Em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm bây giờ ra sao?

Năm 1978, em bé đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm ra đời gây nhiều tranh cãi. Thế nhưng, cho tới thời điểm hiện tại, phương pháp này đã trở thành lựa chọn hàng đầu của những cặp vợ chồng khó thụ thai.

Cô bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

 
Ngày 25/7/1978, cô bé Louise Brown ra đời. Nhớ ngày đó, bà Lesley Brown – mẹ cô bé – được âm thầm đưa đến bệnh viện trong đêm, chỉ có một cây đèn pin duy nhất soi đường. Chỉ có một vài nhân viên biết mặt, vợ chồng Lesley cũng không muốn mọi người biết chuyện của mình.
 
Louise ra đời hoàn toàn bí mật. Tại bệnh viện Oldham General (Manchester, Anh), cha của Louise, ông John Brown lần đầu bế con gái cũng phải dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát. Nguyên nhân bởi, Louise là đứa trẻ “sinh ra trong ống nghiệm” đầu tiên trên thế giới.
 
Cụ thể, cô bé là đứa trẻ đầu tiên trên thế giới được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thời điểm đó, đây mới chỉ là phương pháp thử nghiệm. Đến khi cô bé Louise ra đời, Tiến sĩ Mike Macnamee, Giám đốc của trung tâm IVF đầu tiên trên thế giới tại Bourn Hall (Cambridge, Anh) đã phải thốt lên “Đây thực sự là một phép màu”.
 
Em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm bây giờ ra sao?
Cô bé Louise Brown là đứa trẻ đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. 
 
Trước khi Louise chào đời 10 năm, bác sĩ phụ khoa Patrick Steptoe và nhà sinh lý học Robert Edwards đã hợp tác với nhau. Edwards đã tìm được cách thụ tinh cho trứng trong phòng thí nghiệm và Steptoe phát triển được phương pháp lấy trứng từ buồng trứng của người mẹ. Họ đã thất bại hàng trăm lần cho đến khi gặp bà Lesley Brown.
 
Vốn bị tắc ống dẫn trứng, vợ chồng Brown vẫn không thể có con sau 9 năm chờ đợi vì phẫu thuật thất bại. Khát khao có con cháy bỏng khiến cả hai quyết định thử phương pháp mới, dù cơ hội thành công vô cùng nhỏ nhoi.
 
Đến tháng 10/1977, bà Lesley đã mang thai thành công sau khi trứng thụ tinh được cấy ghép vào tử cung. Sau khi tìm được cách thụ tinh cho trứng, Steptoe và Edwards sớm giới hạn số lượng phôi thai được cấy vào cơ thể người mẹ để tránh tình trạng mang quá nhiều thai.
 
Chín tháng sau, cô bé Louise ra đời. Quá trình bà Lesley lâm bồn phải được ghi hình dưới sự đồng ý của chính phủ, để chắc chắn rằng Louise thực sự là do bà Lesley sinh ra. Louise cũng phải trải qua 60 bài kiểm tra khác nhau để khẳng định cô bé ‘hoàn toàn bình thường’. Ngày đó, sự ra đời của Louise chính là thành tựu lịch sử của y học.
 
Em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm bây giờ ra sao?
Thời đó, phương pháp này còn gây nhiều tranh cãi. 
 
Giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, kỹ thuật đông lạnh đã phát triển tới mức, các bác sĩ có thể đông lạnh số phôi thai ‘còn thừa’ để dụng cho lần sau, giúp người mẹ không phải trải qua quá trình kích và hút trứng nữa.
 

Sinh ra trong ống nghiệm là trái quy luật tự nhiên?

 
Sự ra đời của Louise Brown được một số người gọi là “đứa trẻ thế kỷ”. Thế nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng đây là “sự ghê tởm về đạo đức”. Tức là, họ lên án những bác sĩ thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Giáo hoàng Francis khẳng định, phương pháp này khiến trẻ em trở thành “một quyền lợi thay vì một món quà” và đang “đùa giỡn với sự sống”. Các nhà thần kinh học cũng cho rằng IVF là phương pháp “trái tự nhiên”, trong khi Vatican lo sợ sự kiện này có thể đem lại “hậu quả khủng khiếp cho nhân loại”.
 
