Đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị Whitmore nhưng bệnh dễ tái phát nghiêm trọng hơn

PGS.TS Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định hiện đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh Whitmore. Dù bệnh nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Hiện nay dư luận đang hết sức hoang mang trước thông tin hai trẻ là anh em ruột trong cùng một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội tử vong do mắc bệnh Whitmore chỉ trong vòng 2 tuần.
 
TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội khẳng định cơ quan chuyên môn đang tiến hành điều tra dịch tễ về hai ca bệnh và hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định hai bé lây bệnh cho nhau. Từ sự việc này, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là bệnh Whitmore có chữa được không và điều trị như thế nào?
 

Nhiều bệnh nhân được điều trị thành công


Thực tế trong thời gian qua, khắp cả nước đặc biệt tại các tỉnh thành phía Bắc đã phát hiện và điều trị thành công rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc Whitmore. Điển hình là nữ bệnh nhân P.T.S. (49 tuổi, ở Bắc Kạn) được đưa tới Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai hôm 28/9.
 
Bệnh Whitmore có thể chữa được nhưng dễ tái phát
Nữ bệnh nhân bị vi khuẩn gây bệnh Whitmore "ăn" hết cánh mũi đã xuất viện sau 1 tháng điều trị
 
Một tuần trước ngày nhập viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi đã có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời tại khớp cổ chân phải có một ổ áp xe lớn. Thăm khám ở tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 và được điều trị kháng sinh rocephin, vancomycin, metronidazol. Tuy nhiên bệnh tình không cải thiện nên gia đình chuyển bệnh nhân ra Hà Nội.

Dựa vào các dấu hiệu bệnh cảnh lâm sàng và kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã cho cấy mủ để tìm nguyên nhân. Sau 3 ngày, kết quả cấy mủ vết thương xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới cho biết, kết quả này đã buộc ê kíp bác sĩ phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị. Nữ bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa để theo dõi, phối hợp điều trị bệnh nền và giải quyết các tổn thương tại chỗ và chăm sóc vết thương hàng ngày để bảo tồn cánh mũi.

Sau 1 tuần điều trị tích cực, các dấu hiệu của bệnh thuyên giảm như không còn sốt cao, cánh mũi se lại, không còn chảy mủ. 3 tuần sau đó, bệnh nhân cắt sốt, sức khỏe ổn định, ăn ngon miệng trở lại, vết tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân được xuất viện ngày 19/9 trong niềm vu vỡ òa của gia đình.
 
Bệnh Whitmore có thể chữa được nhưng dễ tái phát
Ba bé trai mắc bệnh Whitmore nhầm với quai bị ở Nghệ An
 

Tương tự hồi giữ tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An tiếp nhận và điều trị cho 3 bé trai mắc bệnh Whitmore là: Nghiêm Thanh Tuấn, 14 tuổi (trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Hoàng Văn Cao, 10 tuổi (trú tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công Hào, 11 tuổi (trú tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).

Khai thác bệnh sử được biết các bệnh nhi có biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai, nhầm lần với quai bị trong một thời gian dài. Chỉ khi được cấy máu xét nghiệm, bác sĩ mới tìm ra nguyên nhân chính xác là do mắc bệnh Whitmore. Cả 3 bệnh nhi sau đó đều được điều trị tích cực và xuất viện.
 

Đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh Whitmore


Bệnh Whitmore là một dạng nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn tồn tại nhiều trong bùn, đất, nước ao hồ, ruộng nương... Vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua vết thương hở trên da và qua việc hít phải các hạt bụi mang vi khuẩn.
 
Bệnh Whitmore có thể chữa được nhưng dễ tái phát
PGS.TS Đỗ Duy Cường là người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân Whitmore

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, bệnh withmore không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Đây tuy là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao nhưng hiện đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Dù đã có kháng sinh điều trị nhưng bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa. Đặc biệt, bệnh Whitmore rất dễ tái phát, việc điều trị lại phức tạp và kéo dài. Do đó, người bị bệnh cần hết sức kiên trì điều trị để chữa triệt để, tránh tái phát, đặc biệt ở người có sức đề kháng kém, người mắc bệnh mạn tính. Một khi bệnh đã tái phát thường không có biểu hiện rõ ràng lại nghiêm trọng và khó điều trị hơn rất nhiều.

Bệnh không dễ dàng lây lan nên việc quan trọng nhất là người dân có ý thức phòng bệnh. Khi làm ruộng nương cần mang trang phục bảo hộ như gang tay, áo mũ. Trên cơ thể nếu có vết trầy xước, vết thương hở thì cần được sát trùng tốt, tránh tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn...
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/18/de-chan-doan-nham-benh-Whitmore_18112019172905.mp4[/presscloud]
Dễ chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore. Video: VTV24
 
 
Hà Ly (t/h)