Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Kỹ thuật hiện đại nhưng có chi phí thấp và tăng cơ hội sống.
Tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư
Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu năm 2018 cho thấy, ung thư hàng năm cướp đi sinh mạng khoảng 8,2 triệu người trên thế giới và 14,1 triệu ca mới. Khoảng 65% bệnh nhân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Riêng tại Việt Nam có hơn 300.000 bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư mỗi năm.
Cách đây hơn 20 năm, việc phát hiện ung thư sớm tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các trường hợp được phát hiện khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, khối u đã di căn và biến chứng nên việc điều trị tốn kém nhưng hiệu quả lại thấp. Bên cạnh đó tỷ lệ tái phát sau điều trị và tỷ lệ tử vong lại cao. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức… bệnh nhân có thể được chẩn đoán, phát hiện sớm nên hiệu quả điều trị bệnh cao, thậm chí nhiều loại ung thư được chữa khỏi.
GS Mai Trọng Khoa giới thiệu thiết bị trong chẩn đoán ung thư
Trước thực trạng này, GS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu,
Bệnh viện Bạch Mai, đã chủ động nghiên cứu chọn lọc các kỹ thuật mới. “Khi tiếp cận các kỹ thuật hàng đầu thế giới, vừa học tôi vừa nghĩ mọi cách để áp dụng, thực hiện trên người Việt”, bác sĩ nói. Ngay khi làm chủ được công nghệ, về nước ông xin chủ trương để nhập các thiết bị. Và năm 2007, thiết bị xạ phẫu bằng dao gamma quay (Rotating gamma knife) của Mỹ giá hàng triệu đô la Mỹ đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não. Đến năm 2008, hệ thống PET/CT giúp chẩn đoán, mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, máy xạ trị gia tốc tuyến tính … cũng đã có mặt tại Việt Nam.
GS Khoa cho biết đã có hơn 1500 bệnh nhân ung thư (phổi, đầu cổ mặt, thực quản, trực tràng… ) được mô phỏng lập kế hoạch xạ trị với hình ảnh PET/CT cho hiệu quả điều trị cao, an toàn, giảm biến chứng. Với kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay đã có hơn 6000 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não khác, trong đó hàng nghìn bệnh nhân trở lại cuộc sống lao động bình thường.
Trước đây nhiều bệnh nhân ung thư phải ra nước ngoài để được chẩn đoán và điều trị, chi phí rất tốn kém. Một lần xạ phẫu bằng dao gamma quay ở Mỹ có giá 25.000 USD, nhưng ở Việt Nam chỉ 2000 USD. “ Kỹ thuật chúng ta thực hiện không thua kém gì các nước tiên tiến, bằng chứng là hiệu quả điều trị rất rõ rệt. Do bảo hiểm đồng chi trả, ở mức thụ hưởng cao nhất, người bệnh chỉ còn phải đóng một tỷ lệ rất thấp”, GS Khoa cho biết thêm. Điều này có nghĩa, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng có cơ hội được điều trị bệnh bằng công nghệ cao. GS Mai Trọng Khoa nhận định, thành công đã tạo niềm tin lớn cho nhiều bệnh nhân ung thư là người Việt ở lại điều trị trong nước. Nhiều bệnh nhân người nước ngoài ở châu Á bị ung thư và một số bệnh lý khác đã đến và điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai.
Sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư
Các kỹ thuật tiên tiến sử dụng bức xạ ion hóa trong việc chẩn đoán và
điều trị ung thư: xạ phẫu bằng dao gamma quay, xạ trị với PET/CT mô phỏng… được GS Mai Trọng Khoa đưa về Việt Nam, giúp nhiều bệnh nhân ung thư kéo dài thời gian sống và thậm chí là chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm.
Việt Nam cũng trở thành một trong những nước đầu tiên khu vực có xạ phẫu hiện đại. Trong đó, thiết bị xạ phẫu bằng dao gamma quay giúp điều trị rất hiệu quả cho các bệnh nhân có khối u và một số bệnh lý sọ não ở các vị trí đặc biệt, điển hình là thân não… không thể mổ được, hoặc dễ tái phát sau phẫu thuật. Đặc biệt phương pháp điều trị này phù hợp cho cả bệnh nhân nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi. Bên cạnh đó, việc làm chủ được kỹ thuật PET/CT giúp các bác sỹ xác định chính xác vị trí khối u, từ đó tập trung liều xạ trị cao vào khối u và bảo vệ tối ưu các vùng tổ chức lành xung quanh. Từ đó giúp tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng của xạ trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân chuẩn bị xạ phẫu u não bằng dao gamma quay
Sau các kỹ thuật này, nhiều phương pháp xạ trị trong chọn lọc (SIRT: selective internal radiation therapy) bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 để điều trị ung thư gan nguyên phát và ung thư di căn vào gan; cấy hạt phóng xạ để điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Permanent radioactive seeds implant); miễn dịch phóng xạ… trong điều trị một số loại ung thư cũng được GS Khoa đưa về và ứng dụng thành công tại Việt Nam. Đây là những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại, thường chỉ có ở các nước phát triển trên thế giới.
Các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiến bộ đã được tập hợp trong cụm công trình nghiên cứu “Ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”, do GS Mai Trọng Khoa làm chủ nhiệm. Nghiên cứu được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2017 ở Việt Nam. Đây là giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ ở Việt Nam, ghi nhận những đóng góp khoa học của tác giả và các cộng sự. GS cho biết bệnh nhân là động lực để ông tìm đến những công nghệ, kỹ thuật mới. Sau khi nghiên cứu, làm chủ các kỹ thuật mới, ứng dụng thành công tại Bệnh viện Bạch Mai, ông và các đồng nghiệp cũng hỗ trợ nhiều bệnh viện khác ở Việt Nam tiếp thu công nghệ này.
Với tiền thân từ một khoa Y học hạt nhân nhỏ bé của Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Mai Trọng Khoa và các đồng nghiệp đã xây dựng, phát triển thành Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Trung tâm đã trở thành một trong số ít cơ sở y tế chẩn đoán và điều trị ung thư có các thiết bị và công nghệ hiện đại, đồng bộ nhất Việt Nam. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được đội ngũ bác sỹ ung bướu, bác sỹ y học hạt nhân, kỹ sư vật lý học, kỹ thuật viên và điều dưỡng trình độ cao, có kinh nghiệm thực tế tốt. Từ đó là nền tảng để đào tạo, phổ biến và hướng dẫn cho các cơ sở y tế khác trong cả nước. Bản thân GS.TS Mai Trọng Khoa đã giúp Bộ Y tế xây dựng quy hoạch phát triển và mạng lưới quốc gia về y học hạt nhân, điện quang, xạ trị ung bướu. Trên cơ sở đó giúp các lĩnh vực này phát triển có định hướng, có quy hoạch và theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. |
Như Quỳnh (t/h)