GS. TS Lê Ngọc Thành: 'Bàn tay vàng' trong phẫu thuật tim mạch, lồng ngực

Admin
Với hơn 32 năm công tác, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E, đã có nhiều cống hiến cho ngành Y nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực về tim mạch.

Đặt nền móng cho sự phát triển ngành can thiệp tim mạch

 

Thời điểm năm 2006, mặc dù đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện mổ được một số ca bệnh phức tạp, nhưng vẫn chưa triển khai được mổ tim hở cho bệnh nhân dưới 10kg. GS.TS Lê Ngọc Thành sau khi triển khai một nhóm đi đào tạo tại Pháp trở về, đã bắt đầu mổ những ca đầu tiên cho những bệnh nhân có cân nặng thấp, với các bệnh lý: Thông liên nhĩ, thông liên thấp, tứ chứng Fallot… Ông chính là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của lĩnh vực phẫu thuật tim bẩm sinh. Đặc biệt là những bệnh nhân sơ sinh, cân nặng thấp.
 
GS.TS Lê Ngọc Thành thực hiện ca mổ tim phức tạp
GS.TS Lê Ngọc Thành thực hiện ca mổ tim phức tạp
 
Đến tháng 8/2010, từ Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Lê Ngọc Thành được Bộ Y tế điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, trực thuộc Bệnh viện E kiêm Phó Giám đốc bệnh viện và đến nay là Giám đốc Bệnh viện E. GS.TS Lê Ngọc Thành đã tập trung nguồn lực, phát triển chuyên môn và chỉ sau 2 năm hoạt động, Trung tâm Tim mạch của bệnh viện đã là đơn vị chuyên môn kỹ thuật hàng đầu trong cả nước trong lĩnh vực phẫu thuật tim cho trẻ em. Đặc biệt, trong năm 2013, Bệnh viện E là cơ sở đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Lê Ngọc Thành. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và nhân lực có trình độ cao mới thực hiện được.
 
GS.TS Lê Ngọc Thành (người thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt
GS.TS Lê Ngọc Thành (người thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt 
 
Tính đến thời điểm này, GS.TS Lê Ngọc Thành và cộng sự đã thực hiện thành công gần 800 ca phẫu thuật tim có nội soi hỗ trợ và nội soi toàn bộ, bao gồm: Thay van hai lá, thay van động mạch chủ, vá thông liên thất, vá thông liên nhĩ, lấy u nhầy nhĩ… Kỹ thuật đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi tích cực kết quả điều trị cho người bệnh về tính thẩm mỹ, độ an toàn trong phẫu thuật tim. Những ca mổ thành công, những công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tim mạch không chỉ chứng minh ông là “bàn tay vàng” trong phẫu thuật tim, lồng ngực, ông còn đóng góp lớn cho ngàng Y học nước nhà. Khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ không ngừng học tập, nghiên cứu. Mới đây, GS.TS Lê Ngọc Thành được là một trong những nhân vật nhận giải thưởng trong cuộc vinh danh Nhân đài đất Việt năm 2019.
 

Người hồi sinh những trái tim lỡ nhịp

 

Tim bẩm sinh là dị tật hay gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các dị tật bẩm sinh. Trẻ bị tim bẩm sinh có thể không có triệu chứng lâm sàng. Trẻ được phát hiện bệnh khi thầy thuốc khám và nghe một tiếng thổi bất thường tại tim. Trẻ bị dị tật bẩm sinh có thể có triệu chứng của suy tim sung huyết. Những bệnh nhi với chẩn đoán tim bẩm sinh khi đưa đến cơ sở y tế có thể sẽ có các biểu hiện tái tim, tim đập nhanh, khó thở và đặc biệt khó thở khi gắng sức. Trẻ sơ sinh có biểu hiện bú kém, chậm tăng cân, bị phù ở chân hay bụng, hoặc quanh hốc mắt. Nguyên nhân do có quả tim không có khả năng bơm máu đầy đủ cho phổi hoặc các cơ quan khác, gây ứ dịch ở tim, phổi hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
 
Với trình độ tiên tiến của y học hiện đại, khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh tim là có thể
Với trình độ tiên tiến của y học hiện đại, khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh tim là có thể
 
Mỗi năm,tại Việt Nam có 8.000 – 10.000 trẻ vừa sinh ra đã bị bệnh tim. Trong đó, 50% bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết, tim là bộ phận quan trọng nhất cơ thể. Sẽ là thiệt thòi lớn lao cho bất kỳ ai sinh ra mà trái tim không hoàn hảo và họ sẽ mất tương lai nếu không được chữa trị kịp thời.
 
“Dù là bệnh lý nguy hiểm, song trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh hoàn toàn có cơ hội phát triển như trẻ bình thường nếu được phẫu thuật kịp thời và điều trị đúng cách. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng bệnh tim là bệnh nan y, khó có thể chữa khỏi hoặc chẳng may nếu ai mắc bệnh tim nói chung thì đồng nghĩa với việc người đó đã mang “án tử”. Đó đều là những quan niệm sai lầm vì bệnh tim bây giờ hầu hết đều chữa khỏi”, GS Thành nhấn mạnh.
 
Ngoài phẫu thuật tim cho người bệnh nói chung, phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu của GS.TS Lê Ngọc Thành, và nhất là phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo. Không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật cho trẻ em mà ông đã thực hiện và nhớ nhất là cuộc phẫu thuật miễn phí cho đoàn trẻ em nghèo đi tàu hỏa từ Đà Nẵng ra. Đoàn gồm khoảng hơn 20 cháu do tổ chức Đông Tây hội ngộ phối hợp với quỹ từ thiện TP Đà Nẵng thực hiện. Những cuộc phẫu thuật đã thực hiện thành công, tuy thực hiện vất vả nhưng tràn ngập niềm vui và tiếng cười của tập thể các y, bác sĩ khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực cùng gia đình người bệnh.
 
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, chính những ca mổ từ thiện thành công, hiệu quả, năm 2007 đã thắp lên những đốm lửa đầu tiên của chương trình Trái tim cho em. Chương trình đầu tiên đã được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh được mời làm đại sứ thiện chí hát bên ngoài phòng mổ Bệnh viện Việt Đức. Khi đó, GS.TS Lê Ngọc Thành thực hiện thành công ca mổ vá thông liên thất cho một bệnh nhi có cân nặng dưới 10kg. Sự ra đời của chương trình Trái tim cho em được khởi đầu và triển khai tại khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Việt Đức, sau này (2010) được Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E phát triển và hiện được tiến hành trên hầu hết các tỉnh, thành từ miền Bắc tới miền Trung.
 

 
Như Quỳnh (t/h)