Sáng 3-4, cây me Tây cổ thụ ngay cổng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) bất ngờ bị bật gốc, ngã đè bảy người. Trong đó có hai người bị thương nhẹ, được theo dõi tại Bệnh viện (BV) quận 1, xuất viện trong ngày. Năm người còn lại được chuyển đến ba BV, trong đó ba ca trong tình trạng nặng.
Một thai phụ bị thương nặng
Đại diện BV Nhân dân Gia Định cho biết hai ca chuyển đến BV này là hai vợ chồng. Người vợ đang mang thai tuần thứ tám, nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đa chấn thương. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) ban đầu cho thấy người bệnh bị rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng bên phải và 1/3 trên thân xương đùi trái. Ngay lập tức người bệnh được hội chẩn khẩn cấp tại khoa Gây mê hồi sức bởi các bác sĩ (BS) của các chuyên khoa để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất.
BS Hoàng Quốc Thắng, Phó khoa Gây mê hồi sức, cho biết người bệnh đã được phẫu thuật xong. Tính đến 16 giờ cùng ngày, bệnh nhân đang được an thần, thở máy. Kết quả siêu âm tại khoa Gây mê hồi sức ghi nhận có túi thai vẫn đang còn trong tử cung.
Một bệnh nhân khác chuyển đến BV Nhi đồng 2 là học sinh lớp 7. BS CKII Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết nạn nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn. Bệnh nhân bị gãy 1/3 giữa xương đùi trái, được BS tầm soát các chấn thương, tiến hành chụp CT sọ não khảo sát cột sống, ngực, bụng và xương chậu.
Đại diện BV Chấn thương Chỉnh hình cũng cho biết BV cũng tiếp nhận một bệnh nhân (là mẹ của học sinh trên - PV) nhập viện trong tình trạng khó thở. Sau khi chụp phim, BS chẩn đoán bệnh nhân nứt nhiều xương sườn, chưa có biến chứng phổi. Ca còn lại (sinh năm 2003) cũng nhập BV Chấn thương Chỉnh hình. Bệnh nhân bị chấn thương phần mềm cánh tay trái, đùi trái, xây xát da, BS cho toa về điều trị ngoại trú.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết cây bị bật gốc vừa được nhà trường kiểm tra vào cuối tháng 2-2023. Thành phần kiểm tra gồm ban giám hiệu, nhân viên phụ trách cơ sở vật chất, kế toán và bảo vệ. Theo quy trình, sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có điều gì bất thường, nhà trường sẽ báo cho bên công ty cây xanh xuống xử lý. Như vừa rồi, cây phượng có dấu hiệu nên trường có liên hệ với công ty cây xanh đến tìm hiểu và cưa cây.
Bà Giang nói thêm việc phối hợp với công ty cây xanh rà soát tổng thể các cây thường được thực hiện vào dịp hè. Còn bình thường chủ yếu nhà trường tự kiểm tra. Và thực tế cây me Tây khi kiểm tra lá xanh, vẫn ra hoa và không có bất cứ dấu hiệu gì đặc biệt, sáng cùng ngày cũng không có gió.
Nguyên nhân cây gãy, đổ
Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết cây me Tây trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn bị bật gốc khiến nhiều người bị thương không phải do công ty này chăm sóc, duy tu. Qua kiểm tra, bộ rễ của cây bị bật gốc đã hư hại, sâu mục. Bên cạnh đó, một số nhánh chính bị mục ruỗng, hư hại, đây là một trong những nguyên nhân gây đổ cây.
Theo ông Phương, hiện nay có rất nhiều đơn vị tham gia đấu thầu quản lý, duy tu cây xanh trên địa bàn TP.HCM. Đối với những cây xanh công ty ký hợp đồng duy tu, chăm sóc với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, công ty luôn thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và đề xuất xử lý những cây có dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời có phương án xử lý.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có công văn khẩn giao Sở GD&ĐT phối hợp với UBND quận 1 tổ chức thăm hỏi các học sinh và người đi đường bị thương. Nắm bắt tình hình sự việc, xác định trách nhiệm, báo cáo UBND TP. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai, hệ thống cây xanh trong nhà trường để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
“Đối với những cây xanh trong khuôn viên của các cơ quan, trường học, BV, khu dân cư… Công ty khuyến cáo nên ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng chuyên môn để được chăm sóc, duy trì thường xuyên nhằm hạn chế các sự cố liên quan đến cây xanh” - ông Phương nói.
