Khó tin ở giữa lòng Sài Gòn đô hội lại có chốn bình dân dân mà thân thương đến lạ. "Về đây em", cái tên quán nghe đã đủ ấm lòng, dịu ngọt lại thêm ăn thỏa thích, bao no mà giá cả lại "rẻ bèo".
Nằm khuất trong con hẻm nhỏ ở phường 5, quận 6,
TP.HCM là quán cháo của ông Lê Công Minh (65 tuổi, chủ quán), có thâm niên 16 năm. Quán mở từ năm 2003 do mẹ ông Minh làm chủ; sau đó do cụ bà tuổi già sức yếu, vợ chồng ông Minh là người "kế nhiệm" tiếp nối truyền thống gia đình.
Đến với quán, thực khách có thể được ăn thỏa thích bao nhiêu cháo cũng được, bởi giá mỗi bát rẻ đến bất ngờ, chỉ từ... 1.000 đồng. Hoặc bạn có gọi thêm vài món ăn kèm như hột vịt lộn, kho quẹt... giá cũng chưa quá đến 10.000 đồng!
Giá cả "rẻ bèo" và cái tên quán trìu mến, dễ nghe
Nhiều người thắc mắc, tại sao lại bán với giá quá rẻ như vậy rồi lời lỗ ra sao, ông Minh cười hiền: “Trước đây khi tờ 500 đồng vẫn còn được sử dụng rộng rãi thì một tô cháo có giá 500 đồng. Do khu này toàn những người phụ hồ, công nhân nghèo. Quán bán giá đó lâu rồi nên giờ tăng giá đột ngột cũng không được. Sau này vật giá leo thang, tờ 500 đồng cũng không được lưu hành nữa nên tăng lên 1 ngàn đồng”.
Các món ăn kèm luôn được thay đổi theo ngày, vì chủ quán lo khách ngán
Điều đặc biệt và kích thích sự tò mò của nhiều người còn nằm ở cái tên quán nghe sao thân thương đến lạ "Về đây em". Ba từ ấy treo trước biển hiệu như mời chào cũng như "vỗ về". Ông Minh bảo: "Tên là tôi đặt, tôi nói để tên đó vợ tôi cũng chịu nên đặt vậy luôn. Nó hơi lạ một chút nhưng đọc lên nghe rất dịu nhẹ, không nóng nảy, không làm mình bứt rứt gì”.
Người chủ quán cũng dễ thương không kém!
Nói về quán ăn của mình, ông Minh tự nhận cháo của mình không có gì đặc biệt mà chỉ nấu như đồ ăn cho gia đình. Ăn kèm với cháo gồm có các món như củ cải, dưa mắm, kho quẹt, trứng vịt muối... thỉnh thoảng còn có thịt hay cá bống kho. Sợ khách bị ngán nên cách mấy hôm bà Phượng lại đổi món một lần. Bà Phượng cũng tâm sự công đoạn chế biến khó nhất là xào củ cải, vì phải xào kĩ để khử mùi.
Cháo trắng thì phải nấu cả tiếng đồng hồ để cháo được nhuyễn. Đặc biệt không pha bột vào vì cháo sẽ bị mất đi hương thơm đặc trưng của gạo. “Bếp lúc nào cũng phải đỏ, cháo lúc nào cũng phải nóng, ăn mới ngon”, theo quan niệm của vợ chồng ông.
Minh Tú (t/h)