"Tôi làm thiện nguyện vì đã chứng kiến bao gia đình mất đi đứa con vì đuối nước. Tôi muốn dạy các em biết bơi để vừa đùa chơi an toàn, vừa là bùa cứu thân khi bão lũ tràn về", thầy Châu chia sẻ.
Cứ mùa mưa lũ đến, cuộc sống của bà con sống tại những vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai bão lũ lại long đong, chấp chới. Bão lũ có thể cuốn trôi tất cả nhà cửa, vật nuôi, ruộng vườn. Thậm chí con lũ lớn có thể nuốt chửng và xóa sổ cả một bản làng chỉ trong một đêm. Họ đã nghèo, qua một đợt thiên tai lại càng nghèo hơn, cảnh chia ly mất mát năm nào cũng có.
Chứng kiến những cảnh ấy, thầy giáo Lê Quốc Châu hay được biết đến với biệt hiệu "anh hùng áo tơi" vô cùng trăn trở. Và thầy đã lặn lội khắp nơi để hỗ trợ bà con gặp nạn. “Có những lần cả đoàn đi về bản cứu trợ, xe bị chết máy ngay giữa rừng, đường thì sa lầy, ai cũng thấm mệt. Thế mà bằng một cách thần kỳ nào đó, chúng tôi vẫn đến được nơi, tuy người lấm lem nhưng lại vui vì sự hiện diện của mình là hy vọng mong manh cho những con người nơi đây”, thầy Châu chia sẻ.
Thầy Châu và các cộng sự trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào vùng lũ.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Năm 2010, Hương Khê, Hà Tĩnh trở thành rốn lũ. Mưa to nhiều ngày đêm không dứt, lũ tràn về trong đêm. Một vài hộ đã kịp rời đi khi mưa lớn. Những người chậm chân chẳng thể đi kịp thì ở trong nhà sợ hãi nghe tiếng con nước lớn dồn về. Tiếng cây gỗ va đập vào vách đá rầm rầm và tiếng vật nuôi kêu gào làm náo loạn cả một vùng. Cơn lũ giận dữ cứ đùng đùng kéo tới, bất chấp, nhấn chìm cả Phương Mỹ chìm trong biển nước.
Khi đoàn cứu hộ còn chưa tiếp cận được tâm điểm vùng lũ thì thầy Châu cùng với người bạn tên là Đậu Bình đã không ngần ngại tìm đến những hộ đang phải trú tạm trên nóc nhà để mang cho họ chút lương khô, mỳ tôm để cứu đói qua ngày.
Muốn đi được vào rốn lũ Phương Mỹ nước đang dâng cao thì chỉ đi được bằng thuyền. Thầy Châu chỉ mượn được xuồng ba ván, rất bấp bênh và dễ lật. Chưa kể nước lũ chảy xiết, phải khó khăn lắm hai người mới lèo lái được con thuyền. Thầy cứ vừa chèo, vừa giữ thăng bằng, vừa kiếm tìm người dân đang mắc kẹt với lũ.
Thầy Châu trao tiền hỗ trợ cho đại diện người dân vùng lũ.
“Trao hết số lương khô mang đi, trên đường trở ra gặp phải xoáy nước thế là cái xuồng ba ván của hai anh em chòng trành rồi lật luôn. Cái máy ảnh 27 triệu của anh Đậu Bình cũng đi tong. Cũng may là hai anh em đều biết bơi cả nên không bị sao, lại bò lóc ngóc trèo lại lên xuồng rồi đi tiếp. Khoảng mấy giờ sau thì cứu hộ tiếp cận được rốn lũ. Tôi nghe tin cũng bớt lo phần nào”, thầy Bình nhớ lại đợt đi cứu nạn trận lũ lịch sử.
