Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ là một trong những khoa uy tín nhất về điều trị hiếm muộn trên cả nước. Để thuận lợi nhất, các cặp vợ chồng có thể tham khảo kinh nghiệm đi khám hiếm muộn cụ thể trong bài viết.
Bệnh viện Từ Dũ được biết đến l
à bệnh viện đầu ngành về sản Phụ Khoa trên cả nước, là địa chỉ chăm sóc y tế tin cậy, đặc biệt chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em khu vực phía Nam. Trong khi đó, Khoa Hiếm muộn là một trong những khoa được thành lập sớm nhất của Bệnh viện Từ Dũ, cũng là khoa có tiếng tăm và uy tín trong điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam.
Khoa Hiếm Muộn - Bệnh viện Từ Dũ là một trong những địa chỉ khám chữa vô sinh, hiếm muộn uy tín nhất cả nước.
Địa chỉ của khoa hiếm muộn tại bệnh viện từ dũ
Khu M - Bệnh viện Từ Dũ.
Địa chỉ: 227 Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp.HCM.
Hiện nay, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ có hai phương thức khám chữa bệnh là khám theo bảo hiểm và theo dịch vụ. Bởi số lượng bệnh nhân đến khám ở bệnh viện rất đông, nên bạn có thể gọi điện đặt lịch trước bằng cách đặt lịch khám qua số (08) 1081 hoặc 1900 7234.
Chi phí khám tại khoa hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ:
Hiện nay Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ đã có thêm hệ thống khám dịch vụ. Một số chi phí khám và xét nghiệm dịch vụ VIP ở bệnh viện Từ Dũ như sau:
Khám tư vấn (vợ hoặc chồng): 500.000 vnđ
Khám và tư vấn (cả vợ và chồng): 750.000 vnđ
Khám và tư vấn thụ tinh ống nghiệm: 750.000 vnđ
Công chích: 100.000 vnđ
Tinh dịch đồ (nếu cần) : 470.000 vnđ
Siêu âm đầu dò âm đạo: 300.000 vnđ
Lọc rửa tinh trùng và bơm tinh trùng: 2.600.000 vnđ
Xét nghiệm hóoc môn sinh dục Testosterone: 150.000 vnđ
Siêu âm màu hội chẩn: 400.000 vnđ
thụ tinh nhân tạo (tức bơm tinh trùng) chi phí gồm thuốc men và chi phí khác: 10.000.000 vnđ
Thụ tinh trong ống nghiệm: khoảng 60.000.000 vnđ
Qui trình khám và chẩn đoán hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ
Thông thường, khi đi khám
vô sinh – hiếm muộn, bác sĩ sẽ yêu cầu khám cả vợ và chồng vì nguy cơ vô sinh có thể do một trong hai người hoặc cả hai.
1. Khám và tư vấn
Tại bàn tiếp nhận, người bệnh điền vào tờ đăng ký và được hỏi về các thông tin: Tên, năm sinh hai vợ chồng, địa chỉ, giấy chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn, thời gian vô sinh, para (tiền căn các lần mang thai trước đây), nguyên nhân đi khám… Sau khi đóng tiền, bệnh nhân chờ vào phòng khám.
Khi vào khám, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi và tư vấn các thắc mắc của bệnh nhân. Sau đó tùy trường hợp sẽ được chỉ định khám và làm các xét nghiệm cụ thể. Nếu đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hiếm muộn và đủ điều kiện điều trị, hai vợ chồng sẽ được làm hồ sơ bệnh. Lúc này, bệnh nhân sẽ được hỏi thêm thông tin và làm các xét nghiệm như: Khám phụ khoa, làm Pap’s; siêu âm; xét nghiệm máu hai vợ chồng; HIV, HbsAg, BW; HbeAg, AST, ALT (nếu HbsAg dương tính); tinh dịch đồ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm nội tiết vợ hay chụp HSG (chụp tử cung vòi trứng cản quang). Phụ nữ vô kinh, sảy thai nhiều lần… cũng được khám và làm các xét nghiệm phù hợp.
2. Xét nghiệm tinh trùng (Tinh dịch đồ)
Phân tích tinh dịch đồ.
