầu lá thư, người anh tên Lập đã viết thêm dòng chữ "Tạm biệt em 10h ngày 22/11/1971. Vĩnh biệt em 10/9/1972. Ôi! Anh đau lòng và thương em vô hạn! Em hãy yên nghỉ vì sự nghiệp cao cả...".
|
|
Lá thư hay tấm bưu thiếp với dòng chữ nắn nót: "Em sẽ đợi anh về - Xuân Mậu Thân 1968" cùng dòng chữ khắc trong hình con dấu chữ nhật: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" được tìm thấy trong phần mộ tập thể 73 liệt sỹ ở Nôm Pha Nai (huyện Thu Lê Khôm, Bulikhamxay, Lào).
|
|
“Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, những lá thư từ tiền tuyến gửi về hay từ hậu phương gửi đi có ý nghĩa hết sức to lớn, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và là vật chứng lịch sử. Mỗi lá thư là di sản văn hóa vô giá”, Trung tá Ngô Thị Nga chia sẻ.
|
|
Những lá thư có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước đối với các thế hệ người dân Việt Nam.
|
Thu Hiền