“Có lần trên đường đi từ thiện, gặp tai nạn. Trong phút chốc tôi đã nghĩ không thoát khỏi. Đó là năm 2016, tôi cùng với nhóm Áo Tơi và anh Vinh Nguyễn đến các xã ven sông Gianh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình vì mưa lũ ở đó rất to. Người dân ven sông ở các xã Phong Hóa, Mai Hóa bị trôi hết nhà cửa đồ đạc và đang phải chịu thiếu đói trên nước lũ.
Nhận được điện thoại cán bộ xã Phong Hóa điện ra cần cứu trợ mì tôm, nước uống khẩn cấp. Tôi liền bốc hàng chạy đi ngày trong đêm. Tôi đi cả đêm lẫn ngày trong thời tiết mưa gió như thế. Cả đoàn đi đều phải dừng nghỉ liên tục vì không thể nhìn thấy đường đi. Đến nơi nhìn thấy bà con người thì ngồi trên nóc nhà, kẻ thì cố bám víu lấy cành cây mà xung quanh mênh mông nước lũ mà lòng tôi quặn thắt. Chỉ muốn cố gắng làm hết tất cả những gì có thể để cùng bà con vượt qua bão lũ.
Nhất là khi nhìn thấy những đứa trẻ bị mắc kẹt cùng bố mẹ. Chúng chẳng thể hiểu thiên tai bão lũ là gì, chỉ thấy lạnh và đói thì khóc mếu. Nhìn cảnh đó tôi cũng không kìm lòng nổi.
Trao đồ cứu trợ cho bà con xong, trên đường về lúc đó người đã thấm mệt thì tự nhiên xe tôi đi bị nổ lốp. Tay lái lúc đó không còn được chắc mà lốp xe nổ, giật mình và bị mất tập trung, tôi mất lái lao vào vệ đường, may mà người không sao. Lúc đó thì tôi tỉnh hẳn cả người, bàng hoàng vì suýt chút nữa là mất mạng”, thầy nhớ lại một kỷ niệm khác.
Dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo
Mùa mưa bão về thì cũng là lúc mà nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Trẻ em ở những bản làng xa xôi, những huyện nghèo ở miền Trung thường ít được quan tâm. Các em hay gặp nhau sau mỗi buổi học và rủ nhau đến các bờ sông, con suối để chơi đùa.
Những con lũ kéo về bất chợt không đầy một phút đã lấy đi sinh mạng của nhiều em nhỏ. Có những gia đình bố mẹ đi làm ruộng làm nương cả ngày cho đến khi tối về mới được báo tin con nhỏ bị đuối nước thì nỗi đau khôn xiết.

Thầy Châu luôn trăn trở về vấn đề dạy bơi cho các em nhỏ.
Thầy Châu chia sẻ: “Có lẽ từ giờ tôi sẽ không đăng ảnh trẻ đuối nước lên đây nữa vì tất cả những điều này quá thương tâm. Tôi cùng với nhà trường chỉ biết cố gắng hết mình, mở những lớp dạy bơi miễn phí cho các em. Mong sao các em có thể tự bảo vệ, tự cứu mình nếu rơi vào tình huống nguy hiểm”.
Không đếm xuể đã có bao nhiêu lớp dạy bơi miễn phí của thầy Châu dành cho các em học sinh. Và có lẽ cũng chẳng thể đếm xuể những duyên lành mà thầy đã gieo cho biết bao con người đang vào tình trạng khốn cùng. Tuy nhiên khi nói về những việc làm của mình, người "anh hùng áo tơi" luôn rất khiêm tốn.
“Tôi trước kia khốn khó, từng được người khác giúp đỡ mới được ăn học nên người, giờ thành thầy giáo. Giờ những người tôi từng được nhận ơn huệ đều đã mất, tôi chẳng báo đáp trực tiếp được thì lại đem cái lòng thành tâm của mình để giúp đỡ những người khác như chính cái cách mà tôi từng được nhận. Đó chẳng qua cũng là điều nên làm và tôi vui khi những người con của tôi cũng yêu thích những công việc thiện nguyện giống tôi vậy. Tôi cảm thấy may mắn vì điều đó”, thầy Châu tâm sự.
Trang Trang