9 lỗi tệ nhất trong thư xin việc cần tránh bằng mọi giá

Khi tìm kiếm việc làm, thư xin việc thường là ấn tượng đầu tiên bạn tạo ra đối với nhà tuyển dụng tiềm năng. Đây là cơ hội để thể hiện kỹ năng, tính cách và niềm đam mê của mình đối với công việc theo cách vượt ra ngoài sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, ngay cả những lá thư xin việc có ý định tốt nhất cũng có thể bị phá hỏng bởi những lỗi đơn giản. Để giúp bạn nổi bật vì những lý do chính đáng, sau đây là 9 lỗi thường gặp trong thư xin việc mà bạn cần tránh bằng mọi giá.

Sử dụng thư xin việc có sẵn

Một trong những lỗi thường gặp nhất là gửi một lá thư xin việc chung chung có thể áp dụng cho bất kỳ công việc nào trên các trang web việc làm như CareerLink... Điều này cho thấy sự lười biếng cũng như gợi ý rằng bạn không thực sự bận tâm đến vị trí cụ thể đó. Và chắc chắn bạn sẽ không tạo được thiện cảm tốt với nhà tuyển dụng. 


Hãy luôn điều chỉnh thư xin việc phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển. Bạn có thể bắt đầu bằng cách viết ra các gạch đầu dòng về tất cả lý do tại sao bạn là sự lựa chọn tuyệt vời cũng như những gì bạn đặc biệt giỏi trong vai trò của mình. Sau đó, khi ứng tuyển vào một vị trí cụ thể, hãy xem danh sách này và đưa những điểm có liên quan nhất đến vai trò vào thư xin việc. Theo cách này, bạn không chỉ nhớ mọi thứ đáng đề cập về bản thân mà còn cho thấy được sự đầu tư vào mọi thư xin việc. 

Câu mở đầu nhàm chán

Các nhà tuyển dụng xem xét vô số hồ sơ xin việc mỗi ngày và có thể nhàm chán với các câu mở đầu thư tẻ nhạt như “Tôi là nhân viên sales với 3 năm kinh nghiệm. Hãy thu hút sự chú ý của họ bằng một câu mở đầu hấp dẫn hoặc lôi cuốn như “Là nhân viên Sales, tôi đã giúp tăng 15% khách hàng mới trong năm ngoái. Tôi muốn tạo ra kết quả tương tự, nếu không muốn nói là tốt hơn cho quý công ty”.  

Bằng cách đề cập đến mong muốn giải quyết nhu cầu của công ty từ đầu và cách bạn có thể giúp họ đạt được mục tiêu, bạn sẽ thể hiện được khía cạnh thú vị và độc đáo trong tính cách và kỹ năng của mình, khiến nhà tuyển dụng chắc chắn chú ý đến bạn. 

Lặp lại CV

Thư xin việc không phải là bản trình bày lại CV mà nó hỗ trợ cho CV của bạn. Trong khi CV nêu bật các kỹ năng và kinh nghiệm, thư xin việc là cơ hội để giải thích lý do tại sao bạn là người phù hợp nhất với vị trí và công ty. Nếu không có gì để nói, bạn có thể giải thích chi tiết hơn về cách một trong những thành tích của bạn có thể hữu ích cho vai trò ứng tuyển hoặc cách bạn có thể đóng góp vào sứ mệnh của doanh nghiệp. Bất cứ điều gì có thể tạo thêm giá trị, thay vì chỉ liệt kê lịch sử công việc và trách nhiệm của bạn, đều được.


Quá mơ hồ về trình độ và khả năng của bạn

Những tuyên bố chung chung như “Tôi là một nhân viên chăm chỉ" hoặc “Tôi có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời” là mơ hồ và không cung cấp cho nhà tuyển dụng đủ hiểu biết về khả năng của bạn. Chắc chắn, bạn có thể khẳng định mình là “người giao tiếp giỏi”, nhưng tất cả những ứng viên khác cũng vậy. Trường hợp duy nhất nên đề cập đến những câu sáo rỗng như vậy là khi bạn thực sự có thể chứng minh chúng bằng những kinh nghiệm trong quá khứ của mình. 