Để làm tinh dịch đồ, người chồng phải âm tính với HIV và kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày. Nếu đủ tiêu chuẩn, bệnh nhân được phát lọ đựng, vào phòng lấy bên cạnh phòng Xét nghiệm Nam khoa lấy tinh dịch. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và tiểu sạch trước khi lấy mẫu. Cùng với đó là rửa sạch tay và dương vật với nước sạch, không dùng xà bông. Sau đó mở nắp lọ để nắp ngửa trên mặt bàn, không đụng vào phía bên trong lọ và nắp lọ. Bệnh nhân tự lấy (như thủ dâm). Lưu ý không được dùng bao cao su thông thường, không lấy mẫu bằng cách giao hợp. Sau khi lấy mẫu đem đến phòng xét nghiệm ngay. Nếu lấy mẫu ở nhà, giữ mẫu ấm, đem đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau khi lấy mẫu.
3. Chụp HSG (chụp tử cung-vòi trứng cản quang)
Thông thường thực hiện HSG khi hai vợ chồng đã làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và tinh trùng của người chồng bình thường hoặc yếu nhưng trong giới hạn đủ để bơm tinh trùng.
Hình ảnh tử cung-vòi trứng bình thường.
Chụp HSG được thực hiện khi sạch kinh 2 ngày (thường rơi vào ngày 7 vòng kinh). Bệnh nhân trước khi chụp được khám âm đạo – cổ tử cung lại và cho toa thuốc kháng sinh, giảm đau. Tuỳ kết quả HSG mà bệnh nhân sẽ được hẹn lần khám kế tiếp.
4. Xét nghiệm nội tiết
Thông thường người vợ sẽ được làm xét nghiệm nội tiết khi tuổi >= 34-35. Trường hợp bệnh nhân có vòng kinh đều sẽ làm xét nghiệm FSH, LH, Estradiol, thường thực hiện vào ngày 2 vòng kinh. Còn khi vòng kinh không đều, bệnh nhân sẽ được làm FSH, LH, Estradiol, Prolactin, Testosterone…
5. Khám tiền mê, hội chẩn mổ nội soi
Khi bệnh nhân đã làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và HSG cho kết quả tắc vòi trứng, tùy vào độ tuổi và tiền căn, bác sĩ sẽ tư vấn mổ nội soi. Hoặc có thể mổ nội soi khi siêu âm nhiều lần có u buồng trứng thực thể, polyp lòng tử cung… Sau khi nghe giải thích và quyết định mổ nội soi, bệnh nhân tái khám đăng ký mổ vào các buổi sáng từ thứ 2 - thứ 6. Vào sáng này, bệnh nhân được khám tiền mê. Chiều cùng ngày, bệnh nhân được hội chẩn và hướng dẫn nhận lịch mổ.
Tùy từng trường hợp, khám và làm các xét nghiệm tiền mê bao gồm: Mổ nội soi (vào buổi sáng, bệnh nhân tới bệnh viện để đo mạch,
huyết áp, đo điện tim, hỏi về tiến sử bệnh và khám tổng quát về tim, phổi…); Làm thụ tinh ống nghiệm(vào buổi sáng ngày được hẹn, bệnh nhân nhịn đói làm một số xét nghiệm bao gồm: Huyết đồ, xét nghiệm về đông máu; đường huyết, chức năng gan, thận, Albumin máu; tổng phân tích nước tiểu; đo điện tim …). Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được khám tương tự như trên.
Một số lưu ý khi khám hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ
Khi đi khám bệnh nhân cần lưu ý những điều sau để quá trình thăm khám nhanh chóng và thuận lợi nhất:
Nên đi khám cả hai vợ chồng.
Thông tin trên phiếu đăng ký nên chuẩn bị và được ghi đầy đủ.
Người chồng chỉ nộp Giấy thử tinh dịch đồ sau khi có kết quả xét nghiệm máu.
Người vợ sẽ chờ kết quả tinh dịch đồ của chồng để được tư vấn cùng một lúc hai vợ chồng.
Tất cả các xét nghiệm nộp tại bàn nhận bệnh, không nộp tại phòng khám.
Muốn điều trị hiếm muộn, hai vợ chồng nhất định phải có giấy đăng ký kết hôn.
Như Quỳnh (t/h)