Chưa đủ căn cứ để buộc tội, vì sao không cho bị cáo Trần Văn Sơn tại ngoại?

Sau 12 ngày xét xử và tranh tụng, với những chứng cứ và lập luận sắc bén của các luật sư bào chữa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo, đề nghị trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.

Chưa đủ căn cứ buộc tội Trần Văn Sơn

Bào chữa cho Trần Văn Sơn, luật sư Nguyễn Tiến Thủy đã chứng minh trước HĐXX đưa ra các quan điểm và phân tích về trách nhiệm của Trần Văn Sơn, đồng thời cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn. Cụ thể, việc phân công công tác cho Sơn trong bệnh viện thời gian xảy ra sự cố là không hợp pháp.

BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng làm việc có thời hạn với Trần Văn Sơn từ ngày 01/8/2013 đến ngày 31/7/2015 và khi hợp đồng này kết thúc, không có hợp đồng nào ký tiếp theo với Trần Văn Sơn. Như vậy, Trần Văn Sơn tồn tại ở BVĐK tỉnh Hòa Bình với tư cách gì? Về mặt pháp lý là Trần Văn Sơn không phải là người của bệnh viện quản lý.

Và để đổ tội cho Trần Văn Sơn, BVĐK tỉnh Hòa Bình sẵn sàng làm bản hợp đồng làm việc và đóng con dấu giả lên bản hợp đồng này nhằm chứng minh Sơn là người của bệnh viện. Để đến khi đối chất tại tòa bà Đinh Thị Tới - Trưởng phòng Tổ chức, BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận các con dấu có kích thước to nhỏ khác nhau (có nghĩa là có việc làm giả con dấu-PV). Cũng tại tòa Luật sư Nguyễn Danh Huế (người bào chữa cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) khẳng định “hợp đồng làm việc gốc ký với Trần Văn Sơn là không có”, Luật sư Huế nói.

chua du can cu de buoc toi vi sao khong cho bi cao tran van son tai ngoai

Trưởng phòng Tổ chức thừa nhận dấu to, nhỏ khác nhau.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, nếu đúng thì đây là dấu hiệu của tội phạm và cũng là chứng cứ quan trọng để chứng minh bị cáo Trần Văn Sơn không có tội. Như vậy, không có hợp đồng nào ký tiếp theo với Trần Văn Sơn. Về mặt pháp lý, Trần Văn Sơn không phải là người của BVĐK tỉnh Hòa Bình, không phải là người của bệnh viện quản lý. Và như vậy, Trần Văn Sơn có phải là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Luật sư Thủy cho rằng, chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn.

Trách nhiệm chính là Trưởng phòng Vật tư - thiết bị y tế

Luật sư Thủy cũng phân tích cho HĐXX thấy rằng, trách nhiệm sau sửa chữa bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Việc kiểm tra đầu tiên theo Quy chế bệnh viện của Bộ Y tế (1997) là thuộc về ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế. Đây là “nút thắt chính” của vụ án đã bị “bỏ lọt” không làm rõ trong quá trình điều tra. Thậm trí trong các phần xét hỏi, HĐXX cũng không nói đến trách nhiệm của ông Thắng trong vụ việc này.

Luật sư Thủy cho rằng, theo quy trình, ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư) có trách nhiệm kiểm tra thiết bị y tế rồi mới giao nhiệm vụ cho điều dưỡng. Trong khi đó, Sơn không phải cán bộ của bệnh viện. Do đó, theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy “Trách nhiệm chính phải thuộc về ông trưởng phòng vật tư”, luật sư Thủy nói.

Bên cạnh đó, những nhân chứng có liên quan đến vụ án được luật sư đề nghị triệu tập cũng không được HĐXX mời. Nhiều chứng cứ hồ sơ quan trọng khác chưa được đưa vào, có những lời khai bị bỏ qua không được làm rõ... nhiều chứng cứ đã bị “bỏ lọt”, dẫn đến Viện Kiểm sát quy kết trách nhiệm cho Trần Văn Sơn là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vậy Trần Văn Sơn có “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” không? Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng cần cẩn trọng xem xét và đánh giá sao cho đúng bản chất của sự việc. Bởi Trần Văn Sơn tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật y tế, ngành thiết bị hình ảnh. Sau đó được cử đi học đại học liên thông, ngành kỹ thuật y sinh. Như vậy bản thân Trần Văn Sơn không hề được đào tạo và có bất kỳ một sự hiểu biết nào liên quan đến hệ thống lọc nước RO. Vậy phân công cho Sơn thực hiện những nhiệm vụ như hồ sơ vụ án thể hiện. Giả sử nếu có thật đi chăng nữa thì liệu rằng Sơn có đủ năng lực để thực hiện trách nhiệm đó hay không? Đây cũng là một vấn đề rất cần sự đánh giá khách quan của HĐXX, Luật sư Hòa cho biết.

Theo Luật sư Phạm Quang Hòa, quy kết của cơ quan buộc tội là không giám sát, là thiếu trách nhiệm. Nhưng, vấn đề ở đây chính là có trách nhiệm hay không mà thiếu. Nếu không có trách nhiệm, không đủ điều kiện năng lực để có trách nhiệm với một công việc cụ thể thì làm sao có thể xác định rằng là thiếu trách nhiệm, là có thể không làm hoặc làm không đầy đủ trách nhiệm của mình. Đây là một vấn đề mà HĐXX đánh giá và xem xét một cách thấu đáo, thấu tình đạt lý và đúng bản chất sự thật của vụ việc.

Theo đó, qua tranh tụng tại tòa, đại điện VKS thấy rằng cần phải làm rõ nhiều vấn đề mà các luật sư đưa ra nên đã đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Dư luận cho rằng, nếu chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn thì HĐXX hoàn toàn có quyền cho Sơn được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú tại sao không? Câu trả lời này sẽ được trả lời vào 5/6/2018 tới đây.