Những bữa cơm đầy đủ và nhiều dinh dưỡng, hoàn toàn miễn phí dành tặng cho các em học sinh trường THPT Đa Phước (H.Bình Chánh, TP. HCM) khiến ai nhìn cũng cảm thấy ấm lòng.
Dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Ngày nào cũng vậy, bữa trưa của các học sinh trường THPT Đa Phước (H.Bình Chánh,
TP. HCM) bắt đầu khi các đĩa thức ăn thơm ngon đã được bày ngay ngắn trên bàn. Những món ăn đủ chất dinh dưỡng kèm theo một chén canh nóng đã chờ đợi sẵn sàng để các em học sinh thưởng thức. Được biết, các bữa ăn được thực hiện tại phòng ăn dưới tầng trệt của trường. Chỉ có khoảng hơn 30 em học sinh được tham gia các bữa ăn này. Đây đều là những bữa ăn đủ chất, đủ lượng và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí.
Hầu hết học sinh của trường đều là con cháu của những cư dân ở vùng ven thành phố. Gia đình các em có hoàn cảnh khá khó khăn, diện nghèo và cận nghèo chiếm đến 30%. Nhiều em nhà ở quá xa, sáng nào cũng dậy từ sớm tinh mơ rồi lóc cóc đạp xe đạp đến trường. Đạp xe cả quãng đường dài nhưng trong túi lại không có một xu, bởi vậy bữa sáng và bữa trưa đối với các em học sinh này là điều vô cùng xa xỉ. Có em bộc bạch: “Nhà con nghèo lắm. Ba mẹ con quanh năm làm việc quần quật mà vẫn không đủ tiền nuôi các anh chị em và con. Bọn con có được miếng ăn là tốt lắm rồi, làm gì dám mơ đến mức được ăn ngon như thế này”.
Ngày nào cũng vậy, bữa trưa của các học sinh trường THPT Đa Phước (H.Bình Chánh, TP. HCM) bắt đầu khi các đĩa thức ăn thơm ngon đã được bày ngay ngắn trên bàn.
Trong số những
học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn của trường THPT Đa Phước có 2 em nữ sinh lớp 11 là Kim Ngân và Ngọc Anh. Nhà 2 em ở mãi Quy Đức nên ngày nào cũng đạp xe đi từ rất sớm khi chưa có thứ gì vào bụng. Gia đình đều rất vất vả mới có thể lo được học phí và các khoản tiền liên quan, nên nhiều lúc 2 em phải nhịn bữa trưa vì không có tiền. Cùng cảnh ngộ là em Thái Hoàng Phúc Hậu đang học lớp 11. Năm 3 tuổi, cha Hậu mất bỏ lại 2 mẹ con. Thế nhưng 6 năm sau ông trời lại cướp đi người mẹ tần tảo khiến cậu bé trai lúc ấy mới 9 tuổi phải bơ vơ một mình. Sau đó, Hậu được bà nội đón về nuôi, các cô các chú góp tiền để bà trông nom và nuôi dạy em lên người.
Đã 2 năm nay, Hậu quen thuộc với những suất cơm trưa miễn phí ở trường. Cậu trai bày tỏ, chính những bữa cơm tình thương này đã giúp em vượt qua cơn đói trong những buổi trưa đến lớp, có thêm năng lượng và động lực để học tập. “Sau này khi con ra trường và có được công ăn việc làm ổn định, con sẽ thăm lại trường và góp chút công sức để cùng các thầy cô chăm sóc cho các thế hệ đàn em”, Hậu chia sẻ.
Trước đó, sáng kiến về bữa ăn tình thương được đưa ra bởi cô giáo dạy văn Võ Thị Mỹ Phượng.
