Gel và dung dịch rửa tay Green Cross quảng cáo lừa người tiêu dùng trong lúc dịch bệnh Covid-19?

Gel và Dung dịch rửa tay Green Cross công bố dưới dạng mỹ phẩm được quảng cáo diệt 99,9% vi khuẩn khiến nhiều người tìm mua để phòng dịch nhưng công dụng không đúng như quảng cáo?
Sức khỏe Cộng đồng nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Dung dịch rửa tay Green Cross; Dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross; Gel rửa tay diệt khuẩn do Công ty TNHH Green Cross Việt Nam sản xuất phân phối ra thị trường đang được quảng cáo sai công dụng, chưa đủ điều khiện lưu hành ra thị trường.
 

Quảng cáo sai công dụng


Theo Thông tư 06/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành và công văn 1609/QLD-MP của Cục Quản lý Dược, các loại mỹ phẩm khi lưu hành cần phải có giấy xác nhận công bố do cơ quan chức năng cấp. Thông tư này cũng cho biết không chấp nhận mỹ phẩm có công dụng “diệt virus”. Công dụng “kháng khuẩn” “khử khuẩn” không phải là mục đích, công dụng chính của mỹ phẩm. Các sản phẩm mỹ phẩm cũng không được giới thiệu hay quảng cáo để phòng bệnh cho người. Do đó, những từ “diệt vi khuẩn” không được giới thiệu, quảng cáo trong mỹ phẩm.
 
Dung dịch rửa tay, Gel rửa tay Green Cross; Dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross; Gel rửa tay diệt khuẩn đã được Sở Y tế Bình Dương cấp giấy xác nhận công bố dưới dạng mỹ phẩm. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm này đang được bán tràn lan trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử. Sản phẩm này lại đang được giới thiệu “Diệt khuẩn cho tay mọi lúc, mọi nơi, diệt 99,9% vi khuẩn do tiếp xúc ngay lập tức”.
 
Vậy có phải các sản phẩm này đang được quảng cáo sai công dụng so với các quy định của pháp luật?
 
Các sản phẩm Dung dịch rửa tay, Gel rửa tay Green Cross được giới thiệu có công dụng diệt 99,9% vi khuẩn
 
Bên cạnh đó, các sản phẩm dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross cũng đang được đăng tải trên website giới thiệu là của Công ty TNHH Green Cross Việt Nam. Hiện tại các sản phẩm này đang được bán với mức giá từ vài chục nghìn cho tới hàng trăm nghìn tùy từng thể tích.
 
Theo bà Vũ Thị Thanh Thúy - Phó phòng nghiệp vụ Dược Sở Y tế Bình Dương, hiện tại các sản phẩm này chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Vậy có thể nói việc đăng tải những nội dung này lên website và giới thiệu các sản phẩm này có công dụng diệt khuẩn là không có căn cứ và sai quy định.
 
Hình ảnh sản phẩm Dung dịch rửa tay diệt khuẩn được đăng trên website của Công ty Green Cross
 
Công ty Green Cross cung cấp giấy kiểm nghiệm sản phẩm nhưng trên giấy kiểm nghiệm thể hiện chỉ diệt hai loại vi khuẩn là Escherichia Coli và Pseudomonas aerugino vậy không thể nói diệt được 99,9% các loại vi khuẩn.
 
Hình ảnh kiểm nghiệm
 

Có dấu hiệu sản xuất và bán hàng trái phép


Cũng theo Bà Thúy - đại diện Sở Y tế Bình Dương, năm 2010, Sở Y tế Bình Dương cấp công bố cho Gel rửa tay diệt khuẩn theo số 119/10/CBMP-BD, cấp ngày 9/4/2010, hết hạn 8/4/2013. Năm 2011 Sở Y tế Bình Dương cấp công bố Dung dịch rửa tay diệt khuẩn số 332/11/CBMP-BD ngày 23/11/2011, hết hạn 22/11/2016. Tức là các công bố này do Sở Y tế cấp đã hết hiệu lực đối với các sản phẩm này.
 
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trên trang facebook GreenCross Vietnam Horeca Solutions vẫn đăng tải các hình ảnh thể hiện các sản phẩm vẫn được sản xuất bày bán ra thị trường rất nhiều. Trên trang Facebook này có để thông tin website và địa chỉ liện hệ Số 28, Đại Lộ Tự Do, Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, trùng hợp thay địa chỉ này cùng với địa chỉ Công ty Green Cross.
 
Tuy nhiên, Công ty Green Cross không thừa nhận sở hữu tài khoản facebook này.

Điều đáng ngờ, sau khi liên hệ làm việc với công ty, phóng viên kiểm tra trang facebook GreenCross Vietnam Horeca Solutions đã không còn nữa, có thể bị gỡ bỏ. Một số hình ảnh về sản phẩm Dung dịch rửa tay diệt khuẩn trên greencross.com.vn của công ty Green Coss cũng được gỡ bỏ. Liệu có phải đơn vị đã cố tình xóa dấu vết sai phạm?
 
Gel diệt tay diệt khuẩn đang được bán trên thị trường với số lượng lớn
 
Có hay không việc công ty Green Cross cố tình quảng cáo sai công dụng của sản phẩm để lừa dối khách hàng, trục lợi trong mùa dịch Covid 19?

Việc sản xuất cũng như bán hàng của Công ty TNHH Green Cross như vậy có đúng không? Nếu có sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào ? Ai sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng nếu bị xâm phạm?
 
Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...
 
Minh Anh