Bệnh viện Nhân dân 115: Triển khai hình thức cấp cứu bằng đường hàng không vào năm 2020

Admin
Trong năm 2020 tới, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ đưa khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao vào hoạt động.

Bước phát triển lớn

 

Theo TS.BS Phan Văn Báu – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, trong năm 2020 tới, bệnh viện sẽ đưa khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao và tổ chức cấp cứu bằng đường hàng không vào hoạt động. Việc này làm tiền đề để bệnh viện có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cấp cứu do ngành y tế TP giao.
 
Bệnh viện Nhân dân 115 tiền thân là Bệnh xá của Đoàn hậu cần 50 được thành lập từ năm 1969 và sau đó là Bệnh viện K52 với 130 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 7 y sĩ, 30 y tá và 4 trợ lý. Bệnh viện K52 có nhiệm vụ vô cùng nặng nề là thu dung và điều trị cho các chiến sĩ thuộc các đơn vị từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng, Bệnh viện K52 được đổi tên thành Viện Quân y 115 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Và đến năm 1989, Bộ Quốc phòng đã chuyển giao bệnh viện này cho UBND TP.HCM và được đổi tên thành Bệnh viện Nhân dân 115.
 
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đại diện trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho TS.BS Phan Văn Báu
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đại diện trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho TS.BS Phan Văn Báu 
 
TS.BS Phan Văn Báu nhớ lại: “Lúc mới thành lập, cơ sở vật chất rất hạn chế, bệnh viện chỉ có 200 giường bệnh, trang thiết bị cũ kỹ, chỉ có duy nhất 1 máy X-quang cũ, phần lớn trang thiết bị đã hết hạn sử dụng ; còn nhân viên y tế thì được 200 người. Những ngày đầu thành lập rất nhiều bỡ ngỡ, vất vả do phải thay đổi cả tư duy lãnh đạo, tư công việc và môi trường công tác”.
 
Sau 30 năm nỗ lực bền bỉ, đến nay Bệnh viện Nhân dân 115 đã trở thành bệnh viện đa khoa hạng I, tuyến cuối về chuyên môn, khoa học - kỹ thuật tuyến trung ương. Bệnh viện Nhân dân 115 trở thành bệnh viện có quy mô lớn nhất của TP.HCM, trong đó nhiều trung tâm chuyên sâu được trang bị máy móc hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Hàng năm, bệnh viện đều đạt chất lượng cao, đứng đầu trong các bệnh viện của ngành y tế TP. Chỉ tính riêng kỹ thuật tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và động mạch, bệnh viện đã thực hiện chuyển giao cho 60 trung tâm, đơn vị đột quỵ trên cả nước.
 
“Khởi điểm khi thành lập bệnh viện là rất thấp, nhưng với sự nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, của nhiều thế hệ thầy thuốc, viên chức, người lao động, đặc biệt là sự đoàn kết thống nhất của tập thể lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ. Đến nay, bệnh viện đã có cơ ngơi rộng mở nhiều lần, đội ngũ các nhà khoa học của bệnh viện được các nước trong châu lục và thế giới biến đến qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại được áp dụng thành công trong công tác khám, chữa bệnh”, Bác sĩ Báu chia sẻ.
 

Nhân rộng mô hình cấp cứu bằng đường hàng không

 

Trước đó, vào đầu tháng 11, chiếc trực thăng cấp cứu của lực lượng Không quân Việt Nam đã đáp trực tiếp thành công xuống bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Viện chấn thương Chỉnh hình (thuộc Bệnh viện Quân y 175). Đây là chuyến bay thử nghiệm nhằm đưa bệnh nhân cấp cứu bằng đường hàng không từ các nơi cứu nạn, cứu hộ đến trực tiếp tại Bệnh viện mà không phải qua sân bay Tân Sơn Nhất nhằm rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho người bệnh.
 
Cứu cứu đường hàng không nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh nguy kịch
Cứu cứu đường hàng không nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh nguy kịch
 
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, việc đưa vào sử dụng bãi đáp trực thăng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn từ các địa phương khác, nhất là từ biển đảo về bệnh viện. Nếu như trước đây, việc cấp cứu bằng đường hàng không, muốn đưa về  Bệnh viện Quân y 175 phải đến sân bay Tân Sơn Nhất rồi mới đưa về bệnh viện. Điều này sẽ mất thời gian khoảng 30 phút. Như vậy, với việc trực thăng đáp thẳng xuống bãi đáp của bệnh viện sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian trên. Điều quan trọng hơn là kịp thời cứu chữa được những bệnh nhân nguy kịch, nhất là còn trong thời gian vàng để điều trị, cứu sống.
 
Mô hình cấp cứu 2 bánh được người dân ủng hộ
Mô hình cấp cứu 2 bánh được người dân ủng hộ
 
Việc các cơ sở y tế lớn đặt mục tiêu trở thành trung tâm cấp cứu đường bộ, đường không và đường thủy sẽ tạo cơ sở để phát huy mạnh mẽ khả năng giải quyết tất cả các sự cố y tế cần thiết. Nhằm phát triển cấp cứu khu vực, phục vụ tốt nhất cho sức khỏe cán bộ và nhân dân.
 

Mô hình xe cấp cứu hai bánh

Theo PGS. TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM, mô hình xe cấp cứu 2 bánh là một trong nhiều loại hình xe cấp cứu trên thế giới đã sử dụng. Tại TP.HCM, trong các tình huống hẻm nhỏ, kẹt xe… mà có người cần cấp cứu thì lực lượng cấp cứu phải đến hiện trường nhanh, quan trọng nhất là sơ cứu ban đầu thì xe cấp cứu 2 bánh cũng là một phương án lựa chọn.
 
Từ thực tế thí điểm, Sở Y tế TP đã chấp nhận cho Bệnh viện Quận 2, Quận 1, Quận Thủ Đức, Quận 4 và cả Trung tâm cấp cứu 115 tham gia thử nghiệm, bổ sung loại hình xe cấp cứu 2 bánh cho các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện này. 

 
Như Quỳnh (t/h)