Nhìn những bữa ăn được sắp xếp chu đáo, mỗi suất ăn đều có một đĩa cá hoặc thịt kho, một chén canh và một chút nước chấm cùng đũa muỗng đầy đủ, có thể thấy những người chuẩn bị đã cẩn thận và chu đáo đến nhường nào. Đến giờ ăn trưa, các em xếp hàng ngay ngắn, bước vào lần lượt. Trên tay mỗi em đều cầm thêm một chiếc thẻ nhỏ đưa cho chị nhân viên rồi nhận những hộp cơm nóng hổi kèm theo rau xanh để về chỗ thưởng thức. Những em không thích ăn đồ kho sẽ được “bù” bằng một chiếc đùi gà thơm ngon. Ngồi vào bàn đã được bày sẵn cá và canh, em nào em nấy ăn ngấu nghiến đến tận hạt cơm cuối cùng. Các em khoe với ánh mắt rực rỡ: “Cơm no và ngon lắm, ở nhà chưa chắc bọn con đã được ăn như thế này”.
Suốt 10 năm tiếp sức cho học sinh
Theo như chia sẻ của ông Lê Phú Hải - hiệu phó trường THPT Đa Phước, những bữa cơm tình thương đã có từ 10 năm nay. Trước đó, sáng kiến này được đưa ra bởi cô giáo dạy văn Võ Thị Mỹ Phượng. Khi thấy một học sinh lớp mình chủ nhiệm có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại xa, bố mẹ lý hôn, mẹ tần tảo nuôi 3 đứa con khiến cô Phương mủi lòng. Mỗi ngày, em chỉ được mẹ cho 2000 đồng để gửi xe. Trưa đến, em đạp xe về nhà, gồng mình dưới cái nắng gay gắt, ăn vội vàng vài miếng cơm rồi lại tiếp tục đạp xe đến trường, không có thời gian nghỉ ngơi.
Gặp riêng em học sinh đó, cô Phượng nói: “Thôi trưa con đừng về nữa. Ở lại trường rồi cô dặn căng tin nấu cơm cho con ăn, cô sẽ trả tiền”. Ban đầu, học sinh từ chối vì còn cảm thấy ngại, nhưng sau đó em đã đồng ý. Sau đó, trước chi bộ nhà trường, cô Phượng đã đưa ra ý kiến của mình và được rất nhiều người ủng hộ, đồng tình. Ngay lập tức, ban giám hiệu đã kêu gọi các giáo viên chung tay đóng góp, dành tặng những suất ăn trưa miễn phí cho học sinh nghèo. Vậy là, những bữa cơm tình thương ra đời từ đó.
Những bữa ăn này giúp các em vượt qua cơn đói, có sức tiếp tục học hành.
Mới đầu, các bữa ăn chủ yếu dành cho các học sinh khối 12, phạm vi dần lớn lên và sang cả các em khối 11. Cho đến thời điểm hiện tại, cả 3 khối em nào có hoàn cảnh khó khăn đều được nhà trường cấp những bữa ăn tình thương. Ngoài sự đóng góp của thầy cô, các bữa ăn tình thương còn có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và các học sinh trong trường. Có nhiều học sinh “trưởng thành” từ những bữa ăn này, đến khi thành công đã quy lại giúp trường như trường hợp của em Thủy Tiên – đang ở Singapore đã gửi về 5 triệu đồng.
Những bữa ăn này giúp các em vượt qua cơn đói, có sức tiếp tục học hành. Nhiều em còn có thành tích vô cùng tốt, mang lại vinh dự cho gia đình và nhà trường. Một trong số những học sinh được tham gia những bữa cơm tình thương năm nay là em Đạt, đang học khối 10. Nhà quá xa, ngày nào em cũng đi học bằng xe đạp, đến cầu Ông Thìn thì gửi xe rồi lên xu bus đến trường. Em đã từng nhiều lần nhịn đói buổi trưa khi còn học cấp 2. Thế nhưng, năm nay đã hoàn toàn khác. Em được thưởng thức những bữa cơm đầy đủ mà nhà trường cung cấp, lại đang trong đội tuyển Olympic học sinh giỏi toán. Hi vọng em sẽ được nhiều thành tích tốt nhờ những bữa cơm ấm áp tình người này.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
Thùy Nguyễn (t/h)