Vu lan, ngẫm lời Phật dạy về lòng hiếu thảo với mẹ cha

Hiếu thuận với cha mẹ chính là phúc lành lớn nhất đời người. Trong những ngày cận kề lễ Vu lan, chúng ta hãy cùng suy ngẫm những lời răn dạy của đức Phật về lòng hiếu thảo, để tỏ bày lòng biết ơn đấng sinh thành.

Theo lời Phật dạy

 

Ai trong chúng ta trước khi lớn lên cũng đã từng là một đứa trẻ. Công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ với chúng ta chẳng trời bể nào sánh bằng. Để chúng ta trưởng thành nay, người làm cha làm mẹ đã phải chịu nhiều hi sinh, vất vả, thậm chí đánh đổi cả tuổi thọ. Hiếu kính với cha mẹ là bổn phận và nghĩa vụ của con cái bao đời nay. Chẳng thế mà ca dao Việt Nam vẫn thường có câu:
 
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"
 
Và, trong những ngày cận kề lễ Vu lan, chúng ta, những bậc làm con hãy cùng ngẫm lời Phật dạy về lòng hiếu thảo để tỏ lòng biết ơn những công lao dưỡng dục của cha mẹ.
 

1. Sống tốt để cha mẹ không phải lo lắng, đau khổ vì mình. Cha mẹ đâu cần con báo đáp mà chỉ muốn con mình thực sự đàng hoàng và biết lo cho bản thân.


2. Có mặt khi cha mẹ cần


Đừng nghĩ phải đi làm xa, kiếm nhiều tiền và mua cho cha mẹ nhà cao cửa rộng, quần áo xum xuê...mới là báo hiếu. Sự có mặt của đứa con là niềm vui mà cha mẹ chờ mong nhất. Nhiều người mải lo cho cuộc sống riêng mà quên đi phụng dưỡng cha mẹ. Khi còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên lo ăn học, đến khi ra trường lại lập gia đình sớm và lo cho gia đình mình, cha mẹ vì thế ít có cơ hội được phụng dưỡng. Đến khi biết làm cha mẹ thì cha mẹ đã qua đời.


3. Luôn lắng nghe và hỏi ý kiến cha mẹ với thái độ cung kính, ôn hòa, tôn trọng và yêu thương.Cha mẹ luôn muốn cảm nhận được “sự cần thiết” và “được kính trọng” từ con cái đối với mình.


4. Thường xuyên liên lạc với cha mẹ khi ở xa


Ngày nay, công nghệ thông tin đã và đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nên việc dù không ở gần nhau, nhưng vẫn cập nhật được thông tin, hình ảnh là điều bình thường. Việc của bạn là trước khi đi xa hãy chuẩn bị những thiết bị cũng như hướng dẫn cha mẹ các bước cơ bản để sử dụng trong việc liên lạc với bạn sau này. Rồi khi đã đi xa, bạn nên gọi điện thoại về hằng ngày để trò chuyện dù ít hay nhiều. Còn một điều quan trọng là phải luôn bắt điện thoại khi cha mẹ gọi đến, vì những lúc đó, cha mẹ đang thật sự nhớ và lo lắng cho bạn.

 

Vu lan, ngẫm lời Phật dạy về lòng hiếu thảo với mẹ cha

Niềm an ủi lớn nhất của cha mẹ là có con cái ở bên (Ảnh Internet)

 

5. Tụng Kinh, niệm Phật hằng ngày cầu sức khỏe cho cha mẹ


Tùy vào điều kiện cho phép trong ngày, bạn nên dành ra một khoảng thời gian để tụng kinh, niệm phật cầu bình an, sức khỏe đến cha mẹ của mình. Việc làm này không những mang đến lợi lạc cho bạn mà chính nguồn năng lượng bạn tạo ra từ việc tinh tấn hành trì tụng niệm sẽ ảnh hưởng rất tốt đến sức khỏe và sự an lạc của cha mẹ bạn.


6.Chăm lo đầy đủ những nhu cầu thiết yếu cho cha mẹ


Đừng viện cớ ở xa mà quên đi những nhu cầu cần thiết như ngày tái khám, thuốc thang, quần áo, giày dép…của cha mẹ, hãy gọi điện nhắc nhở hỏi thăm và gửi gắm người thân cận giúp đỡ việc đi lại cũng như cung cấp đầy đủ những vật dụng sinh hoạt cần thiết trong ngày. Những hành động nhỏ vậy thôi, nhưng cha mẹ bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp và rất hạnh phúc khi biết bạn luôn dõi theo họ.


