Chiến sĩ tình báo bị CIA cưa chân 6 lần bây giờ ra sao?

Bị giặc cưa chân sống đến 6 lần, nhưng sự kiên cường của chiến sĩ tình báo Việt khiến CIA phải kinh ngạc và gọi ông là "sinh vật thép".
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước chiến trường không chỉ diễn ra ngoài mặt trận mà còn ở ngay trong lòng trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy, nơi các tổ tình báo xuất sắc nhất của quân ta hoạt động, họ đi hiên ngang giữa lòng kẻ thù để thu thập và mang về những thông tin đắt giá nhất góp phần đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Người từng bị CIA cưa chân 6 lần, Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương (Hai Thương) là một trong số những chiến sĩ anh hùng như vậy.


Người được lựa chọn

 
Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở vùng quê nghèo xã Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh. Mẹ ông là Lê Thị Tân, một nữ Đảng viên tham gia cách mạng từ sớm và hy sinh tại nhà tù Côn Đảo năm 1947. Cha ông là Nguyễn Văn Chắc, một chiến sĩ quân báo, bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù ở Tây Ninh năm 1959.
 
Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến cảnh quân thù giày xéo lên xóm làng, quê hương… đã hun đúc trong lòng chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thương ý chí quyết tâm giết giặc, trả thù nhà. Khi mới 10 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Văn Thương đã xung phong làm giao liên tại quê hương. Tháng 5/1959, ông chính thức tham gia cách mạng. Nhiệm vụ đầu tiên là mang thư từ, điện báo từ Tây Ninh xuống Long Khánh (Đồng Nai) và rải truyền đơn trong đồn điền cao su và nhanh chóng góp mặt trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
bi-giac-cua-chan-song-6-lan-chien-si-tinh-bao-Viet-duoc-CIA-goi-la-sinh-vat-thep-ong-Hai-Thuong-thoi-tre
Ông Hai Thương thời trẻ
 
Lật lại những trang vàng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sau phong trào Đồng Khởi, một cuộc bứt phá bẻ gãy gông xiềng diễn ra mạnh mẽ ở miền Nam, ngành tình báo được thành lập, lúc đó Nguyễn Văn Thương đang là một chiến sĩ đặc công tham gia chiến đấu tại quê hương. Nhận thấy ông có đầy đủ tố chất của một chiến sĩ tình báo nên tổ chức đã lựa chọn ông để đào tạo với mong muốn tạo một mắt xích hoạt động trong lòng địch.
 
Năm 1961, sau một thời gian đi học nghiệp vụ sĩ quan, ông được chọn làm vệ sĩ cho đồng chí Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định). Khi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt, Trung ương Đảng chủ trương thành lập Cục Tình báo miền Nam, Nguyễn Văn Thương được tin tưởng chọn sang hoạt động tình báo, dưới sự quản lý trực tiếp của đồng chí Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn – Chợ Lớn).
 

Chiến sĩ “tình báo thép”

 
Trong vai người bán bánh mì Tư Hiếu (bí danh của Nguyễn Văn Thương), ông hoạt động tình báo ở khu vực miền Đông Nam bộ, từ Tây Ninh tới Bình Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) và Sài Gòn. Ông tham gia các mũi giao liên của Cụm tình báo A18, A20, A22 và A36. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển tin tức từ các điệp viên mà ta cài cắm sâu trong chính quyền Sài Gòn như đồng chí Ba Quốc (Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức), Hai Nhạ (Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), Hai Trung (Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Ẩn)… về Trung ương Cục miền Nam. Trong gần 10 năm hoạt động ông đã lần lượt có mặt ở cả 4 cụm tình báo khắp miền Nam, nắm hầu hết các mạng lưới ở cụm tình báo phía Nam. Suốt thời gian hoạt động, ông đã chuyển 900 tin tình báo về chiến khu an toàn, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng có những sách lược, chủ trương kịp thời đối phó với địch.
 
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn khó khăn, kẻ thù ráo riết lùng sục, đàn áp… Lúc này, Nguyễn Văn Thương phải đương đầu với thách thức lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
 
Ngày 10/2/1969, trên đường chuyển tài liệu từ Bến Cát về Sài Gòn ông bị máy bay địch phát hiện. Vũ khí duy nhất là khẩu súng ngắn K-54, ông nhanh chóng giấu tài liệu vào chỗ bí mật và kiên quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nhưng lực lượng quá chênh lệch, ông bị rơi vào tay địch.
Biết ông là một đầu mối vô cùng quan trọng trong hoạt động tình báo nên cơ quan tình báo Hoa Kỳ (CIA) quyết khai thác ông bằng mọi cách để tìm ra đường dây liên lạc tình báo và các điệp viên của ta trong hàng ngũ địch. 100 ngày đầu, chúng dùng tiền, địa vị… để dụ dỗ mua chuộc ông nhưng không có kết quả, sau đó chúng chuyển sang phương án tra tấn dữ dội và tàn khốc vô cùng.
 
Đầu tiên, chúng đập nát hai bàn chân, sau đó chúng lần lượt bẻ gãy 10 ngón chân của ông, thấy nạn nhân vẫn không chịu khai, chúng đã tàn độc cưa sống từng đoạn chân của ông. Cứ 15 ngày cưa 1 lần, trong vòng 100 ngày chúng cưa tổng cộng đến 6 lần, đến khi đôi chân giao liên rắn rỏi của ông lần lượt bị đứt lìa 6 đoạn, cụt gần đến háng… đó có lẽ là đòn tra tấn man rợ nhất của lịch sử nhân loại. Bởi dù bị cưa sống nhưng nạn nhân không thể chết mà vẫn thoi thóp.
 
