Các bài thuốc Đông y chữa dị ứng được nhiều người quan tâm. Bởi đây là một trong những hướng điều trị bệnh có nhiều ưu điểm, ít tác dụng phụ và chi phí thấp.
Theo y học hiện đại, dị ứng là một phản ứng không bình thường của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ, thường gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên có thể là bụi, phấn hoa, những lông nhỏ trên cành, lá của một vài loại thực vật, các protein, dịch tiết các loại côn trùng, hóa chất... Khi bị xâm nhập, lập tức trong cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên - kháng thể và một chất trung gian sinh học histamin được phóng thích khỏi các tế bào dưới dạng tự do. Chính chất này đã gây nên hiện tượng dị ứng làm mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp... Sự xâm nhập của các dị nguyên có thể theo nhiều đường khác nhau như
đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt) và phần nhiều qua đường da do tiếp xúc.
Theo
Đông y, dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang. Phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng dị ứng. Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào trong cơ thể còn do nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt... mà gây ra uất kết ở da, bắp thịt. Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng phủ thiếu điều độ, chẳng hạn can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.
Nguyên nhân gây dị ứng
Tác động bên ngoài: Do thức ăn: Tôm, cua, cá, ngao, sò biển, mắm ruốc... Có người sau khi thưởng thức những món ăn ngon này bị dị ứng ngay. Do không khí, hóa chất hoặc các thuốc bảo vệ thực vật, gây dị ứng mạnh đối với một số người bệnh như sơn ta, thuốc trừ sâu, thậm chí cả thuốc tân dược... gây dị ứng toàn thân, ngứa, phù nề, hoặc khó thở... Do lông gia súc (chó, mèo...), nước tiểu súc vật... gây dị ứng đường phế quản, gây ho hen, khó thở... Do phấn hoa, do các loại côn trùng cắn, đốt.
Nguyên nhân bên trong: Do tạng phủ, do yếu tố tâm lý, do cơ địa: Theo YHCT, một số tạng, phủ liên quan đến bệnh dị ứng, tạng can, liên quan về huyết (can tàng huyết), tức là liên quan về mặt giải độc, tạng tâm (tâm chủ huyết mạch), liên quan về tuần hoàn của huyết. Huyết (máu), là một phủ (kỳ hằng), là đối tượng chính của bệnh dị ứng trong cơ thể: Huyết nhiệt sinh phong (huyết nóng sinh ra phong ngứa), tạng phế, liên quan đến da (phế chủ bì mao), một trong những bộ phận trực tiếp xảy ra bệnh dị ứng... Như vậy, các tạng trực tiếp nhất liên quan đến bệnh dị ứng là can và tâm.
Do cơ địa dị ứng bẩmsinh, một số người có sẵn cơ địa dị ứng bẩm sinh, hoặc bị chàm da... khi tiếp xúc với các yếu tố ngoại lai nói trên sẽ dễ bị kích ứng mà dẫn đến dị ứng.
Do yếu tố tâm lý, các yếu tố xúc cảm về tâm lý (stress).
Bài thuốc chữa dị ứng theo Đông y
Để điều trị dị ứng, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và loại trừ “dị nguyên”. Có rất nhiều bài thuốc chữa dị ứng, chúng ta có thể dựa vào thể trạng của từng bệnh và áp dụng
Thuốc uống
Bài 1: Kinh giới, trúc diệp, mỗi vị 8g, kim ngân hoa, liên kiều, cam thảo, đậu xị, mỗi vị 10g, bạc hà, cát cánh, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g. Có thể dùng dưới dạng thuốc bột, hoặc thuốc sắc, ngày 1 thang, uống 3 lần. Dùng liền 2- 3 tuần lễ. Nếu dùng dưới dạng thuốc bột thì sau khi tán các vị thuốc trên thành bột mịn, trộn theo cách trộn bột kép, ngày 2-3 lần, mỗi lần 8-10g, uống với nước sôi để nguội. Uống liền 2-3 tuần. Khi uống cần kiêng các thức ăn tanh, cay nóng...
