Phòng điều trị bệnh từ thiện chỉ rộng khoảng 100m2 nhưng đã được ông Nô và bà con bỏ ra cả năm vất vả tự tay xây cất. Đến khi hoàn thành, nhìn mọi người nô nức đến điều trị, ai cũng cảm thấy mãn nguyện và hài lòng.
Bà con xứ cù lao chung tay xây phòng điều trị từ thiện
Giữa cù lao Ông Chưởng, phòng
khám chữa bệnh từ thiện nổi bật hẳn lên giữa cánh đồng xanh mướt bao la với mái tôn đỏ tươi mới lợp. Đây là nơi khám chữa bệnh đặc biệt, miễn phí cho người nghèo. Bất kỳ ai đến đây đều được đối xử, chăm sóc tử tế như nhau. Ông Nguyễn Văn Nô là quản lý phòng trị bệnh từ thiện ở xã Nhơn Mỹ (Chợ Mới, An Giang). Cũng chính ông và bà con xứ cù lao Ông Chưởng đã bỏ ra cả năm trời vất vả, tự gom góp chi tiền và đi xin kinh phí để xây cất “bệnh viện” tình thương này. Dù mọi việc khá gian nan, vất vả, nhưng khi hoàn thành thấy mọi người nô nức đến khám chữa bệnh trong đó chủ yếu là người già và người nghèo, ai cũng cảm thấy hài lòng, mãn nguyện trước công sức và tiền bạc mình đã bỏ ra.
Phòng trị bệnh từ thiện rộng khoảng 100m2. Lúc đầu lên kế hoạch, ông Nô cùng bà con hảo tâm địa phương dự trù kinh phí trừ công sức là khoảng 300 triệu đồng. Thế là, mọi người chung tay đóng góp, người có ít đóng ít, người nhiều đóng nhiều từ 5-30 triệu đồng/người. Tuy nhiên, khi mới chỉ xây cất được một thời gian, đến tháng 4/2018 ai cũng cảm thấy sợ hãi vì chi phí đã đội lên quá nhiều. Khi đó, công trình mới xây được một nửa mà tiền đã hết sạch. “Lo lắng đến nỗi đêm ngủ tụi tui cũng không yên giấc”, ông Nô nhớ lại. Ông Phan Văn Đạo ngồi kế bên cũng tiếp lời: “Hết tiền, cục đá cũng hổng có cho mà xây”.
Ông Nguyễn Văn Nô hỏi han sức khỏe người bệnh.
Thế nhưng, đợi có tiền thì biết đến khi nào. Các ông đánh liều hỏi thăm, may sao chủ cơ sở bán vật liệu xây dựng cũng là người làm ăn chân chất thật thà, họ đồng ý cho các ông khất nợ, khi nào có tiền thì trả sau. Khi có vật liệu xây dựng rồi, cả nhóm mừng rơi nước mắt. Ông Nô, ông Đạo cùng với bà con dồn sức làm thật nhanh để hoàn thành sớm, hạn chế tối đa chi phí phát sinh thêm. Nhớ lại khoảng thời gian đồng sức đồng lòng ấy, ông Đạo vô cùng tự hào: “Phụ nữ thì mần cơm nước, giúp đỡ việc vặt; đàn ông thì vác đá, trộn hồ, bẻ sắt. Ai cũng hết mình vì phòng khám tình thương, làm bất kể đêm ngày, bất kể mưa nắng. Cuối cùng, đến giữa tháng 4/2019 chúng tôi đã hoàn thành xong xuôi với chi phí là hơn 450 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đực - tổ trưởng
bấm huyệt của phòng điều trị bệnh từ thiện xã Nhơn Mỹ cho biết, từ trước đến nay, cuộc sống của bà con xứ cù lao Ông Chưởng cũng chẳng dễ dàng gì. Họ ít đất sản xuất nên phải bươn chải làm thuê làm mướn cho mấy chủ lò gạch ven sông Hậu. Từng trải qua quãng thời gian đói khát, ông Đực cũng như người dân nơi đây đều hiểu được cảm giác túng thiếu không có một xu; bởi vậy dù ai đến đây khám hay điều trị bệnh, họ đều không lấy tiền. Ông Đực hào hứng khoe: “Bà con vào điều trị tai biến, đau lưng, nhức mỏi; rồi xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu và đắp thuốc nam. Thuốc nam chúng tui trồng ngay tại vườn. Thiết bị, đồ dùng y tế thì mọi người góp tiền mua. Ngày nào chúng tôi cũng làm cả buổi, rồi nguyên ngày nhưng mà thấy vui lắm…”
Nhóm 10 người các ông gồm cả già lẫn trẻ thay nhau đi hái thuốc nam.
