Bỏ phố lên rừng để xây dựng thanh xuân ý nghĩa
Đối với nhiều bạn trẻ, nhắc đến dự án "Quán của thời thanh xuân" chắc hẳn đã không còn xa lạ gì. Đây chính là tâm huyết của anh Võ Thành Luân (sinh năm 1987, quê ở Bảo Lộc) – chàng trai mạnh mẽ và đầy ý chí, từng quyết tâm bỏ ngang việc du học để về quê lập nghiệp khiến nhiều người ngưỡng mộ, cảm phục. "Quán của thời thanh xuân" không có chủ, không có người làm thuê cũng chẳng có bất kỳ một rào cản giao tiếp nào. Hạnh phúc mỗi ngày của những con người ở đây là có thể đồng hành bên nhau, cùng nhau làm việc, nghỉ ngơi, chia cho nhau những bát cơm trắng trẻo thơm tho. Ở đây, con người không có gì khác trao nhau ngoài niềm tin kiên định.
Xưởng xà bông Thanh Xuân là một hạng mục nhỏ trong dự án "Quán của thời thanh xuân". Dành cho những ai chưa biết, đây là dự án đầy ý nghĩa, nhân văn, giúp đỡ những người trẻ không nghe và nói được có cuộc sống bình thường nhất, có thể trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn liếng để có thể sống tự lập về sau. Trước đây, không chỉ bỏ ngang việc du học, chàng trai 8x đầy bản lĩnh còn chấp nhận đấu giá cây đàn kỷ vật của mẹ nuôi để lại trước khi qua đời, lấy 140 triệu để xây dựng ngôi nhà thanh xuân cho mình và những người kém may mắn. Anh Luân đề nghị, mọi người không nên gọi những người đang làm việc ở đây là “khuyết tật” hay “khiếm tính”, chỉ nên nói họ là người điếc mà thôi!

Trước khi gây dựng được dự án "Quán của thanh xuân", cũng như bao người trẻ khác anh Luân cũng từng thất bại, rồi loay hoay tìm kiếm cơ hội có thể sống đúng đam mê, mơ ước của mình, kiếm tiền dựa trên những điều hay ho, giá trị. Ý tưởng làm cà phê cho riêng mình không đạt kết quả như mong đợi, đến năm 2016, chàng trai 8x đi du học ngành tâm lý bên Philippines. Tuy nhiên, cuộc sống của anh đã bị xáo trộn sau cơn bão Hải Yến khủng khiếp năm ấy. Tận mắt nhìn những đứa trẻ nghèo phải giành giật, cướp thức ăn trên đường phố vì quá đói, lúc này anh Luân chợt nhận ra: Mình cứ cố làm giàu cho bản thân có nghĩa lý gì khi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn?
Sau nhiều đêm trăn trở, chàng trai Việt quyết định bỏ du học, về nước rồi cho ra đời “Nhà của thời thanh xuân”, cũng chính là tiền thân của "Quán của thời thanh xuân" hiện tại. Căn nhà đầu tiên của nhóm có địa chỉ ở 86 Đống Đa – trước đây từng bị bỏ hoang. Sau đó, chàng trai 8x quyết định chuyển “Thanh xuân” của mình lên thành phố Đà Lạt một mơ và ổn định cho đến tận bây giờ. Tại đây, ngoài anh Luân cũng có nhiều bạn trẻ khác – những người hoàn toàn bình thường nhưng sẵn sàng bỏ phố lên rừng, ăn chay để góp tiền dựng quán, học ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc, dạy họ làm bánh, trà, làm xà bông thơm ngát… để vẽ lên tuổi trẻ rực rỡ cho riêng mình.

Ngôi nhà "im lặng" nhưng ấm áp tình người
Yên bình ở một góc nhỏ đường Phan Bội Châu, thành phố Đà Lạt, từ tháng 4/2019 đến nay, xưởng xà bông Thanh Xuân là nơi làm việc của 6 người bạn, gồm cả người bình thường và câm điếc. Anh Luân bộc bạch: “Với những người có thể nói và nghe được, cơ hội tìm được việc cao hơn, nhưng những bạn bị điếc thì lại rất khó, bởi đa phần các bạn không thể lĩnh hội hết ý nghĩa của doanh nghiệp. Bởi vậy, Thời thanh xuân đã tạo ra một dự án và kiên quyết sẽ đi với các bạn trẻ điếc đến cùng”.
Từ những điều cơ bản nhưng quan trọng chính là làm sạch tay và cơ thể, làm sạch không gian sống cũng như thư giãn tinh thần, xưởng xà bông Thanh Xuân ra đời để khách hàng có thể trực tiếp sử dụng những sản phẩm an toàn có nguồn gốc từ tự nhiên. Đặc biệt hơn cả, nơi đây còn giúp các bạn trẻ câm điếc có thể hòa nhập cộng đồng, tìm được ước mơ và có thể sống với ước mơ, nhiệt huyết của bản thân. Tại xưởng, các thành viên sẽ làm trọn gói tất cả các công đoạn, từ nấu xà bông đến đóng gói sản phẩm. Những thành quả handmade tự làm ra mang đến niềm vui của cả “gia đình”. Ngôi nhà lúc nào cũng im lặng nhưng vô cùng ấm áp, cách họ giao tiếp với nhau chính là ngôn ngữ ký hiệu và nụ cười.

Hà ra dấu bổ sung: “Mình biết đến xưởng này qua một người bạn cũng không thể nghe nói được như mình. Bạn đó đã từng làm ở đây rồi. Sau đó, mình tìm hiểu thêm về xưởng trên facebook và chính thức xin vào làm việc”. Làm việc ở đây, Hà còn nhiệt tình hướng dẫn khách tham quan tự tay gói xà bông nếu họ muốn đem thành quả về làm quà. Trong xưởng xà bông, Hà như các bạn câm điếc khác luôn kiên trì, lắng nghe cũng như giải đáp thắc mắc cho khách hàng bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều khi anh còn dùng cả ngôn ngữ hình thể hoặc viết chữ ra điện thoại…
Hà hồ hởi khoe: “Làm việc ở đây vui lắm, rất nhiều bạn như mình nên mình không cảm thấy buồn hay cô đơn chút nào. Thậm chí, những bạn nói được vẫn học cách giao tiếp với bọn mình qua ngôn ngữ ký hiệu; giữa mọi người trong xưởng dường như không hề có khoảng cách gì”. Là một người bình thường trong xưởng xà bông, Huyền cũng không giấu được niềm vui và tự hào khi đến đây làm việc: “Mình được làm việc với những bạn câm điếc, lại được học ngôn ngữ ký hiệu. Cuộc sống nơi đây rất dễ chịu, chan hòa, nó cho mình nhiều trải nghiệm quý giá mà trước kia mình chưa từng có được”.
Thùy Nguyễn (t/h)