Cty Cung ứng nhân lực Tràng An: Tư vấn xuất khẩu lao động cho khách là trò đùa?

Admin
Nhân viên Công ty TAMICO tư vấn cho khách đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với mức phí cao hơn nhà nước ban hành. Lãnh đạo công ty lại nói rằng đó chỉ là nhân viên kỹ thuật, tư vấn không đúng.
Sức khỏe Cộng đồng nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Công ty Cổ phần đầu tư và Cung ứng nhân lực Tràng An (TAMICO) có địa chỉ Lô 17F1, Khu đô thị mới Đại Kim, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội về việc Công ty đang thực hiện tư vấn, đào tạo và thu phí xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản cao hơn so với quy định của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội.
 
Trong vai người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, phóng viên đã liên hện với Công ty Tràng An để ghi nhận thực tế. Có mặt tại địa chỉ trên của Công ty, PV đã được người đàn ông tên Đức giới thiệu là cán bộ tuyển dụng và đã làm việc tại Công ty được hơn một năm. Sau khi PV ngỏ ý về việc muốn đi xuất khẩu lao động, người đàn ông này đã rất nhiệt tình tư vấn cho chúng tôi về các đơn hàng dành cho nam, nữ đi xuất khẩu lao động Nhật Bản với thời hạn 3 năm.
 
Anh Đức (nhân viên công ty TAMICO) trực tiếp tư vấn các đơn hàng tại trụ sở công ty cho PV.
 
Người tên Đức cho biết, các đơn hàng đều có phí 6.800USD, số tiền này chỉ bao gồm phí xuất cảnh và tiền học, còn tiền ăn uống thì người lao động tự túc. Cụ thể: đơn hàng đóng gói công nghiệp làm việc tại tỉnh Chiba (Nhật Bản) chỉ tuyển ứng viên nam dưới 30 tuổi trong thời gian 3 năm, có mức phí là 6.800 USD; đơn hàng hàn sơn kim loại làm việc tại tỉnh Tochigi (Nhật Bản) chỉ tuyển ứng viên nam dưới 30 tuổi trong thời gian 3 năm có mức phí là 6.800 USD; đơn hàng về xây dựng có phí thấp hơn nhưng cũng dao động từ 5.800 USD đến 6.200USD và chưa bao gồm tiền ăn uống khi lao động học tiếng tại công ty. Sau khi người lao động nộp hồ sơ sẽ phải đóng cọc 10 triệu đồng để đảm bảo đơn hàng. Đơn nào cũng đều phải đóng số tiền cọc như vậy.
 
Theo tìm hiểu, mức phí mà nhân viên Đức đưa ra là quá cao so với mức quy định chung của Bộ LĐTBXH. Trước đó, vào tháng 4/2016, Bộ LĐ-TBXH đã có văn bản 1123/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên. Trong văn bản đã quy định rõ, các khoản phí doanh nghiệp thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. Doanh Nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Nhật.
 
Trao đổi với PV, ông Lê Mai An (Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Tràng An) khẳng định nhân viên tên Đức là nhân viên của công ty. Nhưng theo ông An, đây chỉ là nhân viên kỹ thuật của công ty, mới vào làm việc được hơn 1 tháng, không có nhiệm vụ tư vấn đơn hàng.
 
Ông An cũng cho hay, công ty có bộ phận kiểm soát thị trường để kiểm tra lại những người lao động về số tiền được tư vấn và đã đóng cho công ty trước khi tham gia thi tuyển đơn hàng. Sau đó, Công ty thông báo cho người lao động biết số tiền sẽ phải nộp cho phòng tài chính kế toán theo quy định của Bộ LĐTBXH.
 
Đại diện doanh nghiệp cũng nói rằng, nếu số tiền được tư vấn cao hơn số tiền theo quy định thì người lao động thông báo lại cho nhân viên trực tiếp tư vấn đơn hàng cho mình biết để trả lại số tiền chênh lệch. Nếu Công ty phát hiện người lao động đã nộp tiền cho nhân viên tư vấn không đúng quy định thì sẽ không cho tham gia đơn hàng. Công ty chỉ thu tiền khi người lao động đã trúng tuyển đơn hàng, đã ký hợp đồng với chủ lao động bên Nhật Bản và có tư cách lưu trú.
 
"Công ty sẽ làm việc lại với anh Đức, căn cứ vào mức độ vi phạm và xem xét mức độ thành khẩn của nhân viên để có các hình thức xử lý cụ thể." - Ông An nói.
 
Tuy ông An nói rằng ông Đức chỉ là nhân viên kỹ thuật nhưng thực tế khi chúng tôi đến liên hệ tại Văn phòng công ty, rất nhiều cán bộ nhận viên đang có mặt ở đó chứng kiến. Không hiểu lý do gì công ty này lại để nhân viên kỹ thuật đứng ra đại diện tiếp khách mà không ai có mặt ở văn phòng phản ứng gì. Việc ông Đức tư vấn cho chúng tôi diễn ra ngay tại văn phòng những cán bộ kia có mặt. Nhân viên này còn gửi cho chúng tôi rất nhiều tài liệu văn bản liên quan đến xuất khẩu lao động của Công ty Tràng An.
 
Liệu Công ty ty Cổ phần đầu tư và Cung ứng nhân lực Tràng An (TAMICO) đã thực hiện đúng quy định của Bộ Lao động Thương Binh Xã hội hay chưa? Chúng tôi đang liên hệ làm việc với Cục quản lý Lao động nước ngoài (Bộ LĐTBXH) và cơ quan thuế để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
 
Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...
Quỳnh Như