Thông thường, cứ những thứ lẻ phòng khám mở cửa đón bệnh nhân đến khám và điều trị thì những thứ chẵn, nhóm ông Đao, ông Nô, ông Đực… luân phiên đi hái thuốc dự phòng. Nhóm 10 người các ông gồm cả già lẫn trẻ phải đi hái thuốc từ sớm, vì lúc đó thuốc còn tươi sẽ có tác dụng tốt hơn. Các loại thuốc trị nhức khớp, cây lá lốt, đu đủ dầu, bưởi, ngải cứu… cứ thấy thuốc là người cắt, người bó thuốc lại, mỗi người một việc luôn chân luôn tay nhưng mà ăn ý. Mang thuốc về, mọi người lại xay rồi trộn thuốc, đắp cho người bệnh bị đau nhức xương. Để đảm bảo nguồn cung thuốc, người dân còn chia sẻ 500m2 đất gần chùa làm vườn trồng thuốc từ thiện. Ngoài các bác sĩ “nông dân” chuyên tìm kiếm thuốc nam và hỗ trợ người bệnh tập vật lý trị liệu, phòng điều trị từ thiện còn có các y bác sĩ cộng sự chuyên môn để châm cứu, đo huyết áp…
Giúp đỡ người nghèo mọi chuyện có thể
Là một bệnh nhân quen thuộc ở “bệnh viện tình thương”, bà bà Nguyễn Thị Dân (ngụ xã Nhơn Mỹ) đã điều trị bệnh đau nhức khớp ở đây được hơn 3 tháng. Ngày đầu, bà không biết đến phòng khám, đến khi có người đi khắc phục tai biến lần 2 về mách rằng ở địa phương mới có phòng khám bệnh từ thiện, bà liền tìm đến. Người phụ nữ đã sắp 2 thứ tóc, sinh đẻ nhiều cộng thêm gia cảnh nghèo khó, làm việc quần quật quanh năm suốt tháng khiến bà Dân bị cơn đau nhức khớp hành hạ quanh năm, cứ trái gió trở trời tình trạng lại càng thêm nặng. May mắn thay, từ khi đến điều trị miễn phí, được đắp thuốc nam và châm cứu, chăm sóc tận tình nên bệnh tình bà Dân đã giảm rõ rệt.
Cũng giống bà Dân, ông Trần Thanh Nhớ (68 tuổi) cũng tìm đến phòng điều trị từ thiện sau khi bị
tai biến hành hạ suốt 2 năm. Ông Nhớ bộc bạch: “Nửa thân bên trái của tôi yếu lắm. Nếu đi Cần Thơ điều trị thì phải cần có thời gian, tiền bạc, người chăm sóc, khó khăn đủ đường. Từ ngày có phòng điều trị gần nhà, cứ đều đặn thứ 3, thứ 5 tôi lại đi châm cứu, sức khỏe cũng tốt lên. Bác sĩ ở đây tốt lắm, đối xử với bệnh nhân nào cũng rất nhiệt tình”.
Ông Nguyễn Văn Đực - tổ trưởng bấm huyệt của phòng điều trị bệnh từ thiện.
Ông Nguyễn Văn Thứng - chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nhơn Mỹ cho hay, từ khi phòng khám từ thiện đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 đến nay đã “tiếng thơm lan xa”, mỗi ngày gần 200 lượt bệnh nhân được khám chữa và điều trị miễn phí. Đa phần bệnh nhân đều là người nghèo, người già có hoàn cảnh khó khăn. Ông Thứng tâm sự: “Việc làm của ông Nô, ông Đạo và ông Đực cùng nhiều bà con thực sự rất ý nghĩa. Không chỉ giúp nhiều số phận hoàn cảnh được điều trị bệnh miễn phí, họ còn góp công góp sức mình đi cất nhà, làm đường, tặng gạo cho người nghèo”.
Đặc biệt hơn, những con người “thích làm việc tốt” ở xã Nhơn Mỹ còn cùng nhau chuẩn bị những bữa cơm chay dinh dưỡng, miễn phí cho bệnh nhân đến đây điều trị. Những bữa cơm chay đa dạng, phong phú được thay đổi thực đơn mỗi ngày, toàn những món ngon hấp dẫn như tàu hũ chiên, mắm chay kho, canh chua… được nấu sẵn để có thể phục vụ người bệnh bất cứ khi nào. Những người đến trị bệnh chẳng những không mất chi phí mà còn được ăn thoải mái, ăn đến no thì thôi. Người dân ở đây chung nhau góp gạo, góp rau, mắm muối… mỗi thứ một ít. Người bệnh đến đây được ăn no nên càng yên tâm điều trị.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
Thùy Nguyễn (t/h)