Bác sĩ người Pháp gốc Việt cưu mang hơn 200 đứa trẻ sau cuộc gặp gỡ `định mệnh` với cô bé hàng rong

Cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé Việt năm 1992 đã làm thay đổi lẽ sống của vị bác sĩ Việt kiều đa tài. Từ đó, ông quyết định thành lập tổ chức từ thiện mang tên Xuân, cưu mang và giúp đỡ hơn 200 đứa trẻ.

Cuộc gặp gỡ định mệnh với cô bé bán rong

 
Bác sĩ Trần Tiễn Chánh hay mọi người thường gọi bằng cái tên thân thuộc là ông Chánh. Bác sĩ Chánh còn được nhiều người biết tới là ông xã Trang La, từng tốt nghiệp Đại học Y tại Paris. Hiện nay, ông Chánh có danh hiệu tiến sĩ, là chuyên gia dinh dưỡng về béo phì với những nghiên cứu đã được tổ chức Y tế thế giới công nhận. Thế nhưng, dù bao năm trôi qua, ký ức về lần gặp gỡ định mệnh với cô bé bán hàng rong cách đây gần 30 năm vẫn là kỷ niệm khắc ghi trong đầu không thể quên được. Đây cũng là khoảnh khắc khiến ông thay đổi phần nào quan niệm và sẽ sống cuộc đời.
 
Năm 10 tuổi, cậu bé Chánh rời Nha Trang để sang Pháp đoàn tụ cùng bố mẹ. Hơn chục năm trôi qua, đến khi tốt nghiệp đại học y ông mới trở về thăm quê hương. Khi đó là năm 1992, Việt Nam còn rất nghèo, ở đâu cũng xuất hiện những đứa trẻ ăn xin, đói nheo đói nhóc. Nhìn cảnh tượng trước mắt, người thanh niên lúc đó không khỏi đau lòng và buồn bã. Vị bác sĩ trẻ đi qua phà Bính, Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 8/1992. Thời tiết nóng nực, thấy một cô bé đang bán hàng rong tại bến phà, ông liền ngỏ ý muốn mua một chiếc quạt giấy.
 
Bác sĩ người Pháp gốc Việt cưu mang hơn 200 đứa trẻ sau cuộc gặp gỡ
Bác sĩ Trần Tiễn Chánh.
 
Thời điểm đó, chiếc quạt chỉ có giá 500 đồng. Ông Chánh đưa cho cô bé 5000 đồng và nói không cần trả lại. Cô bé gầy gò, đen nhẻm và nhỏ xíu nhưng ánh mắt sáng vô cùng. Cô bé nhất quyết muốn trả lại tiền thừa nhưng không được. Mọi chuyện cứ tưởng thế là kết thúc cho đến khi phà rời bến. Đói bụng nên ông Chánh tranh thủ ăn một bữa cơm bụi. Đến khi đứng dậy tính tiền, ông Chánh ngớ người khi chủ quán nói đã có một cô bé trả giúp. Đến khi nháo nhác nhìn quanh, ông Chánh thấy cô bé bán quạt lúc trước đang đứng từ xa mỉm cười rất tươi. Ông gọi lại, biết được cô bé tên Nhung. Dù mới 10 tuổi nhưng em đã bán hàng rong ở đây được mấy năm rồi.
 
Sau đó, Nhung dẫn ông lên phà. Cô bé còn thân thiện chỉ cho ông chỗ ngồi tốt nhất để tránh nắng tránh mưa. Lòng đột nhiên xao động, ông Chánh xin cô bé địa chỉ vào mẩu giấy, hứa nhất định sẽ liên lạc lại. Chính cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã khiến người bác sĩ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về trẻ em Việt. Ông Chánh bồi hồi nhớ lại: “Nếu như những đứa trẻ ăn xin trước đó khiến tim tôi xót xa, lạnh giá như mùa đông thì Nhung lại khác, cô bé đã thổi hơi ấm mùa xuân, khiến tâm hồn tôi như đâm chồi nảy lộc. Cũng chính cô gái bé nhỏ ấy đã khiến tôi tin rằng, dù nghèo đói đến mấy nhưng sự tử tế vẫn luôn tồn tại”.
 