Tương tự, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, thông tin trong trường hợp này, cây bị bật gốc thuộc trách nhiệm duy tu, quản lý của Trường THCS Trần Văn Ơn. Trung tâm chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc các tuyến cây xanh trên đường, trong công viên.
Theo TS Đinh Quang Diệp, chuyên gia về cây xanh, cây bật gốc có thể là do tuổi cây đã già, bộ rễ bị hư hỏng. Nhiều trường hợp kiểm tra bên ngoài sẽ rất khó đánh giá được bộ rễ hoặc thân cây bên trong. “Ở các nước, để quản lý cây xanh thường sẽ có “hồ sơ bệnh án” của cây, theo đó cơ quan quản lý sẽ kiểm tra được số tuổi của cây, các bệnh mà cây mắc phải để xử lý kịp thời. Ngoài ra, ở một số nước còn có máy siêu âm kiểm tra bộ rễ hoặc bên trong thân cây, tuy nhiên thiết bị này hiện nay có chi phí rất cao” - TS Diệp nói.
Ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: Khoản 4 Điều 2 Nghị định 64/2010 được sửa đổi bởi Nghị định 100/2018 quy định “Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, BV, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng”. Và tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.
Như vậy, trường hợp cây xanh bị gãy gây thiệt hại thì việc giải quyết về trách nhiệm dân sự theo quy định tại Chương 20 Bộ luật Dân sự (BLDS) về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, Điều 604 BLDS quy định “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Thiệt hại ở đây có thể bao gồm thiệt hại về tài sản, thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại hoặc thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
Theo khoản 2 Điều 584 BLDS, nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý đối với cây xanh chứng minh thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo Điều 156 BLDS thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.•
Luôn đặt an toàn lên hàng đầu
Vào tháng 5 và 6, Sở GD&ĐT TP.HCM thường có văn bản chỉ đạo các trường kiểm tra cây cối phòng tránh tai nạn thương tích mùa mưa bão. Thời điểm này, nhà trường cũng liên hệ với công ty cây xanh để xuống khảo sát và có kế hoạch tư vấn trong việc tỉa cành, cắt nhánh.
Hơn nữa, trường có hai cơ sở, mỗi cơ sở đều có hợp đồng với một người có chuyên môn về làm vườn để tưới cây, chăm sóc thường xuyên, qua đó theo dõi tình trạng của cây và có báo cáo với ban giám hiệu khi cây bị mục, mối để tìm phương án xử lý.
Ông PHẠM THANH YÊN, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1
Do trường có nhiều cây cổ thụ lâu năm nên công tác kiểm tra, chăm sóc cây luôn được nhà trường chú trọng thực hiện. Trường có ký hợp đồng với một đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực này. Định kỳ hằng tháng, phía công ty sẽ xuống kiểm tra, chăm sóc, mé nhánh, tỉa cành.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG CHƯƠNG, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Việc rà soát, kiểm tra cây xanh tại trường là công việc phải làm thường xuyên và nên mời thêm đơn vị chuyên môn. Tùy vào đặc điểm từng cây để có phương án chăm sóc, giữ được môi trường an toàn, xanh, sạch, đẹp. Mùa mưa dễ có dông gió nên cần mé nhánh thường xuyên, còn mùa nắng thì cần tưới đủ nước để bộ rễ phát triển khỏe mạnh.
Khi trồng mới cây xanh, cần nghiên cứu đến các yếu tố về sinh trưởng của cây, như trồng cây non nên có độ dài đường kính bao nhiêu để cây lớn dần và bám chắc vào đất; có nên xây bồn bao quanh hay không, vì nếu không khéo bồn cây sẽ như một vật cản sự phát triển tự nhiên của cây. Khi đốn hạ cây, ngoài những yếu tố về bóng mát, cảnh quan thì cần cân nhắc các giá trị phi vật thể như những kỷ niệm của thầy trò. Bởi vì trong sân trường, cây cổ thụ còn là một chứng nhân lịch sử. Tuy nhiên, yếu tố an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu.
Bà TRẦN THÚY AN, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1
Theo Pháp luật TP.HCM