Ấm lòng những hoàn cảnh khốn khó trong dịch COVID-19 được người dân cưu mang

Admin
Thời điểm dịch COVID-19 xảy ra cũng là lúc thể hiện rõ nhất nhân phẩm và tấm lòng từ bi của con người. Đúng tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều số phận khó khăn do dịch bệnh đã được người dân cưu mang, giúp đỡ.

"Người Việt quá nhân từ"


Mới đây hình ảnh một người được cho là thầy giáo nước ngoài cầm tấm biển “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!” đứng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm với nhiều bình luận trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, đây lại là chiêu trò “câu view” nào đó. Tuy nhiên, rất nhiều người lại đồng cảm với người đàn ông ngoại quốc và cho rằng, nếu không vào đường cùng thì chẳng ai muốn đi xin ăn người khác. Con người ai cũng có lúc khốn khó, không phân biệt dân mình hay người nước ngoài, nếu giúp được thì hãy giúp thôi!
 
Không ai bị bỏ rơi giữa dịch COVID-19: Những hoàn cảnh khốn khó được người dân cưu mang
Qua tìm hiểu, được biết người đàn ông này chính là ông J.D (58 tuổi, người Anh). 

Đặc biệt, khi nhìn thân hình gầy gò, ốm yếu với mái tóc điểm bạc của người đàn ông này đoán chắc cũng đã nhiều tuổi, hoàn cảnh phải đến mức nào mới phải ra đường xin ăn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Qua tìm hiểu, được biết người đàn ông này chính là ông J.D (58 tuổi, người Anh). Tối 13/4, ở khu nhà trọ ông J.D ở, dù trời đã muộn nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn tìm đến tặng quà và chia sẻ khó khăn khi biết được hoàn cảnh của ông thông qua mạng xã hội. Trong số đó, vợ chồng anh Nam và chị Anh (đang sinh sống và làm việc tại thành phố Melbourne, Úc) khi đọc được câu chuyện của ông J.D cũng đã liên hệ với dì mình, nhờ chuyển đến người đàn ông này một chút tấm lòng nhỏ.

Nói về nguyên nhân khiến mình phải cầm bảng xin tiền ra đứng đường, tìm đến sự trợ giúp của mọi người, ông J.D cho biết bản thân làm việc tại một đơn vị giáo dục tư nhân ở TP.HCM. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khiến các trường học, trung tâm ngoại ngữ đều phải đóng cửa nên gần 3 tháng nay, ông không có bất kỳ một nguồn thu nhập nào. Chút tiền ít ỏi còn lại trong tài khoản, ông phải trả tiền visa, tiền thuê nhà nên chẳng còn gì mà mua đồ ăn thức uống.

Cụ thể, người đàn ông 58 tuổi cho biết: “Lương giáo viên của tôi là khoảng 20 triệu/tháng. Mỗi tháng, tôi phải trả 6 triệu tiền thuê nhà và phí visa 4 triệu/3 tháng. Tuy nhiên, bây giờ tôi chẳng làm ra đồng nào mà vẫn phải đóng phí và tiêu tiền hàng ngày. Tôi làm giáo viên mà phải cầm biển đi xin nhờ trợ giúp cũng ngại lắm, nhưng thực tế chẳng còn lựa chọn nào khác”. Theo đó, ông J.D. cũng xin được từ chối tiếp mọi người với lý do “đã nhận được quá nhiều trợ giúp”.
 
Không ai bị bỏ rơi giữa dịch COVID-19: Những hoàn cảnh khốn khó được người dân cưu mang
Tối 13/4, ở khu nhà trọ ông J.D ở, dù trời đã muộn nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn tìm đến tặng quà và chia sẻ khó khăn khi biết được hoàn cảnh của ông thông qua mạng xã hội.
 
Một người quen của ông J.D cho biết, mỗi tuần ông chỉ đi xin 1-2 lần, mỗi lần xin vừa đủ 200 nghìn đồng về nhà mua cá hộp, bánh mì để ăn chứ không xin hơn. “Lần này, được ủng hộ 48,3 triệu đồng, ông xin được giữ lại 12 triệu đồng để đóng 2 tháng tiền nhà còn thiếu, 36,3 còn lại ông nhờ tôi chuyển đến những người nghèo hơn”, người này cho biết thêm. Cũng theo cộng đồng mạng chia sẻ, ông J.D hiện đã được một trung tâm ngoại ngữ mời dạy online nên không cần phải nhờ mọi người giúp đỡ nữa.

