Trong những ngày dài nghỉ tránh dịch tại nhà, rất dễ xảy ra tai nạn thương tích với trẻ ngay tại nhà. Cha mẹ cần đề phòng một số tai nạn thường gặp, nếu bất cẩn có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Trẻ nhỏ dưới 15 tuổi luôn hiếu động và muốn khám phá thế giới xung quanh. Chính sự tò mò có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm nếu cha mẹ không để mắt tới con trẻ. Ở mỗi lứa tuổi, trẻ dễ mắc phải các loại tai nạn khác nhau mà nếu không được người lớn xử trí kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Trẻ nhỏ từ 0 - 6 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ cực kỳ non nớt, chưa có đủ nhận thức về các sự vật hiện tượng xung quanh. Do đó, trẻ ở độ tuổi này luôn phải nằm trong tầm quan sát của cha mẹ. Người lớn tuyệ đốt không để trẻ chơi một mình, dù chỉ là trong tích tắc.
Tránh để trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn, nguy hiểm như dao, kéo, tuốc nơ vít, đinh... Không để những vật dụng này ở trên cao hoặc trong tầm với của trẻ, vì chỉ cần đánh rơi là có thể gây sát thương.
Không để trẻ chơi gần nơi có những đồ thủy tinh như kính, bình hoa... vì trẻ thường hay chạy nhảy, nô đùa mà bất cẩn xô đổ làm vỡ. Khi bị vỡ những mảnh thủy tinh sắc nhọn bắn ra rất nguy hiểm cho trẻ khi ngã vào hoặc dẫm phải.
Cẩn thận tuyệt đối khi dùng kim băng, kim tiêm. Dùng xong phải cất vào nơi an toàn, không để cho trẻ lấy được ngậm vào miệng.
Không nên cho trẻ chơi ở phòng của người lớn, phòng khách, phòng ăn, bởi những khu vực này thường có những đồ vật gây nguy hiểm cho trẻ, nếu trẻ tò mò cầm nghịch ngợm như nắp bút, ghim, dao kéo... sẽ rất nguy hiểm. Tốt nhất là bố trí một không gian riêng cho trẻ vui chơi.
Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi này có thể cho mọi thứ vào miệng, rất dễ bị hóc dị vật. Do đó người lớn tuyệt đối không cho trẻ chơi những vật có kích thước tròn, nhỏ như đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các bộ phận của những món đồ chơi như xe, máy bay… (nhất là đồ chơi chạy bằng pin).
Không để trẻ tự ăn một mình các loại quả nhỏ có hạt, các loại thạch rau cây vì rất dễ mắc nghẹn. Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ có thể tử vong do bị ngạt.
Trẻ lớn từ 7 - 14 tuổi
Trẻ trong độ tuổi đã có nhận thức tốt, do đó cha mẹ cần chủ động dạy trẻ cách nhận biết những vật dụng nguy hiểm, tránh những khu vực nguy hiểm trong nhà.
Mặt khác, độ tuổi này trẻ tương đối ngang bướng và càng hiếu động hơn nên rất dễ gặp phải các tai nạn thương tích do vui chơi, nghịch ngợm. Người lớn không nên để trẻ chơi các trò nguy hiểm như: đấu kiếm gỗ, đánh nhau bằng que, dùng đất đá, vật nhọn để ném nhau, bắn nhau bằng súng cao su, phóng dao, bắn cung tên... vì sẽ dễ bị tai nạn thương tích, chảy máu, đau đớn, thậm chí mù lòa.
Không cho trẻ leo trèo chỗ cao, chơi các trò mạo hiểm, đi bơi một mình... vì dễ gây gãy tay chân, bị thương phần mềm, thậm chí thiệt mạng.
Nếu không may trẻ bị thương chảy máu hay trầy xước da không được tự ý đắp lá, rắc thuốc bột hay chữa mẹo dân gian. Thay vào đó người lớn nên dùng băng y tế và cồn khử trùng để rửa vết thương rồi băng bó lại. Nếu trẻ gặp tai nạn như bị vật nhọn đâm vào người, cha mẹ hãy dạy con tuyệt đối không tự ý rút các vật cắm vào vết thương như mảnh thủy tinh, cái đinh, con dao... mà phải gọi người lớn trợ giúp và đến ngay bệnh viện.
Bên cạnh đó, trẻ trong mọi lứa tuổi đều rất dễ bị bỏng vì sự bất cẩn của người lớn. Hãy đảm bảo để nước sôi ở đúng nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ. Khi pha sữa hay pha nước tắm cho trẻ cần hết sức chú ý.
Người lớn cần làm gì để bảo vệ trẻ
Trước hết, người lớn cần trang bị cho mình những kỹ năng xử lý các tai nạn thương tích và có ý thức phòng ngừa tai nạn cho trẻ. Nếu vết thương nhỏ và nhẹ phải biết cách sát trùng, vết thương nặng hơn phải biết cầm máu cho trẻ và đưa đến cơ sở y tế.
Cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu trẻ bị hóc dị vật, bị nghẹn hay tắc đường thở. Nếu có thể hãy học cách sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật, đặc biệt với trẻ dưới và trên 2 tuổi.
Bên cạnh đó, người lớn cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật. Rèn cho trẻ không có thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà.
Không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn vì dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.
Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm... Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/04/23/7-thoi-quen-can-thay-doi-trong-mua-dich_23042020161236.mp4[/presscloud]
7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19
Hà Ly (t/h)