Bài 2: Gồm có các nguyên liệu: Kinh giới 25 gam, Chỉ xác 12 gam, Lá đơn tướng quân 15 gam, Sài đất 12 gam, Kim ngân hoa 12 gam, Cỏ nhọ nồi 10 gam, Núc nác 8 gam, Thổ phục linh 15 gam. Các nguyên liệu này bạn đem sắc với nước để uống, giúp cải thiện tình trạng ngoài da, giảm các dấu hiệu dị ứng, ngứa ngáy do bệnh gây ra. Bài thuốc này phù hợp với nhiều trường hợp bị dị ứng mẩn ngứa khi dùng các loại thức ăn gây dị ứng, các thực phẩm có nhiều protein lạ, nhất là protein trong các loại cá, tôm,…
Bài 3: Chuẩn bị các loại nguyên liệu như: Hương nhĩ tử 6 gam, Địa phu tử 6 gam, Bồ công anh 15 gam, Cúc hoa 9 gam, Kim ngân hoa 9 gam, Cam thảo 5 gam. Sắc các nguyên liệu trên với nước để uống. Các nguyên liệu này phù hợp với những trường hợp bệnh nhân bị ngứa, phát ban do phong nhiệt. Liều dùng của bài thuốc tùy theo tình trạng bệnh. Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc, thầy thuốc có thể chỉ định gia giảm các nguyên liệu cho phù hợp.
Bài 4: Đây là bài thuốc gồm các nguyên liệu: Kim ngân hoa 20 gam, Bồ công anh 10 gam, Cúc hoa 10 gam, Sinh địa 10 gam, Cam thảo đất 10 gam. Các loại thuốc này hợp thành một thang sau đó làm sạch và sắc với nước uống. Bài thuốc này còn gọi là Ngũ vị tiêu độc ẩm, khá phù hợp với những bệnh nhân ngứa, dị ứng do huyết nhiệt, mụn nhọt, mẩn ngứa.
Xông hơi thuốc khi bị chàm ngứa
Những trường hợp chàm ngứa, chỗ da bị ngứa thường day lên từng đám, thậm chí thâm tím lại, có nhiều mụn, và rất ngứa, đôi khi ảnh hưởng đến toàn thân: Kém ngủ, kém ăn, người gầy... tinh thần mệt mỏi, chán nản... Trường hợp này nên dùng phương pháp xông hơi thuốc đun sôi. Dược liệu là bèo cái (bỏ rễ), hoặc củ ráy dại (dã vu) gọt bỏ vỏ ngoài, thái mỏng, thổ phục linh (thái phiến), lá ba chạc, tất cả dùng dưới dạng tươi. Khi xông hơi cần tập trung hơi vào bộ phận bị bệnh bằng cách trùm miếng vải kín như cách xông cảm. Tuần lễ, xông 2-3 lần. Đồng thời dùng bài thuốc uống như trên.
Phương pháp chà xát
Thường dùng phương pháp này khi bị ngứa, mề đay mang tính cấp tính, khi thời tiết thay đổi hoặc do một nguyên nhân nào đó: Thức ăn, hơi, khí... trên người nổi đầy giát, ngứa, sưng... Dược liệu thường là kinh giới tươi hoặc khô đều được. Dùng bộ phận trên mặt đất của cây kinh giới, phần ngọn mang hoa (kinh giới tuệ), càng tốt. Đem kinh giới sao cho nóng già, gói vào mảnh vải gạc, hoặc mảnh lưới vó gai, càng tốt. Tiến hành chà xát khắp chỗ ngứa. Làm nhiều lần, sẽ giảm ngứa ngay.
Bài thuốc trên chỉ áp dụng cho các trường hợp dị ứng thông thường và mạn tính. Trong trường hợp người bệnh có các biểu hiện cấp tính như: Suy hô hấp, khó thở, sốc phản vệ,... cần đưa ngay tới các
cơ sở y tế để có hướng điều trị kịp thời.
Nguyễn Dung (t/h)