7. Muốn hiếu thảo với cha mẹ thì hiếu thảo ngay bây giờ, không đợi khi kiếm được tiền mới nghĩ đến chuyện đó


Hiếu thảo không cần đợi tuổi. Khi còn nhỏ, kể cả 5 tuổi thôi, con đã có thể báo hiếu được rồi. Báo hiếu sớm bởi nếu chờ đến khi trưởng thành, vật chất ê hề, chưa chắc cha mẹ đã còn tại thế để nhận thành báo đó.

 

Vu lan, ngẫm lời Phật dạy về lòng hiếu thảo với mẹ cha

Hiếu kính không đợi đến lúc cha mẹ mất đi (Ảnh Internet)

 

Thể hiện tình yêu, lòng thương với cha mẹ bằng lời nói và hành động: Thương thì phải nói ra, gặp cha mẹ và nói một cách chân tình với đấng sinh thành rằng con thương cha mẹ. Nhưng nói không chưa đủ mà phải hành động cụ thể. Không cần những thứ cao siêu, mời một tách trà, hỏi thăm sức khỏe, đỡ đần công việc, bên cạnh cha mẹ mỗi khi họ cần đến là cha mẹ đã thấy đủ.

Bài học về lòng hiếu kính


Thời Xuân Thu, có người con hiếu thảo tên là Mẫn Tử Khiên. Mẹ cậu mất sớm, cha lại lấy mẹ kế, và sinh được hai người em. Mẹ kế đối xử với cậu không tốt, thường xuyên ngược đãi cậu.

Một mùa đông, mẹ kế dùng bông lau may áo cho cậu, nhưng lại may cho hai người em lại là áo bông. Áo máy bằng bông lau xem ra rất dày dặn, nhưng lại không giữ ấm. Vừa lúc cha cùng cậu đi xa, và bảo cậu đánh xe ngựa. Vì trời quá lạnh, gió lạnh từng hồi, quần lại không đủ ấm, cho nên cậu lạnh đến nỗi phát run. Cha cậu nhìn thấy bèn rất tức giận, áo mặc đã dày thế này rồi sao còn phát run nữa, liệu có phải cố ý bêu xấu mẹ kế không? Vào lúc tức giận, ông liền lấy roi rút là quất Mẫn Tử Khiên. Kết quả là, khi roi vừa vút xuống, áo liền rách, bông lau bay ra, lúc này người cha mới hiểu, thì ra là mẹ kế ngược đãi đứa con của mình, cho nên rất tức giận. Khi về đến nhà liền đuổi người mẹ kế đi.

Vu lan, ngẫm lời Phật dạy về lòng hiếu thảo với mẹ cha

Ảnh minh họa 

Mẫn Tử Khiên đối với mẹ kế vẫn một mực chân thành. Lúc này chỉ có mỗi suy nghĩ, quỳ xuống nói với cha mình “Cha ơi, cha đừng đuổi mẹ kế đi, bởi vì, mẹ còn thì một con lạnh, mẹ đi ba con cô quạnh. Khi có mẹ, chỉ có một mình còn chịu lạnh, nếu mẹ mà đi rồi, con và hai em đều chịu đói,chịu lạnh ạ”.

Đến lúc này, lòng hiếu thảo tột cùng của Mẫn Tử Khiên không hề giảm, hơn nữa lại nghĩ cho sự an vui của anh em và gia đình. Tấm lòng chân thành này đã làm cha cậu xuôi giận, sự chân thành này cũng làm cho mẹ kế của cậu có lòng hổ thẹn.

Tấm lòng hiếu thảo chân thành này của Mẫn Tử Khiên đã chuyển quá duyên xấu của gia đình, mà làm cho gia đình từ đây hạnh phúc, an vui. Cho nên, “Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ rằng “Đức chưa tu” thì “Cảm chưa đến”, sự chân thành có thể không làm mất mát, mà còn đem lại sự quan tâm chăm sóc.

Đây quả thực là một bài học về chữ hiếu để chúng ta học tập, noi theo. Nhân lúc cha mẹ chưa già đi, tận dụng cơ hội khi cha mẹ còn khỏe mạnh bạn hãy dành thật nhiều những lời yêu thương, quan tâm và chia sẻ với họ để mỗi ngày trôi qua đều là ngày Vu lan.

[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/01/THDT - Đạo hiếu 18-9-2016 - Người con hiếu thảo ở An Giang_01082019161037.mp4[/presscloud]

Người con hiếu thảo ở An Giang-THDT - Đạo hiếu


Xem thêm: Lễ Vu lan: Mâm to cỗ đầy cũng chẳng bằng hiếu kính lúc cha mẹ còn khỏe mạnh

Minh Tú (t/h)