Chuyển viện thiếu an toàn, bệnh viện tuyến cuối “giật mình”

Nhiều lần Bệnh viện Từ Dũ nhận được bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên nhưng không hề được báo trước, không có bác sĩ gây mê hồi sức đi theo, nhân viên chuyển bệnh không nắm được diễn tiến bệnh hay các thuốc đã sử dụng…
chuyen vien thieu an toan benh vien tuyen cuoi giat minh

Cấp cứu bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại Hội nghị chỉ đạo tuyến sản – nhi khu vực phía Nam vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Trung, Khoa Hồi sức sơ sinh – Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM nhận xét, mặc dù đã nỗ lực chuyển giao kỹ thuật, phát triển vệ tinh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh nhưng không đạt kết quả như mong đợi do nhân sự của các bệnh viện vừa thiếu, vừa yếu lại thường xuyên có sự thay đổi, xáo trộn.

Đơn cử như Bệnh viện sản nhi Gia Lai, mặc dù có đến gần 15.000 ca sinh mỗi năm nhưng bệnh viện này chỉ có 5 bác sĩ và 9 điều dưỡng. Có những bệnh viện chỉ có 2-3 bác sĩ sản - nhi như Bệnh viện sản nhi Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Bên cạnh đó, đa số các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị, không phù hợp với chăm sóc trẻ sơ sinh, dung dịch nuôi ăn cũng thiếu….

Đây chính là lý do khiến cho tỷ lệ tai biến, tỷ lệ tử vong và chuyển viện lên tuyến trên của các bệnh viện tuyến dưới còn khá cao. Bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Trung đưa ra ví dụ cụ thể: Đơn vị sản nhi của Bệnh viện Đa khoa Đăk Lăk chỉ có 7 bác sĩ nhưng thay đổi liên tục. Dù trước đó Bệnh viện Nhi đồng 2 đã đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ ở đây nhưng sau một thời gian quay lại thì số bác sĩ đó đã nghỉ việc, bác sĩ mới về thay chưa nắm được kỹ thuật.

Trong khi đó, phòng bệnh của đơn vị này chật chội, cũ kỹ, ẩm thấp, rất khó kiểm soát nhiễm khuẩn. Chính vì thế, mỗi năm có đến hơn 140 ca tử vong trẻ sơ sinh tại đây và có khoảng 150 ca phải chuyển viện lên tuyến trên. “Con số tử vong này tương đương với số ca tử vong của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2”, bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Trung cho hay.

Có cùng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho 13 tỉnh, thành khu vực phía Nam nhưng gặp nhiều khó khăn do tuyến dưới thiếu nhân sự, thiết bị máy móc. Một số thiết bị kỹ thuật cao như máy thở HFO, CT, MRI hay siêu âm màu tại giường có rất ít; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được chú trọng; chưa có phác đồ điều trị; sự phối hợp giữa sản và nhi tuyến tỉnh còn yếu.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1, có đến khoảng 80% trẻ sơ sinh tử vong là do từ tuyến tỉnh chuyển lên. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM lại cho hay, một vấn đề nghiêm trọng mà các bệnh viện tuyến dưới hay mắc phải là tổ chức chuyển viện không an toàn. Nhiều trường hợp Bệnh viện Từ Dũ nhận được bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên nhưng không hề được báo trước, không có bác sĩ gây mê hồi sức đi theo, nhân viên chuyển bệnh không nắm được diễn tiến bệnh hay các thuốc đã sử dụng…. Có những trường hợp sản giật nhưng không được tuyến dưới xử trí mà đẩy thẳng lên tuyến trên, thậm chí để bệnh nhân tự chuyển viện trong tình trạng nguy hiểm.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, công tác chỉ đạo tuyến đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp giảm bớt các tai biến, sự cố y khoa của các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh. Đặc biệt, với những địa phương có tỷ lệ sinh đẻ tại các bệnh viện tuyến huyện hoặc trạm y tế nhiều thì việc đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến này là vô cùng cần thiết.

Do đó, ông Vinh hy vọng các bệnh viện sản nhi tuyến tỉnh; các bệnh viện có khoa sản, nhi nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, cử người đi học tập đào tạo và nỗ lực thực hiện đúng các quy trình chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe bà mẹ - trẻ em đến mức cao nhất.