Ông lão vô gia cư được vợ chồng trẻ cưu mang 


Giống như “thầy” J.D, ông Đào Kim Hải (62 tuổi, tạm trú quận 4, TP HCM) cũng là một trong nhiều người may mắn khác được mọi người cưu mang giữa dịch COVID-19. Cuộc đời ông Hải là những chuỗi ngày lam lũ, vất vả. Nhớ lại quá khứ, người đàn ông ngoài 60 không khỏi xúc động. Trước kia, sau khi rời quân ngũ, ông Hải đi làm ở hội chợ Quang Trung (Quận 12, TP HCM). Công việc lu bù từ sáng tới tối khiến ông không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Thế rồi, mâu thuẫn xảy ra, hai vợ chồng đường ai nấy đi, vợ ông theo hạnh phúc mới, dẫn cả con gái theo cùng.

Một thời gian sau, ông cũng tái hôn và sinh thêm một cậu con trai. Tuy nhiên, số phận ông Hải vẫn không tránh khỏi kiếp lận đận, “mùa xuân thứ 2” cũng không kéo dài được lâu. Năm 1994, vợ ông mắc bệnh. Dù ông đã bán cả nhà cả cửa chạy chữa nhưng và vẫn không qua khỏi. Đau đớn hơn, người con trai cũng ra đi một thời gian sau đó do tai nạn giao thông. Không vợ con, không nhà cửa, ông lang thang khắp nơi kiếm sống qua ngày. Sau này, ông Hải ở trọ trên đường Bến Vân Đồn (Quận 4, TP HCM), sau đó xin làm bảo vệ cho một cửa hàng thuộc đường Trần Hưng Đạo, Quận 1.
 
Không ai bị bỏ rơi giữa dịch COVID-19: Những hoàn cảnh khốn khó được người dân cưu mang
Khuôn mặt khắc khổ của ông Đào Kim Hải. 

Hai tháng đổ lại đây, dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến cửa hàng ông làm việc phải đóng cửa. Thế là, ông Hải lại thất nghiệp. Không có tiền trả tiền phòng, người đàn ông khắc khổ phải mang hổ khẩu và chứng minh thư đi cầm cố. Duy trì chẳng được lâu, nợ tiền nhà mấy tháng khiến ông xấu hổ nên đã trả lại phòng, ra ngoài sống lang thang. May mắn thay, nhờ những tấm lòng hảo tâm của con người Sài Gòn mà cuộc sống của ông Hải đã bước sang một trang mới.

Ông Hải cho biết, mấy hôm nay điện thoại ông reo liên tục, cứ một lúc lại có người lạ gọi đến hỏi thăm, xin địa chỉ để ủng hộ tiền và đồ dùng. Dù ai gọi ông cũng nghe và nhẹ nhàng trả lời tử tế. Có nằm mơ người đàn ông 62 tuổi cũng không dám nghĩ, một ngày mình lại được nhiều người quan tâm, giúp đỡ đến vậy. Mới vài ngày trước, ông còn sống lay lắt trên vỉa hè, sáng vạ vật khắp nơi đến tối thì vào trạm chờ xe bus ngủ qua đêm. Một lần, ông được một nhóm bạn trẻ phát hiện. Khi biết được hoàn cảnh của ông, nhóm này đã đưa thông tin lên mạng xã hội.

Từ đó, ông được nhiều người tìm đến giúp đỡ. Trong số đó có vợ chồng chị Ngọc Hân, 37 tuổi, chủ cửa hàng kinh doanh ở đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP HCM). Vợ chồng chị Hân đã tới đưa ông về nhà chăm sóc cũng như tạo điều kiện để ông Hải có công ăn việc làm từ ngày 8/4. Theo như chị Hân chia sẻ, vợ chồng chị đã cho ông Hải làm việc tại cửa hàng, trả lương và nuôi ăn ở. Chị còn bổ sung: “Nếu chú thấy không thoải mái, chúng tôi sẽ thuê riêng phòng cho chú ở”. Bữa cơm nào anh Bình - chồng chị Ngọc Hân cũng nhắc ông Hải cố ăn hết, không phải ngại ngùng.

Anh Bình chua xót: “Mấy hôm nay có rất nhiều người tìm đến muốn giúp đỡ chú. Có ngày chú tiếp đến vài chục người, cứ đang ăn lại bỏ dở. Cả ngày, chú không ăn được bữa tử tế, vào bụng chỉ được vài ba thìa đồ ăn. Chú già rồi, lại đang bệnh tật cứ ăn uống thất thường thế này cũng không tốt”. Vợ chồng anh cũng đang tính kiếm cho ông Hải một phòng trọ gần nhà để ông về đó sống, tự bảo quản tài sản vì không muốn mọi người nói mục đích đưa ông về chăm sóc là để lợi dụng số tiền mà các nhà hảo tâm ủng hộ.
 
 

Thùy Nguyễn (t/h)