Trở lại Pháp, ông Chánh viết một lá thư ngắn gửi vào địa chỉ của bé Nhung đã xin trước đó: “Cám ơn cháu đã dạy chú về lòng tử tế. Nhờ cháu mà chú đã thay đổi nhận thức của chú về tình cảm giữa người với người”. Tuy nhiên, bức thư gửi đi mà chẳng có hồi âm. Ông Chánh cười buồn: “Có thể do vốn tiếng Việt của tôi không tốt nên địa chỉ đã bị viết sai…” Thế nhưng một năm sau, qua một người bạn trở về Việt Nam, ông Chánh nhận được bức ảnh cô bé Nhung tươi cười rạng rỡ trên phà bến Bính. Tóc cô bé đã dài hơn nhưng nụ cười vẫn dễ thương như xưa. Ông Chánh vô cùng trân trọng tấm ảnh và đã cất đi làm kỷ niệm.
 
Bác sĩ người Pháp gốc Việt cưu mang hơn 200 đứa trẻ sau cuộc gặp gỡ
Bức ảnh của cô bé Nhung được người bạn của bác sĩ Chánh chụp lại.
 

Quyết định thành lập tổ chức từ thiện

 
Nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh với cô bé Nhung, ông Chánh như được tiếp thêm một sức sống mới, “một mùa xuân mới trong nhận thức”. Không bao lâu sau, tổ chức từ thiện mang tên Xuân được ông Chánh chung tay với bạn bè Pháp ra đời. Mùa hè năm 1993, tổ chức này thành lập Nhà Xuân tại Đà Nẵng. Những năm qua, đã có hơn 200 đứa trẻ được sống, học tập và trưởng thành ở đây.
 
Vào một ngày bình thường năm 2018, bác sĩ Chánh và bước vào Nhà Xuân đã thấy chị Hiệp cùng hàng chục đứa trẻ chạy ùa ra, bá vai bá cổ, khuôn mặt hạnh phúc. Chị ôm chặt người đàn ông mái tóc đã hoa râm theo năm tháng, sụt sùi: “Con vừa về nước là đến đây luôn, chỉ mong được gặp bố”. Người đàn ông nghe xong mỉm cười hiền hậu, vỗ vai chị Hiệp rồi mở rộng vòng tay ôm hết bọn trẻ vào lòng. Chị Lê Thị Hiệp năm nay đã 32 tuổi, đang là chuyên viên một tập đoàn kiểm toán tại Paris. Dù rất thành đạt nhưng chị Hiệp từng trải qua tuổi thơ vô cùng cơ cực, nghèo khó.
 
Bác sĩ người Pháp gốc Việt cưu mang hơn 200 đứa trẻ sau cuộc gặp gỡ
Bác sĩ Chánh và các em nhỏ tại Nhà Xuân chụp tháng 9/2019.
 
Hồi nhỏ, chị từng là thành viên trong đội ăn xin đường phố cùng với mẹ. Một lần, chị Hiệp đói lả ngất bên trong đường, được người đi qua phát hiện nên đưa về Nhà Xuân. Lần đầu gặp bác sĩ Chánh, cô bé Hiệp mới 6 tuổi, ngại ngùng và sợ hãi đứng nép trong góc tường. Thấy vậy, ông Chánh cười hiền: “Ra đây với bố nào” rồi xoa đầu cô bé dặn dò: “Cố gắng học nha con, chỉ có học giỏi mới có thể thoát khổ”. Được ôm và căn dặn, cô bé đã ghi nhớ thật sâu câu nói ấy vào thâm tâm, biến thành động lực để phấn đấu. Nhờ chăm chỉ, cố gắng học tập, chị Hiệp đã đỗ vào khoa tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng rồi sang Pháp du học. Hiện tại, chị làm việc luôn ở đây và đã có một cuộc hôn nhân viên mãn.
 
Năm 2017, trong một lần thu dọn lại hồ sơ, bất ngờ bức ảnh cũ của cô bé Nhung rơi ra. Người bạn của ông Chánh đã quyết định đưa bức ảnh được cất giữ cẩn thận gần 30 năm lên website. Điều này đã khiến rất nhiều người tò mò muốn biết bé Nhung hiện tại thế nào, có cuộc sống ra sao. Câu chuyện về sự tử tế của cô bé 10 tuổi cũng lan nhanh và nổi tiếng trên khắp các diễn đàn. Cho đến cuối năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người bác sĩ Chánh đã gặp lại cô bé Nhung – năm nay đã gần 40 tuổi. Nắm lấy bàn tay chai sạn của người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố cuộc đời, ông Chánh không kiềm được sự xúc động: “Cám ơn cuộc gặp gỡ tình cờ với cháu năm đó. Dù chỉ có vài chục phút ít ỏi, nhưng nó đã thay đổi cả chục năm cuộc đời của chú sau này”.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
 
 
Thùy Nguyễn (t/h)