Thành người tật nguyền do ngã vào bếp lửa
Dù không chết nhưng cô bé phải gánh chịu di chứng nặng nề. Toàn bộ phần ngực biến dạng, phần da đầu và cổ bị dính liền co rút, đẩy hàm răng nhô ra ngoài. Kể từ đó, bé Sáu vĩnh viễn không thể ngậm được miệng, không thể ngoái cổ, nói không sõi.
Tuổi thơ đau ốm tật nguyền, đến năm 17 tuổi bà Sáu đã trở thành trụ cột trong nhà. Một tay bà trông vào mấy sào ruộng nuôi người mẹ già và người chị thứ hai mất sức lao động, bị chồng bỏ.
Cái nghèo đói chưa thôi đeo bám gia đình bà khi cách đây 10 năm, cụ Bùi Thị Nhã (91 tuổi) - mẹ bà Sáu bị ngã đập đầu xuống bị biến chứng não, tâm thần không ổn định, lúc tỉnh lúc mơ. Khi tỉnh cụ có thể đi ra đi vào quét nhà, khi mệt cụ chỉ nằm liệt giường, mọi sinh hoạt do bà Sáu phục vụ.
Giờ đây, cả nhà 3 người chỉ trông vào tiền trợ cấp hơn 600.000 đồng một tháng. Cứ thế, hai mẹ con rau cháo qua ngày nuôi nhau.
Nỗi ám ảnh về gương mặt dị dạng
Gần 50 năm qua, điều ám ảnh bà Sáu nhất không phải là nỗi đau thể xác mà là nỗi ám ảnh về gương mặt dị dạng.
Tuổi thơ của bà chưa một lần được đi học, được đến trường với các bạn. Lớn lên bà ý thức được việc những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể cùng hàm răng kỳ dị kia có thể khiến người ngoài sởn da gà. Sợ mọi người xa lánh, bà Sáu gần như hiếm ra khỏi nhà. Mỗi lần ra đồng đều phải lấy khăn quấn vùng quanh cổ và mặt, sợ trẻ con nhìn thấy khóc thét.
Với hàm răng nhô hẳn ra ngoài, chuyện ăn uống với bà Sáu suốt hàng chục năm qua là cả vấn đề. Ngần ấy năm bà Sáu ăn chẳng biết ngon miệng là gì, ăn cơm và rau đều phải nấu nát. Miệng không thể nhai như người bình thường nên mỗi bữa ăn với bà kéo dài đến 30 phút, như cực hình.
Khách đến nhà, muốn hỏi chuyện phải chạy tới trước mặt bà Sáu, vì bà không thể ngoái cổ lại được. Người lạ đến trò chuyện nghe không quen phải nhờ người mẹ già phiên dịch mới hiểu.
Cụ Nhã rớt nước mắt khi nói về cô con gái: Sáu chỉ biết cắm đầu vào làm ruộng, nuôi gà lợn đến gương chẳng dám soi. Nhiều lần họ hàng, làng xóm đến mời đám cưới, nó đều trốn ra sau nhà ngồi khóc "Mình xấu kinh thế này thì ai thèm ngó!".
Một lần khác, người mẹ già tận mắt nhìn thấy cảnh con gái vừa gánh rau lợn vừa chạy khóc ngoài đường làng. Đám trẻ con chạy theo sau hò reo "Đồ con Sáu sẹo".
Gần đây, vùng sẹo trên ngực bà xuất hiện vết loét lớn, rỉ mủ, gây đau đớn. Sức khỏe bà Sáu ngày càng yếu nên gần một năm qua không thể cáng đáng chuyện đồng áng nên chỉ ở nhà nuôi vài con vịt con gà và cơm nước cho người mẹ già.
Sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp của bà Nguyễn Thị Sáu, ngày 19/8 vừa qua bà đã được Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận điều trị.
BS Nguyễn Hồng Thái, chủ nhiệm khoa Khám bệnh, viện Bỏng Quốc gia cho biết: “Bệnh nhân bị bỏng 48 năm trước lại không được chữa trị trong thời gian dài, nên tổn thương khá nghiêm trọng. Đáng nói, bệnh nhân còn mắc thêm một số căn bệnh mãn tính khác.
Ngày 20/8, bệnh nhân đã được chuyển sang Khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên sau. Các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn và đưa ra phương án phẫu thuật cho bệnh nhân trong thời gian sớm nhất. Viện Bỏng quốc gia cùng các mạnh thường quên sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí điều trị cho bà Sáu.