Bệnh viện Từ Dũ: Sản phụ được nghe nhạc trong khi mổ

Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM triển khai chương trình "nghe nhạc trong khi mổ" giúp sản phụ lắng dịu tâm hồn, giảm đi lo âu trong lúc phẫu thuật...

“Nghe nhạc trong khi được mổ”

 

Ngày 6/11, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM thông tin việc triển khai chương trình “nghe nhạc trong khi được mổ”. Theo đó, những sản phụ sinh con bằng phương pháp gây tê để mổ, sản phụ sẽ được bệnh viện cho nghe nhạc bằng cách đeo tai phone, trong đó là các bản nhạc hòa tấu êm dịu. Đây là một trải nghiệm khá mới mẻ và đầy bất ngờ với các sản phụ đến Bệnh viện Từ Dũ sinh con bằng phương pháp mổ.
 
Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, việc cho sản phụ nghe nhạc qua tai phone giúp làm giảm tình trạng bất an – trạng thái dễ khiến sản phụ tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Đây là một trong những cải tiến mới nhằm đem đến trải nghiệm êm ái cho sản phụ sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ.
 
Bệnh viện Từ Dũ: Sản phụ nghe nhạc trong khi được mổ
Sản phụ được đeo tai phone nghe nhạc trong khi sinh mổ.
 
Khi con khóc chào đời, tai nghe sẽ được các bác sĩ tháo ra để mẹ có thể nghe thấy tiếng con khóc, biết con khỏe mạnh. Sau đó, khi con được “da kề da” với mẹ, âm nhạc sẽ được tiếp tục vang lên để mẹ an tâm vượt qua hết ca mổ.
 
Hiện nay, Bệnh viện Từ Dũ đã có 5 phòng mổ được trang bị tai nghe cho sản phụ khi phẫu thuật. Dự kiến sẽ có 15 tai nghe được trang bị. Sản phụ sẽ được tư vấn về việc sử dụng tai nghe nhạc khi mổ gây tê với các lợi ích của nó.
 

Âm nhạc trong cơn đau

 

Một nghiên cứu tại trường Đại học Drexel ở Philadelphia cho thấy, các liệu pháp chữa trị bằng âm nhạc có tác dụng tốt hơn các biện pháp thông thường với các bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, các nghiên khác cũng chứng minh rằng, âm nhạc như một liều thuốc giảm đau với các bệnh nhân hồi sức cấp cứu và bệnh nhân lớn tuổi.
 
Để lý giải nguyên nhân khiến âm nhạc có tác dụng giảm đau, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những âm thanh nhẹ nhàng, du dương làm giảm nồng độ các hormone gây căng thẳng và liên quan đến quá trình viêm như cortisol. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng giúp điều hòa protein gây viêm trong cơ thể cytokine; hỗ trợ sự phát triển của tế bào thần kinh mới trong não và tăng khả năng ghi nhớ.
 
Bệnh viện Từ Dũ: Sản phụ nghe nhạc trong khi được mổ
Âm nhạc được áp dụng như một phương pháp trị liệu tâm lý.
 
Nhóm nghiên cứu lưu ý, không phải tất cả các thể loại âm nhạc đều có tác dụng giảm đau, chẳng hạn như nhạc rock, gangster rap và K-pop. Để cải thiện sức khỏe, xoa dịu và làm thư giãn hệ thần kinh, loại nhạc bệnh nhân nghe phải được hòa âm một cách khéo léo, giai điệu không dồn dập, cường độ âm thanh phù hợp.
 
Việc áp dụng âm thanh trong lĩnh vực y tế không phải là mới. Bởi vào thập niên 1940, Mỹ chính thức áp dụng liệu pháp âm nhạc để điều trị sốc tâm lý cho những người lính trở về từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hiện nay, nhiều nhà trị liệu âm nhạc có trình độ cao – trong đó bao gồm 5.000 người Mỹ, đang làm việc tại các bệnh viện hoặc trại cai nghiện. Họ giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng, thư giãn và giảm nhận thức về cơn đau.
 
 
Như Quỳnh (t/h)