20 tiếng hồi sinh bé trai sinh non suy gan giai đoạn cuối từ lá gan của ông nội

Bé trai 1 tuổi từng sinh non bị suy gan giai đoạn cuối kèm viêm phổi và nhiễm trùng nặng. May mắn lá gan từ người ông nội hiến tặng đã giúp hồi sinh cậu bé.

Ông nội cai rượu, cai thuốc lá để dành gan cho cháu

 
Bé trai D.C.M, sinh tháng 2/2018, là con đầu lòng của vợ chồng chị N.C.T.T (32 tuổi, ngụ tại Q.3, TP.HCM). Bé M. sinh non khi người mẹ mới mang thai hơn 6 tháng.

Sau sinh 1 tháng, bác sĩ phát hiện bé bị vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh. Suốt 1 năm điều trị tại bệnh viện Hùng Vương, bé được phẫu thuật Kasai để điều trị nhưng tình trạng diễn tiến xấu nên gia đình xin chuyển sang BV Nhi Đồng 2.

Thời điểm nhập viện, bé M. đang bị viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, vàng da nặng. Dù được điều trị tích cực bằng nhiều loại kháng sinh mạnh, song không hiệu quả. Các bác sĩ nhận định, cháu bé cần được ghép gan gấp, nếu không không thể kéo dài mạng sống thêm.
 
20 tiếng hồi sinh bé trai sinh non suy gan giai đoạn cuối từ lá gan của ông nội
GS.BS.Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn ghép tạng cho BV Nhi đồng 2 và ông nội cháu bé (phải)

Qua sàng lọc người thân trong gia đình, bố của cháu bị gan nhiễm mỡ, chỉ còn ông nội có gan phù hợp.

Ông Dương Văn Lâm (56 tuổi, tỉnh Tây Ninh) suốt hơn 50 năm qua chưa từng đau yếu tới mức phải nhập viện, mổ xẻ. Đây là lần đầu tiên ông trải qua một ca mổ nhưng không phải để cứu chữa cho chính mình mà là cháu cậu cháu nội mới hơn 1 tuổi. Nhìn cháu nội thoi thóp ông đứt ruột, chấp nhận cho cháu 1 thùy gan để có thêm cơ hội sống.

Dù ông tuổi cao nhưng lá gan vẫn rất khỏe mạnh. Kể từ khi có quyết định sàng lọc từ bệnh viện, ông Lâm nghe lời bác sĩ quyết tâm bỏ thuốc lá, cai rượu để gan hồi phục tốt trước khi phẫu thuật.
Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch nhớ lại khoảnh khắc đưa ra y lệnh: “Rất tế nhị khi nói chuyện được mất ở đây. Nhưng không mổ ghép bấy giờ thì không còn cơ hội nào để cứu cháu bé”.
Trước thời điểm diễn ra ca phẫu thuật ghép gan, các bác sĩ đã mất 2 tháng để nuôi dinh dưỡng cho bé trai đạt trọng lượng 10kg để đủ khả năng vượt qua ca đại phẫu.

20 tiếng cân não trong phòng mổ


Ca phẫu thuật ghép gan cho bé M có sự tham gia của hai giáo sư chuyên ghép gan đến từ Vương quốc Bỉ cùng các giáo sư đầu ngành của Bệnh viện Nhi đồng 2. Ê kíp phẫu thuật mất 15 tiếng liền để ghép nối thùy gan từ người ông nội cho cháu bé.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình ghép nối là động mạch gan trái của người ông xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạch nối nhỏ gây khó khăn trong quá trình bóc tách. Trong khi đó, khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông.

20 tiếng hồi sinh bé trai sinh non suy gan giai đoạn cuối từ lá gan của ông nội
Các bác sĩ mất 20 tiếng để thực hiện ca phẫu thuật ghép gan này
 
Trước tình huống nan giải, ê kíp bác sĩ mất tới 5 tiếng để đưa ra quyết định dùng tĩnh mạch cảnh trái trên cổ bệnh nhi làm cầu nối. May mắn mạch máu không bị gập và máu lưu thông tốt.

Lúc này một vấn đề khác lại khiến ê kíp bác sĩ đau đầu đó là bệnh nhi do sinh non nên ổ bụng quá nhỏ. Các bác sĩ buộc phải thực hiện thủ thuật nong ổ bụng bằng tấm plaque để có thể chứa được lá gan. Tấm plaque là một vật liệu không gây dị ứng cho cơ thể, được đem về từ nước ngoài để phục vụ ca phẫu thuật.
 
20 tiếng hồi sinh bé trai sinh non suy gan giai đoạn cuối từ lá gan của ông nội
Sau ghép, bệnh nhi hồi phục khỏe mạnh, ăn uống tốt

Ca phẫu thuật cân não diễn ra thành công sau 20 tiếng. Dù bệnh nhi được ghép gan bán khẩn khi chưa xử lý nhiễm trùng nhưng may mắn là lá gan mới tương thích tốt với cơ thể.

2 tuần sau ca phẫu thuật, bệnh nhi được phẫu thuật lấy tấm plaque ra và khâu phục hồi thành bụng. Một tháng sau ghép, cả bé M. và ông nội đều phục hồi tốt. Bệnh nhi hồi phục tốt, tăng cân, da dẻ trắng trẻo, không còn đen xạm. Bé vui chơi nô đùa hoạt bát, có thể tự ngồi, đi xe đẩy.

1 trong 2 ca ghép gan nặng nhất


Y học thế giới nói chung là y học Việt Nam nói riêng nhận định ghép gan cho trẻ dưới 2 tuổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép gan.
 
GS.BS.Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn ghép tạng cho BV Nhi đồng 2 nhận định, đây là 1 trong 2 ca nặng nhất mà bệnh viện đã tiếp nhận. Trường hợp này tuy không phải là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất TP.HCM nhưng bệnh lý rất phức tạp. Nếu không được ghép gan, bệnh nhi chắc chắn tử vong. 

Hơn 10 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện thành công 17 ca ghép thận, 13 ca ghép gan. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định con số này vẫn quá khiêm tốn so với nhu cầu của bệnh nhi suy gan, suy thận.

Từ thành công của các ca ghép tạng nhi, ngày 19/8, sau khi công bố thành công ca ghép gan lần thứ 13, Bệnh viện Nhi đồng 2 công bố thành lập Quỹ Hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo. Đồng thời, bệnh viện dự kiến thời gian tới sẽ xây dựng một trung tâm ghép tạng nhi nhằm phục vụ bệnh nhi khu vực phía Nam.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/20/(VTC14)_Đại phẫu ghép gan cho bệnh nhi 13 tháng tuổi_20082019101752.mp4[/presscloud]
Năm 2016, BV Nhi đồng 2 thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhi 13 tháng tuổi.
Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)