Chúng để ông sống và hy vọng có thể moi tin tức từ ông. Thế nhưng, CIA đã thất bại hoàn toàn. Sự gan dạ, lòng yêu nước giúp ông giữ vững khí tiết sau những màn tra tấn vô cùng tàn độc của quân địch, chính những kẻ "hành hình" ông phải thốt lên: “Tao thua rồi, mày là sinh vật thép”. Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo A18 tự hào kể lại: “Dưới sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù Hai Thương đã giữ vững khí tiết, bởi nếu không sẽ gây tổn thất rất lớn cho Cục Tình báo ở phía Nam”.
 
bi-giac-cua-chan-song-6-lan-chien-si-tinh-bao-Viet-duoc-CIA-goi-la-sinh-vat-thep-CIA-tung-su-dung-nhieu-hinh-thuc-tra-tan-khung-khiep
CIA từng sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man với các tù nhân để moi thông tin
 
Sau này, khi kể về những năm tháng bị địch tra tấn dã man ấy, Thiếu tá, Anh hùng Nguyễn Văn Thương chia sẻ rằng: “Khi kẻ thù đưa lưỡi cưa vào chân, không thể diễn tả hết được sự đau đớn ấy nỗi đau vượt quá sức chịu đựng, tôi hét lên một tiếng khi ấy chúng mới gây mê. Khi tỉnh dậy, mở mắt ra thì thấy mất đi 1 chân. Mỗi lần chuẩn bị cưa, chúng lại áp dụng nhiều thủ đoạn tra tấn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, kéo dài sự đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa trị cho lành, gần lành chúng lại cưa. Có đợt, cưa xong chúng lại đưa tôi ra làm vật thí nghiệm cho bác sĩ Mỹ thực tập. Cứ như thế, chúng cưa nhiều lần, cưa nhiều đoạn và cho đến lần thứ 6 thì tôi đã vĩnh viễn mất đi đôi chân”.
 
Không chứng cứ, kẻ thù cũng không khai thác được gì từ ông, chúng buộc phải đóng hồ sơ của ông dưới cái tên giả là: “Nguyễn Trường Hân, chúng gắn cho ông số tù 7218 với dòng chú thích trong hồ sơ: “Một thằng ngoan cố có hạng, tội danh trốn lính, chống chế độ”. Sau đó, chúng lần lượt đày ông qua những “địa ngục trần gian” - nhà tù Tân Hiệp, nhà lao Phú Quốc. Tại đây, với ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, Nguyễn Văn Thương tiếp tục làm cho kẻ thù phải cúi mình kính nể. Tinh thần thép của ông đã trở thành niềm tự hào, củng cố thêm niềm tin, nghị lực cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
 
Trong cảnh ngục tù tại nhà tù Tân Hiệp, Nguyễn Văn Thương được Đảng móc nối lại và được phân công tổ chức tuyên huấn, kiêm tổ trưởng tổ đảng 3 người. Sau đó, được bổ nhiệm làm Bí thứ chi bộ Trại B15. Ba tháng ròng rã bị biệt giam trong lồng sắt “ăn cơm là cầm hơi, nước uống là nhỏ giọt”, nhưng được trở về bên tổ chức, sống trong tình yêu thương của đồng chí đồng đội, ông như được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới. Có lẽ, trong thời gian bị giam cầm ở Tân Hiệp, là quãng thời gian ông phải nếm trải tột cùng của sự đau đớn, tột cùng của sự dã man mà kẻ thù bày ra, song bạo lực của kẻ thù càng làm trỗi dậy ý chí quật cường của người chiến sĩ cộng sản kiên trung xứng đáng với tám chữ vàng “quyết tâm, quyết tử, tự lực, trường kỳ”.
 
Sau 20 tháng bị giam cầm trong nhà tù Tân Hiệp, đầu năm 1972, kẻ thù đưa ông cùng 700 tù chính trị khác ra nhà lao Phú Quốc. Ngày 14/2/1973, ông được trả tự do theo quy định của Hiệp định Paris. Trở về với cách mạng, ông tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại giúp cơ quan tình báo nhận diện những tên mật vụ, gián điệp của Mỹ - ngụy còn ẩn tích, góp phần không nhỏ vào an ninh của đất nước thời hậu chiến, đập tan âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù để giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc.
 
Với những đóng góp của mình, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng Ba, 14 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 2 lần là Chiến sĩ Thi đua, 24 lần được tặng Bằng, Giấy khen. Ngày 6/11/1978, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
bi-giac-cua-chan-song-6-lan-chien-si-tinh-bao-Viet-duoc-CIA-goi-la-sinh-vat-thep-thieu-ta-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-nguyen-van-thuong
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương - người đàn ông "thép"
 
Ông đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Lúc 9 giờ 50 phút ngày 13/8/2018, anh hùng tình báo huyền thoại Nguyễn Văn Thương đã vĩnh viễn ra đi trong sự thương tiếc của gia đình, bạn bè và đồng đội, hưởng thọ 81 tuổi.
 
Những năm tháng cuối đời, Nguyễn Văn Thương sống với vợ, hai người con và các cháu. Dù thân thể chỉ còn một nửa nhưng tinh thần ông luôn lạc quan, nói chuyện dí dỏm. Ông thường xuyên tham dự các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ trong và ngoài quân đội. Câu chuyện về Thiếu tá, anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương thực sự là một khúc hùng tráng trong bản anh hùng ca bất diệt mà dân tộc ta đã viết lên trong thế kỉ XX. Ông mãi là tấm gương sáng về lòng yêu đất nước và ý chí bất khuất cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/16/CIA tra tấn tù nhân dã man như thế nào_16072019103504.mp4[/presscloud]
CIA bị Quốc hổi Mỹ cáo buộc trách nhiệm về việc sử dụng các biện pháp tra tấn tàn bạo
 
 
Thế Hưng (t/h)