Brazil nguy cơ trở thành tâm dịch thế giới mới, Mỹ tung chương trình hỗ trợ phát triển vắc xin

Tính đến sáng 4/5, tổng số người mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới đã lên tới 3.565.110 với 248.241 người tử vong.

Số người nhiễm bệnh ở Brazil vượt 100.000 người


Ngày 3/5, Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 4.588 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 101.147 trường hợp với 7.025 người tử vong (tăng 275 ca).

Trong đó, Sao Paulo là nơi bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất ở Brazil với 31.772 ca bệnh và 2.627 ca thiệt mạng.

Hiện tại, Brazil là quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19. Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến hệ thống bệnh viện và nhà tang lễ nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan với tốc độ như hiện nay, Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich dự báo số người chết vì COVID-19 tại nước này có thể lên tới hàng nghìn người/ngày.
 
Tình hình dịch COVID-19 thế giới ngày 4/5/2020: Brazil nguy cơ trở thành tâm dịch thế giới mới
Ảnh minh họa. 
 
Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro vẫn tiếp tục phản đối lệnh phong tỏa COVID-19 mà các thống đốc một số bang ban hành để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Mỹ dự định có vắc xin vào cuối năm nay


Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 26.459 ca nhiễm mới COVID-19 nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 1.188.122 trường hợp với 68.598 ca tử vong (tăng 1.122 người).

Trong đó, New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch khi ghi nhận thêm 4.670 ca nhiễm COVID-19 và 280 ca tử vong trogn 24h qua. Hôm 3/5, Tổng thống Trump khẳng định trên Fox News rằng, nước này sẽ có vắc xin chống COVID-19 vào cuối năm nay.

3 "tâm dịch" lớn nhất châu Âu ghi nhận số ca tử vong thấp kỷ lục


Tại châu Âu, 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch là Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều ghi nhận số ca tử vong trong một ngày thấp nhất trong thời gian qua.

Hôm 3/5, Bộ Y tế Pháp báo cáo nước này có thêm 135 người tử vong, nâng tổng số người chết ở nước này lên 24.895 ca với 168.693 trường hợp nhiễm bệnh. Được biết, nước này đang chuẩn bị dỡ lệnh phong tỏa vào 11/5. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Olivier Versan cho biết, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế còn tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.
 
Tình hình dịch COVID-19 thế giới ngày 4/5/2020: Brazil nguy cơ trở thành tâm dịch thế giới mới
Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, Pháp cũng yêu cầu tất cả những người nhập cảnh vào nước này (trừ các nước trong khối EU, khu vực Schengen và Anh) đều phải cách ly 2 tuần.

Ngoài Pháp, Tây Ban Nha và Italy cũng lần lượt ghi nhận số ca tử vong thấp kỷ lục kể từ giữa tháng 3 với 164 và 174 trường hợp.

Tính đến sáng 4/5, tổng số người nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha là 247.122 trường hợp với 25.264 ca tử vong; Italy là 210.717 người nhiễm với 28.884 ca tử vong. Cuối tuần qua, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được ra ngoài tập thể dục. Bên cạnh đó, lệnh phong toả ở nước này cũng đã nới lỏng một tuần trước để trẻ em dưới 14 tuổi quay lại trường học.

Tuy nhiên, kể từ 4/5 người dân Tây Ban Nha buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ được phép hoạt động trở lại.

Tại Italy cũng đang nới lỏng lệnh phong toả bằng cách cho phép người dân ra ngoài tập thể dục và thăm người thân. Tuy nhiên, trường học và nhiều hộ kinh doanh ở nước này vẫn đóng cửa trong khi nhà hàng và quán bar sẽ hoạt động trở lại vào tháng 6.

[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/04/13/cac-trieu-chung-covid-19-thay-doi-tung-ngay-nhu-the-nao_13042020115554.mp4[/presscloud]
Các triệu chứng COVID-19 biến đổi như thế nào qua từng ngày
 

Thùy Nguyễn (t/h)