Bác sĩ BV Việt Đức ăn ngủ tại phòng mổ, thực hiện 16 ca ghép tạng trong 1 tuần

Các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện 16 ca ghép tạng trong 1 tuần, trong đó 2 ca ghép đa tạng cùng lúc và lần đầu tiên cùng lúc ghép 6 tạng cho 5 bệnh nhân. Đây là kỷ lục về ghép tạng được ghi nhận tại Việt Nam.

Ca ghép phổi xuyên đêm, bác sĩ ngủ ngay trong phòng mổ

 
Cách đây 8 tháng, BV Việt Đức thực hiện thành công ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não đầu tiên cho một bệnh nhân mới 17 tuổi. Khi đó, ca ghép còn được Bộ Y tế vinh danh là 1 trong 9 sự kiện y tế nổi bật năm 2018.

Chỉ 8 tháng sau, ngày 12/8/2019, bệnh viện tiếp tục thực hiện thành công ca ghép phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não. Người hiến tạng là thanh niên 20 tuổi, ở Kim Thành, Hải Dương, bị tai nạn giao thông không qua khỏi. Gia đình đã đồng ý hiến toàn bộ nội tạng gồm: tim, phổi, gan, 2 thận, giác mạc và 9 gân cho y học. Số nội tạng của chàng trai 20 tuổi đã cứu sống cùng lúc 6 bệnh nhân.
 
Bác sĩ BV Việt Đức ăn ngủ tại phòng mổ, thực hiện 16 ca ghép tạng trong 1 tuần
Một bệnh nhân ghép tạng đang được chăm sóc tại Bệnh viện Việt Đức
 

Trong đó, người nhận phổi là anh N.V.K (38 tuổi, ở Hà Nội). Anh K. mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối khởi phát từ khi anh còn nhỏ. Sốt 10 năm qua bệnh diễn biến nặng, hai phổi hỏng hoàn toàn bệnh nhân buộc phải thở ô xy. Nếu muốn duy trì sự sống, bệnh nhân cần được ghép phổi tuyệt đối.

Các bác sĩ mất 15 tiếng để thực hiện lấy và ghép phổi cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài xuyên đêm từ 4 giờ chiều 12/8 tới 6h30 ngày 13/8.

Chỉ 6 tiếng sau ghép, bệnh nhân tỉnh và phổi ghép hoạt động tốt. Hai ngày sau ghép, bệnh nhân không còn cần dùng máy hỗ trợ phổi (ECMO). Một tuần sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, chức năng tim và thận bình thường, dự kiến bệnh nhân có thể tự thở trong vài ngày tới.

Đáng nói, trong quá trình thực hiện ca ghép phổi này, các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân từ người hiến là chàng trai 20 tuổi bị tai nạn giao thông. Bên cạnh ca ghép phổi cho bệnh nhân K, các bác sĩ còn thực hiện 4 ca ghép: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân).
 
Bác sĩ BV Việt Đức ăn ngủ tại phòng mổ, thực hiện 16 ca ghép tạng trong 1 tuần
Các bác sĩ vừa thực hiện 16 ca ghép tạng trong một tuần

Tất cả các ca ghép tạng đều diễn ra thành công. Các bệnh nhân sau ghép tạng sức khỏe tiến triển tốt.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Mỗi ca ghép tạng, đặc biệt là ghép phổi đều rất căng thẳng. Nếu không theo dõi từng phút bệnh nhân rất nguy hiểm.

Cùng lúc triển khai 6 bàn mổ, làm việc liên tục xuyên ngày đêm như ca ghép phổi kéo dài 15 giờ căng thẳng, có thời điểm hôm trước ghép xong hôm sau lại tiếp nhận thông tin cần ghép, các y bác sĩ gần như phải hoạt động hết công suất. Có người phải nằm bất cứ chỗ nào để nghỉ ngơi, tranh thủ chợp mắt".

'Tuần ghép tạng'


Ngày 19/8, GS.TS Trần Bình Giang cho biết, các bác sĩ vừa trải qua 'tuần ghép tạng'. Đó là từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, các chuyên gia của bệnh viện đã thực hiện hành công 16 ca ghép tạng. Đây được ghi nhận là kỷ lục về ghép tạng trong y văn Việt Nam.

Trong đó, lần đầu tiên ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân: 1 trường hợp ghép đa tạng từ người cho chết não, gồm 1 tim, 2 phổi, 1 gan, 2 thận. Người cho chết não còn lại đã hiến tặng lá gan và 2 thận. Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận nguồn tạng gồm 1 quả tim, 1 lá gan được chuyển ra từ Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép tạng cho bệnh nhân.

GS Giang cho biết: “Tuần làm việc hết sức căng thẳng, hiệu quả. 16 người nhận tạng và kết quả ghép rất tốt. Bên cạnh đó, việc phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện ghép tạng cho bệnh nhân cũng rất tốt".
 
Bác sĩ BV Việt Đức ăn ngủ tại phòng mổ, thực hiện 16 ca ghép tạng trong 1 tuần
Các chuyên gia nhận định kỹ thuật ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới

Các ca ghép tạng thành công ghi nhận sự nỗ lực của các chuyên gia, trình độ về mặt tổ chức lẫn chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, đó là cũng thể hiện bác sĩ Việt Nam đã thực sự làm chủ về các kỹ thuật ghép tạng phức tạp.

Đánh giá về 16 ca ghép tạng, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức khẳng định: Kỹ thuật ghép gan, tim, thận, phổi của BV Việt Đức không thua kém với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên bác sĩ Việt Nam còn thua kém về kinh nghiệm bởi số ca được thực hiện ghép tạng tại bệnh viện Việt Đức nói riêng và Việt Nam nói chung còn ít. Trong khi những Trung tâm ghép tạng trên thế giới đã thực hiện được khoảng 5000 ca thì BV Việt Đức mới thực hiện 80 ca ghép gan, 40 ca ghép tim, trên 700 ca ghép thận. Vì thế có những biến chứng trong và sau ghép trên thế giới họ đã gặp thì ta lại chưa có, nên kinh nghiệm xử lý có phần hạn chế.
 
Từ năm 1992-2018, Việt Nam đã thực hiện tổng số 3.500 ca ghép thận (chỉ phục vụ được khoảng 10% nhu cầu thực tế), 150 ca ghép gan trong vòng 24 năm.

Trong khi đó, trong 10 năm qua cả nước chỉ có 57 người chết não hiến tạng, trong đó thực hiện 2 ca ghép phổi, 25 ca ghép tim, 54 ca ghép gan và 99 trường hợp ghép thận.

Điều này cho thấy nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là nguồn hiến tạng khan hiếm, người Việt vẫn còn mang nặng quan điểm bảo toàn thi thể sau khi qua đời.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/20/16 ca ghep tang_20082019172143.mp4[/presscloud]
Video: ANTV
 
 
Ngọc Tân