Từ chuyện tình ở “Tổ bán báo xa mẹ” đến cuộc sống thành đạt của vợ chồng chủ tiệm bánh ngọt ở Hà Nội

Nhờ có “Tổ bán báo xa mẹ” của vợ chồng bác Tiến – Oanh mà hai đứa trẻ nhà quê nghèo khó có cơ hội quen biết, nên duyên thành vợ thành chồng.
Những năm 90 của thế kỷ trước, anh Phú và chị Thanh là những đứa trẻ con nhà nghèo phải bỏ lại cây đa, giếng nước, sân đình để “dạt” về Hà Nộ kiếm kế mưu sinh. Cũng chính tại nơi “đất khách quê người” này, hai đứa trẻ cùng lớn lên, nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng. 30 năm sau, với những nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ họ trở thành cặp vợ chồng thành đạt với chuỗi cửa hàng bánh có tiếng ở Hà Thành.
 

Chuyện tình nơi đất khách

 
Nhớ lại những ngày thơ bé cơ cực chị Lê Thị Thanh (SN 1976, quê Vĩnh Phúc) kể, những năm 90 của thế kỷ trước, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khóm mồ côi bố nên 10 tuổi chị đã theo người quen xuống Hà Nội kiếm kế mưu sinh. Ở nơi “đất khách quê người” chị làm đủ mọi thứ việc, miễn sao người ta cho miếng cơm ăn với vài đồng bạc lẻ là được. Một lần nọ chị em bạn bè cùng hoàn nói rằng, về “Tổ bán báo xa mẹ” của vợ chồng bác Vũ Tiến và Vũ Thị Ngọc Oanh ở số 13 Ngô Văn Sở (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi bán báo sẽ có tiền, có cơm ăn không phải rơi vào cảnh bữa đói bữa no như này nữa.
 
Theo bạn bè, chị Thanh đi đến nhà vợ chồng bác Tiến – Oanh xin gia nhập đội quân bán báo. Tại đây chị Oanh mới biết, có hàng trăm cảnh đời nheo nhắt như chị. Người thì mồ côi cả bố lẫn mẹ, người thì bị mẹ bỏ rơi… Cũng tại Tổ bán báo xa mẹ, chị gặp được “định mệnh” của cuộc đời mình, đó là anh Nguyễn Minh Phú SN 1973, quê Hà Nam). Anh Phú cũng là một thành viên của tổ bán báo. Ban đầu họ nói chuyện, giúp đỡ nhau chỉ vì chung cảnh ngộ. Lâu dần, họ biến tình bạn đơn thuần thành tình yêu. Đến năm 1994, chị Thanh đưa anh Phú về quê tổ chức đám cưới. Sau đó chị có bầu và khi con gái đầu lòng tròn 3 tháng, vợ chồng lại đưa con về Hà Nội nhờ ông bà Tiến – Oanh cưu mang.
 
Từ chuyện tình ở “Tổ bán báo xa mẹ” đến cuộc sống thành đạt của vợ chồng chủ tiệm bánh ngọt ở Hà Nội
Mẹ con chị Thanh khi còn ở tổ bán báo
 
Hết ở cữ, chị Thanh mở quán nước chè ngay cửa nhà ông Tiến còn anh Phú ra sân bay Nội Bài bán báo. Một thời gian sau, hai vợ chồng gom góp được chút vốn nhỏ nên dọn ra thuê ngoài, chính thức bắt đầu cuộc sống tự lập. Anh Phú từng tâm sự với vợ, thời điểm vợ chồng khó khăn, bác Tiến giúp đỡ nhiều. Nhưng rồi cũng phải đi bằng đôi chân của mình, bởi không thể ỉ lại vào vợ chồng bác cả đời được.
 
Thấy chồng nói có lý, vợ chồng chị Thanh xin phép bác Tiến – Oanh cho rời khỏi Tổ bán báo xa mẹ nhưng hàng ngày vẫn duy trì công việc bán báo. Cuộc sống vẫn giống như trước đây, chỉ khác là, trên mỗi nẻo đường, chị có thêm “đồng nghiệp” nhỏ được bồng bế trên tay cùng xấp báo – đó là cô con gái đầu lòng của anh chị. Hai mẹ con rong ruổi khắp nơi, từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Nhiều lần nhìn những đứa trẻ khác được bố mẹ đưa lên phố chơi rồi quay lại nhìn con mình cả ngày lếch thếch cùng mẹ đi bán báo, lòng chị lại trùng xuống, nghĩ thương con.
 
Về phần anh Phú, nhờ có tài giao tiếp nên anh từ “cậu bé” báo báo dạo trở thành đầu mối phân phối báo. Anh xuống tận nhà in nhập báo rồi giao lại cho “hệ thống” của mình. Tuy lãi lời chẳng được bao nhiêu nhưng số lượng báo tiêu thụ lớn nên cũng được. “Hà Nội thập niên 90, người bán hàng rong rất đông. Mỗi ngày, tôi giao được hơn 10 vạn tờ báo. Ngày nắng cũng như mưa, cứ 4 giờ sáng tôi rời khỏi nhà, rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng, chở chồng báo cao hơn cả đầu người đến tay người bán lẻ”, anh Phú kể.
 