Vì vậy, thay vì nói “Tôi là người giỏi giao tiếp”, hãy nói “Tôi là người rất giỏi giao tiếp, điều này đã được chứng minh qua trải nghiệm A, B và C”. Nếu có thể, hãy định lượng thành tích của bạn - các con số sẽ tạo ra tác động mạnh hơn. 

Quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành

Mặc dù điều quan trọng là phải chứng minh kiến ​​thức của bạn về ngành nghề hoặc công việc nhưng sử dụng thuật ngữ chuyên ngành quá mức có thể gây khó chịu cho người đọc. Hãy sử dụng từ ngữ đơn giản và rõ ràng và tránh sử dụng các thuật ngữ quá phức tạp trừ khi chúng có liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

Nói quá nhiều về những gì bạn muốn

Mặc dù điều quan trọng là phải giải thích lý do tại sao bạn hào hứng với vai trò này, nhưng việc tập trung quá nhiều vào những gì bạn muốn, chẳng hạn như kỳ vọng về mức lương, thăng tiến trong sự nghiệp hoặc lợi ích cá nhân có thể khiến bạn trở nên ích kỷ. Hơn nữa, nhà tuyển dụng thực sự không quan tâm đến việc công ty của họ phù hợp với nhu cầu của bạn như thế nào. Điều họ muốn biết là bạn có thể mang lại cho công ty những gì và công ty sẽ được hưởng lợi như thế nào khi có bạn. 

Vì vậy, hãy xây dựng thư xin việc theo quan điểm của nhà tuyển dụng tương lai và tập trung vào cách bạn có thể đóng góp vào mục tiêu của công ty và giải quyết những thách thức họ đang gặp phải. 

Không làm theo hướng dẫn

Nhà tuyển dụng thường đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc nộp thư xin việc, chẳng hạn như trả lời các câu hỏi cụ thể. Việc bỏ qua các hướng dẫn này sẽ gửi đi tín hiệu rằng bạn không chú ý đến chi tiết, bất cẩn, không đáng tin cậy hoặc muốn phá vỡ nguyên tắc. Tất nhiên, không ai muốn tuyển một người mà họ không thể tin tưởng từ việc thực hiện những điều nhỏ nhặt cả. Vì vậy, hãy dành sự chú ý thích đáng, luôn đọc kỹ tin tuyển dụng và làm theo hướng dẫn như đã nêu.  

Lối suy nghĩ tiêu cực

Mục đích của thư xin việc là tiết lộ lý do tại sao bạn muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp chuyên môn của mình, chứ không phải lý do tại sao bạn cố gắng thoát khỏi công việc hiện tại. Khi viết thư xin việc, hãy luôn tích cực và lạc quan. Đừng phàn nàn về hoàn cảnh hiện tại của bạn và đừng đưa bất kỳ điều gì tiêu cực vào. Không ai muốn đọc về điều đó, kể cả nhà tuyển dụng tiềm năng mà bạn hy vọng sẽ mời bạn đến tham dự buổi phỏng vấn. 

Tâng bốc không cần thiết

Nếu bạn coi trọng các giá trị, sứ mệnh hoặc văn hóa của công ty, hãy thoải mái đề cập đến cách chúng truyền cảm hứng cho bạn. Nhưng nếu chỉ sử dụng thư xin việc để tâng bốc công ty với hi vọng nhà tuyển sẽ thích bạn thì bạn sẽ nhận một bất ngờ khó chịu. Khi đưa ra lời khen quá mức về công ty tuyệt vời như thế nào hoặc ngưỡng mộ công việc của công ty đến mức nào, bạn có thể trông giả tạo, như thể bạn đang cố gắng nịnh bợ để giành được sự ưu ái thay vì tập trung vào điều thực sự quan trọng, đó là lý do tại sao bạn phù hợp với vai trò này.


Thư xin việc là cơ hội để bạn nổi bật và chứng minh lý do tại sao bạn là người phù hợp hoàn hảo cho công việc. Bằng cách tránh 9 lỗi thường gặp này, thể hiện trình độ của bạn và duy trì giọng điệu chuyên nghiệp, bạn sẽ tăng cơ hội có được một cuộc phỏng vấn mơ ước.