Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm não màng não/nhiễm trùng huyết và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ mắc viêm não Nhật Bản B.

Trường hợp thứ hai là bé trai 5 tháng tuổi (chưa làm giấy khai sinh, ngụ thôn 2, xã Ea Trang, H.M’Đrắk, Đắk Lắk). Bé bắt đầu sốt ngày 16/4 kèm theo nôn ói và ho được gia đình cho uống thuốc không khỏi. Đến ngày 23/4 bé trai được đưa vào Trung tâm Y tế H.M’Đrắk được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán cháu bé bị xuất huyết não/viêm phổi nặng và chuyển bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, lúc này cháu bé trong tình trạng lơ mơ, môi tím, thở rên, gắng sức nhiều, gồng cứng và tăng trương lực cơ toàn thân, thóp phẳng, cổ gượng.
Hiện cả 2 bệnh nhi đều đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và đều đang trong tình trạng nguy kịch.
BS Trí thông tin, cả hai trường hợp trên đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Trong đó, bé gái 5 tuổi chưa được tiêm vắc xin, bé trai 4 tháng tuổi chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (độ tuổi quy định là trẻ đủ từ 12 tháng tuổi trở lên).

Đáng tiếc hơn khi gia đình có phần chủ quan với biểu hiện sốt của trẻ, không cho nhập viện sớm dẫn tới tình trạng nguy kịch. Theo các chuyên gia viêm não Nhật Bản không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân phải đối mặt với các biến chứng rất nặng khác như: viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, trẻ có thể bị di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.
Ngành y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chú trọng tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em đầy đủ và đúng kế hoạch theo chương trình tiêm chủng mở rộng, để tránh hậu quả nặng nề.