Ăn hoa quả cũng bị thổi nồng độ cồn, phải làm sao?

Nhiều người lo lắng một số loại hoa quả và thực phẩm từ tinh bột khi ăn vào sẽ lên men tương tự như uống rượu bia. Bác sĩ mách nhỏ một số cách để ăn hoa quả cũng không lo bị thổi nồng độ cồn.

Nồng độ cồn trong thực phẩm sẽ bay hơi nhanh

 
Hiện nay, nhiều người dân lo lắng về việc không uống rượu bia nhưng khi tham gia giao thông vẫn có thể bị thổi nồng độ cồn "oan" vì ăn phải một số loại thực phẩm lên men. Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, điều này không phải là không có căn cứ. Thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể.

BS Nguyễn Trung Nguyên lý giải, một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường nếu bảo quản không tốt hoặc đã bảo quản được một thời gian có thể lên men. Đặc biệt, một số loại hoa quả như dứa, vải có khả năng lên men hay các dạng thuốc như siro ho, dung dịch sát trùng miệng cũng có thể có một lượng ethanol trong đó.
 
Ăn hoa quả cũng không lo bị thổi nồng độ cồn nhờ những mẹo này
Chuối, dứa, xoài vải... là các loại trái cây có thể làm tăng nồng độ cồn

Tuy nhiên, người dân hoàn toàn có thể yên tâm bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và bị bay hơi sau một thời gian ngắn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cồn trong hoa quả hay các loại thực phẩm đều cùng một loại cồn tương tự như trong rượu bia, dù ít hay nhiều cũng có thể gây ra các sai số trên máy đo nồng độ cồn.
 
Do đó, chuyên gia này đưa lời khuyên với người dân khi tham gia giao thông nên tránh ăn nhiều các loại hoa quả hay thực phẩm lên men. Nếu đã lỡ ăn thì nên súc miệng thật kỹ, nghỉ ngơi từ 30 - 60 phút để lượng cồn bay hết rồi mới lái xe.
 
Ăn hoa quả cũng không lo bị thổi nồng độ cồn nhờ những mẹo này

Một số loại hoa quả chứa hàm lượng đường cao có thể gây ra nồng độ cồn trong hơi thở như: vải, nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài... Các loại quả này khi để một thời gian dài ngoài môi trường sẽ sinh ra mùi cồn đặc trưng, thậm chí nếu để lâu sẽ chuyển hóa thành axit có mùi chua.

Xét nghiệm nồng độ cồn cho kết quả chính xác


Về phía cơ quan chức năng, người dân cũng có thể yên tâm bởi quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay là rất chính xác.
 
Ở một số nước trên thế giới, kiểm tra nồng độ cồn được thực hiện qua 2 bước. Nếu test sàng lọc ban đầu cho kết quả dương tính thì sẽ làm tiếp bước 2.

Tại Việt Nam hiện nay, việc test nồng độ cồn trong máu, hơi thở cũng được thực hiện tương tự. Thực tế cũng có số ít trường hợp bị thổi nồng độ cồn dù không uống rượu bia, nguyên nhân do ăn quá nhiều hoa quả hay các thực phẩm lên men.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, máy thổi nồng độ cồn được lực lượng chức năng sử dụng hiện nay rất nhạy cảm với cồn nên có thể dễ dàng phát hiện người có nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, máy không thể phân biệt người nào có nồng độ cồn do uống rượu bia hay do sử dụng thực phẩm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cách tốt nhất là sau khi ăn các thực phẩm có ethanol, người dân nên nghỉ ngơi khoảng 15-30 phút trước khi tham gia giao thông để tránh "oan sai".
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/01/02/An-hoa-qua-truoc-khi-lai-xe-cung-co-the-bi-phat-loi-nong-do-con-toi-40-trieu-dong_02012020194841.mp4[/presscloud]
Tài xế bị thổi phạt vì ăn sầu riêng trước khi lái xe.
 
Xem thêm: 
 

Sau khi uống rượu bao lâu thì hết nồng độ cồn?

 

Các loại hoa quả có thể gây ra nồng độ cồn sau khi ăn, cảnh giác kẻo bị phạt oan khi ra đường

 
 
Hà Ly (t/h)