Hành trình 10 năm của cặp vợ chồng già đi tìm sự sống cho đứa con nuôi dị tật

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, ai cũng mong có cuộc sống thảnh thơi , thư giãn bên con cháu. Dùng giây phút đó, vợ chồng bà Xuân nguyện đổi lại hành trình hơn 10 năm đi tìm sự sống cho con nuôi dị tật.


Làm mẹ tuổi… 60!

Người phụ nữ đó tên là Nguyễn Thị Xuân (SN 1964), trú xóm Hưng Thịnh 2, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mái tóc đã luống màu bạc, đôi mắt sạm đi lộ rõ sự mệt mỏi, duy chỉ có nụ cười toát lên sự dịu dàng, trìu mến.
 
Giọng chậm rãi, bà kể cho chúng tôi về cái duyên là mẹ tuổi tứ tuần. Cái duyên đó đến với gia đình bà trong một phiên chợ sáng cuối tháng 7/2018.

“Hôm ấy, đang đi, chợ nghe mọi người kháo chuyện về một đứa trẻ bệnh tật bị bỏ rơi trước cổng bệnh viện rất đáng thương. Nỏ (không) suy nghĩ, tôi vứt xe, bỏ chợ về bàn với bố nó rồi hai vợ chồng mang về nhận nuôi.”
 
Được biết, gia đình bà Xuân có tất cả 7 người con, trong đó, người con gái út mắc bệnh bại não đã 21 năm. Gia đình muôn đời làm nông, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cô con gái được bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm vợ chồng bà chạy chữa cho con. Khó khăn là thế, nhưng không nề hà, ông bà vẫn nhận nuôi thêm đứa bé.
 
“Mọi người trong gia đình tôi đều ủng hộ, nhưng người ngoài không hiểu họ lại dị nghị, lời ra tiếng vào, bảo chúng tôi điên”, ông Vĩnh (SN 1964), chồng bà Xuân tâm sự.
 
Việc nhận nuôi đứa bé không hề đơn giản. Là trẻ sơ sinh, lại mang dị tật: sứt môi, hở hàm ếch, tắc dây thanh quản, nhiễm trùng nặng và không có lưỡi. Thêm con, nhiều năm qua, không lúc nào ông bà từ bỏ hi vọng cho đứa con “đặc biệt” này.
 
Hành trình của cặp vợ chồng già đi tìm sự sống cho đứa con nuôi dị tật
 

  Bà Xuân và bé Bảo Cung (Ảnh: Người đưa tin)

“Tôi chỉ mong cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn"

Em bé đến nay đã lên 8 tuổi, tên là Bảo Cung. Theo lời bà Xuân, cái tên là lời khuyên của bố chồng với bà trong lúc chiêm bao. Những năm đầu tiên vợ chồng ông Nguyễn Trọng Vĩnh và bà Nguyễn Thị Xuân cũng vô cùng vất vả khi chăm sóc cho người con đặc biệt này.
 
Thậm chí, đến thời điểm này ông Vĩnh vẫn tếu rằng đó là giai đoạn “trường kỳ kháng chiến”. Đó là cuộc chiến giành sự sống cho đứa con kém may mắn, cũng vừa là cuộc chiến đi dành dụm kinh tế nuôi cả gia đình.
 
Hành trình của cặp vợ chồng già đi tìm sự sống cho đứa con nuôi bị dị tật
 

Bảo Cung lúc còn nhỏ đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật (Ảnh: Người đưa tin)

Mấy tháng đầu, Bảo Cung đau ốm liên tục, vợ chồng bà Xuân bỏ cả việc nhà, việc đồng áng để đưa con đi chữa trị. Quá trình khám chữa bệnh, vì chưa kịp làm giấy khai sinh ,nên cậu bé không được hưởng các chế độ bảo hiểm, chi phí hoàn toàn do gia đình lo liệu.

Nhiều lần gia đình suýt phải lo hậu sự cho con vì bệnh tình chuyển biến xấu, nguy kịch. Nhưng rồi, phép màu đã đến, đứa trẻ ấy lại cựa quậy, hồi sinh. 8 năm đến với gia đình bà Xuân cũng chừng đó năm ông bà đồng hành cùng con vượt dặm trường chữa trị.

Tính đến nay, Bảo Cung đã trải qua 6 lần phẫu thuật. Ca phẫu thuật gần đây nhất vào tháng 3/ 2019 tại bệnh viện trung ương Huế để lấp ống khí quản. Phẫu thuật thành công, Bảo Cung đã có thể thực hiện những điều cơ bản, ăn uống và nói một cách dễ hơn. Khác với chúng bạn cùng trang lứa, em bây giờ mới bắt đầu vào học mẫu giáo ở trường Sơ gần nhà.
 
Hành trình của cặp vợ chồng già đi tìm sự sống cho đứa con nuôi bị dị tật
 

Hiện giờ Bảo Cung  đã khỏe mạnh hơn trước (Ảnh: Người đưa tin)

Đối với vợ chồng bà Xuân, nhìn thấy Bảo Cung lớn lên mỗi ngày là một niềm vui, là động lực cho họ có thể vượt qua khó khăn của cuộc sống. “Chúng tôi biết cháu khó có thể lành lặn như người thường, nhưng chỉ mong cho cháu sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cháu đã thiệt thòi nhiều rồi, mình đã thương thì phải thương đến cùng chứ cô!”, niềm vui ánh lên qua kẽ mắt của bà Xuân.
 
Với lối sống lạc quan và niềm tin mãnh liệt, chính vợ chồng bà Xuân đã gieo sự sống cho một chồi non vừa nhú.
 
 
Minh Tú(t/h)