Kế hoạch đổi đời táo bạo

 
Con gái mỗi ngày một lớn khôn mà công việc bán báo không mang lại mấy lợi nhuận nên tranh thủ ngoài ra nhập báo, giao báo, anh Phú còn xoay sang đủ thứ nghề khác từ buôn nhãn, vải lên cửa khẩu, buôn đồ gia dụng Trung Quốc, tranh treo tường về dưới, máy xoa bóp, quần áo… Thời điểm đó, người ta nói “một nghề thì sống đống nghề thì chết”, anh Phú thấy nó vận đúng vào thân mình. Bởi dù đã xoay cả chục thứ nghề mà thu nhập của gia đình vẫn bếp bênh.
 
“Tôi thấy người ta buôn hoa quả thắng đậm, tôi cũng gom vốn đi buôn nhãn, buôn vải trên Bắc Giang. Vậy mà đúng năm tôi buôn thì vải được mùa, hàng bị ép giá thấp, tôi phải ăn ngủ trên cửa khẩu hàng tuần trời, đến khi tìm được mối bán thì vãi trên xe đã thối hỏng hết. Chuyến buôn đó thất thu, tôi ôm hai bàn tay trắng về nhà. Được cái vợ tôi là người thấu hiểu, biết chồng thất bại cũng tiếc của lắm nên chỉ động viên rồi nói cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực này”, anh Phú nhớ lại những năm tháng chật vật kiếm kế mưu sinh.
 
Đúng thời điểm kinh tế gia đình khó khăn thì đứa con thứ hai ra đời (năm 1997). Tiền tích trữ trong nhà không có lại thêm miệng ăn khiến vợ chồng anh Phú quay cuồng trong cuộc sống mưu sinh. “Lúc đó anh Phú nói với tôi, nghề mưu sinh giúp chúng ta khởi nghiệp nhưng không thể sống cả đời được. Sau một lần ngồi cùng mấy người bạn làm bánh, anh nảy ra ý tưởng cho tôi đi học làm bánh, biết đâu có cơ hội đổi đời”, chị Thanh kể lại.
 
Từ chuyện tình ở “Tổ bán báo xa mẹ” đến cuộc sống thành đạt của vợ chồng chủ tiệm bánh ngọt ở Hà Nội
Vợ chồng chị Thanh tại một cửa hàng bánh của gia đình
 
Sau đó, nhờ có người quen chị Thanh xin được vào trường dạy nghề học làm bánh. Kết thúc khóa học cũng đúng thời điểm một khách sạn cao cấp ở Hà Nội tuyển người nên chị Thanh may mắn được chọn đúng đợt đầu tiên vì là một trong những thợ mới ra trường có tay nghề tốt nhất. Vài năm sau, đút rút được kinh nghiệm, vợ chồng đi đến quyết định táo bạo, chị Thanh xin nghỉ việc. Mặc dù thời điểm đó thu nhập của chị tại khách khá cao. Hai vợ chồng ra nghề tay trắng, vay mượn thêm an hem bạn bè thì mở được tiệm bánh trên phố Mã Mây. Vợ làm bánh, chồng quản lý, tiếp thị kênh bán hàng… Sau thắng lợi đầu tiên, anh chị lại vay mượn mở thêm cửa hàng ở phố Đội Cấn. Ai ngờ lần này làm ăn thất bại, vợ chồng lỗ đến 300 triệu. Nợ nần chồng chất khiến cả hai vợ chồng suy nghĩ bạc cả tóc.
 
Nhưng với sự kiên trì vốn có cùng tay nghề cao và cái duyên với kinh doanh nên vợ chồng chị Thanh nhanh chóng vượt qua khó khăn, nhận về một mối hàng lớn. Mỗi ngày hơn 20 nhà hàng, khách sạn đặt chị làm bánh. Ngoài cửa hàng ở đường Thanh Niên, vợ chồng chị mở thêm 2 tiệm bánh ngọt khác ở các khu phố sầm uất tại Hà Nội. Ngoài làm bánh ngọt, chị Thanh còn nhận dạy nghề bánh cho những người có hoàn cảnh như anh chị trước đây. Chị Thanh mở một lớp trải nghiệm bánh trung thu cho khách nhằm quảng bá thương hiệu Việt, thúc đẩy kinh doanh của gia đình.
 
Đến nay, trong mắt mọi người, vợ chồng chị Thanh là cặp vợ chồng thành đạt. Chia sẻ là cuộc hôn nhân của mình chị kết lại: “Vợ chồng tôi không chỉ gắn bó với nhau bằng tình yêu mà còn có chung tuổi thơ chật vật, đi bán báo rong trên đường phố Hà Nội cách đây 30 năm. Và bây giờ là cuộc hôn nhân hạnh phúc”.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/04/03/chuyen-tinh-nha-van-viet-thao-33-thu-tieng-nguoc-ve-tam-dich-covid-19-o-y-de-trung-phung-voi-vo_03042020173019.mp4[/presscloud] 
Những đám cưới kỳ lạ giữa mùa dịch virus Corona
 
 
Theo Nga Đỗ/SKCĐ