Sửa soạn mâm cỗ cúng bái trong ngày lễ Vu lan là nghi thức truyền thống của văn hóa Việt. Thế nhưng, dù có mâm cao, cỗ đầy đến đâu nhưng con cái bất kính với cha mẹ, ông bà thì báo hiếu cũng không có ý nghĩa.
Hiểu đúng về ngày lễ Vu lan
Vu lan còn gọi là Vu Lan Bồn, có nguồn gốc chữ Phạn Ullambana, dịch sang Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược theo nghĩa của tiếng Việt. Hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi...
Bắt nguồn từ sự tích Ngài Mục Kiền Liên, vì lòng yêu thương mẹ vô bờ bến mà không ngần ngại xuống địa ngục, cúng dường phẩm vật lên chư Tăng và thành tâm cầu nguyện để mẹ thoát được kiếp khổ ngạ quỹ, sinh về thiên giới.
Ngày lễ Vu lan là lúc để con cái tỏ lòng thành kính (Ảnh Internet)
Như Kinh Phật đã viết: “Tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu”. Noi gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, hằng năm vào dịp rằm tháng 7 những người con cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ơn ông bà, tổ tiên. Vì vậy bao đời nay, Vu lan đã trở thành một ngày lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, đề cao chữ Hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Không những thế, chữ Hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, mà nếu không thành tâm với cha mẹ họ sẽ trở nên bất hạnh.
Mâm to, cỗ đầy có thực sự cần thiết?
Nói về quan điểm nhà Phật về việc cúng lễ trong đại lễ Vu Lan đúng đạo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng chia sẻ rằng:
"Trên tinh thần hiếu đạo, Đức Phật có dạy rằng, người con có hiếu là người con biết vâng lời và theo sự hướng nghiệp của cha mẹ. Lúc cha mẹ còn sống thì lo chăm sóc, lúc cha mẹ thác đi thì lo lễ cầu siêu. Đây là việc rất đơn giản nhưng cần nhất là cái tâm, sự thành ý của mỗi người. Nhưng sau này, một bộ phận không nhỏ người Việt lại biến lễ Vu Lan thành một nghi lễ báo đáp nhưng mang hình thức phàm tục nhiều hơn. Ví dụ như Rằm tháng 7, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng thật hoành tráng và đặt lên ban thờ để làm lễ. Người ta quan niệm rằng, ngày này các vong linh được xá tội, cửa ngục được mở, cha mẹ, ông bà của họ có thể về nhà để nhận sự hiếu kính của con cháu. Con cháu thi nhau làm mâm cao, cỗ đầy để cầu cúng, báo đáp. Và họ tự nhủ với nhau rằng, lễ càng to càng tốt, càng thể hiện sự hiếu lễ.
Quan niệm đốt vàng mã trong những ngày này là điều không nên (Ảnh Internet)
Tuy nhiên, dưới con mắt và giáo lý của nhà Phật thì việc làm trên lại sinh ra cái tội cho ông bà, cha mẹ, người đã thác. Bởi khi còn sống, ông bà, cha mẹ của họ cũng gây ra tội khi sát sinh, cúng lễ mặn vào ngày Rằm. Và bây giờ, con cháu của họ lại tiếp tục sát sinh để cúng ông bà, cha mẹ khiến cho tội lỗi của họ càng thêm nặng.
Mâm cúng không nên quá phô trương(Ảnh Internet)
Theo quan niệm của người Việt thì khi cúng phải đầy đủ "4 bát, 6 đĩa" mới là cỗ to, mới đầy đủ. "4 bát, 6 đĩa" đồng nghĩa với 10 món, họ phải sát sanh 10 con vật. Thế nhưng, trong kinh Phật cho rằng làm như thế là "tội chồng tội", chẳng khác nào cha mẹ, ông bà họ đang gánh nặng, leo dốc cao vào trời nắng. Con cháu không những không đỡ mà còn tiếp tục chất thêm đồ đạc. Chính vì thế, khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay. Tuyệt đối tránh việc sát sinh".
Giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ để mỗi ngày đều là lễ Vu lan
Việc tỏ lòng thành kính không nhất thiết phải là sửa soạn thật rình ràng, trịnh trọng. Chỉ cần ghi nhớ những điều sau để mỗi ngày, nhân lúc cha mẹ còn khỏe mạnh ngày nào cũng là lễ Vu lan:
Cha mẹ dạy bảo, con cái lắng nghe
Ở thời điểm cho mẹ khuyên giải, nhất định phải cung kính tiếp nhận. Ở thời điểm cha mẹ trách phạt, nhất định phải khiêm tốn ăn năn, kiểm điểm bản thân, sửa đổi chính mình. Vì bậc làm cha làm mẹ nào trên thế gian này cũng đều một lòng mong con cái trưởng thành đức hạnh, mà con cái cãi lời chính là không có tâm cung kính.
Kiên nhẫn lắng nghe, trò chuyện cùng cha mẹ
Cha mẹ hiểu lầm, không giải thích cũng không sao, nhún một bước, nhẫn một chút, nóng nảy qua đi, cha mẹ con cái lại hòa bình. Trên đời này, bất cứ ai cũng có thể đến rồi đi, bất cứ ai cũng có thể từ quen thuộc trở thành xa lạ, từ gần gũi trở nên người dưng nước lã. Chỉ có cha mẹ với con cái là dù xa cách bao nhiêu cũng vẫn là người thân, người yêu nhất, không thể chối bỏ.
Dành chút ít thời gian về ăn cơm với cha mẹ(Ảnh Internet)
Yêu thương bản thân, yêu thương cha mẹ
Cha mẹ đánh con, cha mẹ đau, con đánh cha mẹ, cha mẹ đau. Vì thế, trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, êm ấm thì cả hai hạnh phúc, bất hòa thì cha mẹ chịu khổ. Người làm cha làm mẹ luôn chịu thiệt thòi, nhường nhịn và bao dung với con cái. Cha mẹ nuôi con không kể tháng ngày, con nuôi cha mẹ con đếm từng ngày.Muốn hiếu với cha, với mẹ thì tốt với mẹ cha thôi chưa đủ, tốt với chính mình mới là sáng suốt, vì con hạnh phúc, cha mẹ khắc yên lòng.Vu Lan báo hiếu, bông hồng màu đỏ cài áo những ai còn đang còn mẹ để báo hiếu, bông hồng trắng trên những khuôn ngực không thôi nỗi đau mất mẹ.
Ngày lễ Vu lan này, nếu bạn đang ở xa hãy tranh thủ sắp xếp thời gian về quây quàn cùng cha mẹ nhân lúc còn cơ hội, bạn nhé!
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/26/Mẹ ơi GIÁ MÀ...! bài giảng cực hay về ĐẠO LÀM CON của THẦY TÂM NGUYÊN_26072019174843.mp4[/presscloud]
Thầy Tâm Nguyên giảng về đạo làm con- Pháp thoại khai tâm
Minh Tú (t/h)