Sản phẩm Bảo hiểm Corona++ phải dừng bán: Bảo hiểm PVI nói gì?

Theo quy định, các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Bảo hiểm Corona ++ của Tổng Công ty Bảo hiểm PVI thì sao?
Thủ tướng đã có ý kiến về việc các doanh nghiệp dừng triển khai và bán các sản phẩm bảo hiểm liên quan tới dịch bệnh Covid 19.
 
Sức khỏe Cộng đồng nhận được ý kiến thắc mắc của độc giả sản phẩm bảo hiểm Corona++ của Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã được cơ quan chức năng cấp phép chưa? Quyền lợi của họ ra sao khi xảy ra dịch bệnh? Ai sẽ đảm bảo quyền lợi khi sản phẩm Bảo hiểm này dừng triển khai?
 
Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Khánh (phụ trách truyền thông Bảo hiểm PVI) cho biết: Bảo hiểm Corona được bán từ ngày 14/02 tới ngày 31/3/2020 thì dừng lại và đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính. Có hai gói bảo hiểm Corona ++1 mức phí 195.000VNĐ quyền lợi được hưởng là 100.000.000VNĐ và Corona ++2 mức phí là 330.000VNĐ có quyền lợi 100.000.000VNĐ và trợ cấp 300.000VNĐ/ngày nằm viện, tối đa 30ngày/năm. Các gói này được áp dụng theo quy tắc bảo hiểm được ban hành theo Quyết định 58/QĐ-PVIBH về việc ban hành sản phẩm Bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật và Quyết định 68/QĐ-PVIBH ban hành sản phẩm Bảo hiểm sinh mạng cá nhân năm 2011 và Bảo hiểm Corona nằm trong các sản phẩm bảo hiểm trên.
 
Chứng nhận Bảo hiểm Corona++ khách hàng được nhận
 
Theo khoản 3 Điều 39 Nghị định 73/2016 NĐ-CP có quy định “Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai”.
 
Điều 40 Nghị định 73/2016 NĐ-CP có quy định hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài Chính phê chuẩn như sau: Văn bản đề nghị phê chuẩn sản phẩm theo mẫu do Bộ Tài chính quy định; Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai; Công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí, dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai; Mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.
 
Phóng viên hỏi và đề nghị cung cấp văn bản, tài liệu, quy tắc, biểu phí sản phẩm, tài liệu sản phẩm, tài liệu bán hàng của bảo hiểm Corona cũng như về sản phẩm Bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật, Bảo hiểm sinh mạng cá nhân cũng như văn bản Bộ Tài Chính phê duyệt cho các loại bảo hiểm này. Ông Khánh từ chối cung cấp với nhiều lý do khác nhau như: không bán nữa, chỉ gửi cho khách hàng. Ông Khánh chỉ cho biết các sản này đã được Bộ Tài Chính phê duyệt trước khi Bảo hiểm PVI bán ra cho khách hàng. Khi nộp hồ sơ, Bảo hiêm PVI không cần nộp biểu phí mà là công thức tính phí.
 
Ông Khánh cũng cho biết thêm, Bảo hiểm Corona là gói bảo hiểm nằm trong các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mà Bảo hiểm PVI đã được BTC phê chuẩn.
 
Nhưng theo khoản 5 Điều 6 Thông tư số 50/TT-BTC: “Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài không phải thực hiện phê chuẩn đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đã triển khai trước ngày 1/10/2012. Trường hợp thay đổi (sửa đổi, bổ sung) các sản phẩm bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP trước khi thực hiện”. 
 
Chúng tôi thắc mắc việc ghi tên gói bảo hiểm là Chứng nhận bảo hiểm Corona ++ mà không ghi là Chứng nhận sản phẩm Bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật, hay Chứng nhận Bảo hiểm sinh mạng cá nhân? Đây có phải hai loại bảo hiểm khác nhau không? Tại sao tên chứng nhận của một sản phẩm bảo hiểm này lại được áp dụng bởi quy tắc sản phẩm bảo hiểm khác?
 
Ông Khánh phân trần rằng, đáng lẽ tên đầy đủ là Sản phẩm bảo hiểm sinh mạng cá nhân Corona ++1, Sản phẩm bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật Corona ++2. Do viết như vậy quá dài nên viết tắt là Chứng nhận Bảo hiểm Corona ++. Bên trong chứng nhận bảo hiểm ghi áp dụng quy tắc bảo hiểm được ban hành theo Quyết định 58/QĐ-PVIBH ban hành sản phẩm bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật và Quyết định 68/QĐ-PVIBH, một quy tắc bảo hiểm có nhiều gói bảo hiểm khác nhau.

Trên website baohiempvi.com.vn từng giới thiệu và cho rằng sản phẩm Bảo hiểm Corona ++ là một sản phẩm bảo hiểm mới ban hành với cụm từ “Bảo hiểm PVI nhanh chóng ra mắt Sản phẩm Bảo hiểm Corona ++. Sản phẩm này từng được bán qua nhiều kênh khác nhau: qua trực tuyến, qua các đại lý và ứng dụng Fastgo. Hiện tại một số thông tin và hình ảnh về sản phẩm này cũng đã được gỡ bỏ.
 
Thông tin giới thiệu Bảo hiểm PVI nhanh chóng ra mắt Sản phẩm Bảo hiểm Corona ++
 
Vậy việc cấp chứng nhận bảo hiểm của PVI như vậy có đúng không? Nếu đúng và đã được Bộ Tài Chính phê chuẩn thì tại sao lại phải dừng bán? Quyền lợi của khách hàng đã mua có được đảm bảo hay không? Trách nhiệm khắc phục như thế nào nếu có sai phạm trong việc tự ý ra gói bảo hiểm này?
 
Theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 48/NĐ-CP- 2018 có quy định xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn;
c) Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã đăng ký với Bộ Tài chính;
d) Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn;
đ) Sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính;
Ngoài ra có thể còn chịu hình phạt bổ xung là đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
 
Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin...
 
Hoàng Anh