Điều này tiêu cực đến nỗi, cha mẹ Louise còn nhận được những hộp thư đáng sợ. Trong đó, một chiếc hộp đến từ Mỹ với ống nghiệm vỡ, máu giả và một phôi thai giả bên trong kèm theo lời đe dọa sẽ đến gặp trực tiếp khiến cả nhà hoảng sợ. Mọi người còn đồn đại, Louise không phải người bình thường mà có khả năng siêu nhiên.
 
Em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm bây giờ ra sao?
Mọi người còn đồn đại, Louise không phải người bình thường mà có khả năng siêu nhiên. 
 
Đến tháng 8/1978, Hồng y giáo chủ Luciani (không lâu sau trở thành Giáo hoàng John Paul I) từ chối chỉ trích cha mẹ Louise, cho rằng họ đơn giản chỉ muốn có con.
 
Dẫu biết vô lý, nhưng tại thời điểm đó, việc tranh cãi xung quanh sự ra đời của Louise là điều dễ hiểu. Đây là lần đầu tiên mọi người tiếp cận với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà ở đó, đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm chứ không phải trong tử cung người mẹ khiến nhiều người lo sợ. Thế nhưng hiện nay, IVF đã xoá bỏ hoàn toàn những lo ngại, đang dần được chấp nhận về mặt đạp đức. Cho đến nay, phương pháp IVF đã giúp 6,5 triệu đứa trẻ được sinh ra.
 

Cuộc sống của Louise bây giờ ra sao?

 
Dù sự ra đời cách đây 41 năm gây nhiều tranh cãi, nhưng Louise đang sống cuộc sống như một người bình thường. Cô hiện dã có 2 con, làm công việc văn phòng ở một đơn vị vận chuyển, còn chồng là nhân viên giữ cửa ở một khách sạn.
 
Khi mới hẹn hò được vài tháng, Louise đã thẳng thắn nói với chồng về sự ra đời của mình. Chồng Louise hơn cô 7 tuổi, sống cùng khu phố nên cũng không lạ lẫm gì với sự ra đời của vợ.
 
Em bé đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm bây giờ ra sao?
Louise và em gái. 
 
Cô được nuôi dưỡng như một đứa trẻ bình thường, mẹ cô cũng luôn mong ước con gái mình sẽ có cuộc sống như bao người khác. Những năm đầu đời, Louise được cha mẹ đưa đến nhiều quốc gia khác nhau. Thế nhưng, khi đến tuổi đi học, cha mẹ cô chỉ nhận những buổi phỏng vấn do Edwards và Steptoe đề nghị.
 
Sau khi ra đời 4 năm, gia đình Louise chào đón cô em gái nhỏ Natalie cũng nhờ IVF, thế nhưng mọi người không còn nói nhiều về điều này như trước. Louise cho biết: “Chúng tôi có một cuộc sống bình thường, chỉ là thêm IVF. Chúng tôi có trả lời phỏng vấn và chụp ảnh, nhưng cuộc sống ở nhà thì chẳng liên quan gì đến IVF cả”.
 
Em gái cô - Natalie trở thành đứa trẻ sinh ra trong ống nghiệm đầu tiên sinh con vào tháng 5/1999. Natalie thụ thai và sinh con hoàn toàn tự nhiên. Năm 2006, Louise cũng sinh một bé trai kháu khỉnh hoàn toàn tự nhiên. Vài năm sau, cô lại sinh thêm một bé trai nữa.
 
Hiện tại, 2 con trai cô đều đang ở độ tuổi đi học. Đối với Louise, việc mình được sinh ra thực sự là một đặc quyền: “Thật tuyệt vời khi tất cả bắt đầu từ cha mẹ tôi. Nhiều người nói rằng, nếu không nhờ quyết định của cha mẹ tôi năm ấy, họ sẽ chẳng bao giờ có con được”.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/26/(VTC14)_Thực hiện thụ tinh ống nghiệm miễn phí cho một số gia đình nghèo_26072019163039.mp4[/presscloud]
Thực hiện thụ tinh ống nghiệm miễn phí cho một số gia đình nghèo. Nguồn: VTC14. 
 
 
Thùy Nguyễn (t/h)