Không phải lúc nào lòng tốt cũng nhận được đền đáp xứng đáng. Suốt 10 năm chạy xe cấp cứu miễn phí và cấp áo quan cho người nghèo, anh Hóa nhiều khi vẫn bị hiểu nhầm, chửi bới, đe dọa và thậm chí là đánh đập.
Cứ thấy người gặp nạn là sẵn sàng cứu giúp
Suốt bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến cái tên Lương Văn Hóa (41 tuổi, ngụ ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát,
Bình Dương) là người dân địa phương đều nhớ đến nghĩa cử cao đẹp, nhân nghĩa của anh. Trải qua 10 năm ròng rã, anh Hóa đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến xe từ thiện, đưa người bị tai nạn đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, cứu thoát biết bao bệnh nhân khỏi tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhiều trường hợp người gặp nạn chẳng có tí tiền bạc hay người thân nơi thị thành, người đàn ông 41 tuổi vẫn sẵn sàng đưa tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Những chuyến xe từ thiện 0 đồng chẳng mang lại được cho anh chút lợi lộc nào, nhưng anh cùng những người đồng chí hướng vẫn nhiệt tình, sôi nổi với mong ước và tâm huyết chung. Nhiều người chê anh gàn dở, thích lo chuyện bao đồng, rảnh rỗi quá không có việc gì làm nên mới đi mua việc vào người. Nghe những lời đó, anh Hóa chẳng buồn, cũng không để trong lòng mà chỉ cười: “Người ta chỉ tìm đến mình khi chẳng còn đồng nào dính túi, chứ dư giả thì họ không cần mà mình cũng chẳng giúp. Do đó, mình cũng không cạnh tranh với ai, đơn giản là chỉ muốn giúp đời, giúp người khác trong lúc khó khăn khốn cùng mà thôi”.
Nhiều trường hợp người gặp nạn chẳng có tí tiền bạc hay người thân nơi thị thành, người đàn ông 41 tuổi vẫn sẵn sàng đưa tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Được biết, nhóm
từ thiện Lương Hóa Bình Dương do anh lập ra đến nay đã có khoảng 10 thành viên. Nhóm chuyên hoạt động trên địa bản tỉnh Bình Dương và một số tỉnh lân cận. Họ chuyên nhận chở bệnh nhân đi cấp cứu miễn phí, chở những mảnh đời khó khăn không may gặp nạn đến viện chữa trị kịp thời. Nhờ những nghĩa cử cao đẹp và tinh thần không ngại gian nan trước những người gặp nạn, anh Hóa cùng nhóm của mình đã giúp đỡ biết bao trường hợp éo le mà họ vô tình gặp trên đường. Chẳng cần biết đối phương là ai, đến từ đâu, hễ thấy người gặp nạn là nhóm anh Hóa sẵn sàng cứu giúp. Trung bình mỗi tháng, anh Hóa đã trợ giúp khoảng 20 đến 30 vụ tai nạn.
Không chỉ chở bệnh nhân đến viện miễn phí, những trường hợp nạn nhân không may qua đời, không tiền không thân nhân bên cạnh, nhóm anh Hóa còn hỗ trợ chở thi hài nạn nhân về quê. Không những thế, người đàn ông 41 tuổi còn mở trại hòm và tặng áo quan cho những tang gia có hoàn cảnh nghèo khó. Anh Hóa cười xuề xòa: “Lái ô tô ra đường, cứ thấy người gặp nạn là mình đưa luôn lên xe. Nhiều lần như vậy thành quen, nên mình trang bị thêm đèn, băng ca, tủ thuốc, bình oxy rồi đăng ký chạy cấp cứu luôn. Lúc đầu thì tung hoành một mình một ngựa, sau này có an hem góp tiền, góp sức nên càng đông, càng mừng hơn”.
Trung bình mỗi tháng, anh Hóa đã trợ giúp khoảng 20 đến 30 vụ tai nạn.
Lòng tốt bị ghen ghét, hiểu lầm nhưng vẫn không từ bỏ
Trên đời không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ. Cứ ngỡ rằng làm việc tốt, chẳng gây tổn hại đến ai thì sẽ được mọi người ủng hộ, giúp đỡ. Thế nhưng, anh Hóa cùng nhóm của mình không thể ngờ được, chuyện mình chở
cấp cứu miễn phí, tặng hòm và áo quan cho tang gia khó khăn cũng gặp phải sự ganh ghét, đố kỵ từ những con người kinh doanh dịch vụ. Không biết bao nhiêu lần, anh Hóa cùng nhóm từ thiện Lương Hóa Bình Dương bị người khác hăm dọa, chửi bới. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, anh Hóa lại không ngừng thắc mắc: “Rõ ràng mình không hề cạnh tranh với ai, mình không có ý định kiếm tiền hay cướp miếng cơm của họ. Mình chỉ muốn giúp đỡ những người cần trong hoàn cảnh khốn cùng mà thôi. Nhìn người khác gặp nạn ngay trước mắt, làm sao mà mình có thể cầm lòng nổi”.
Tuy nhiên, mới gần đây, nhóm của anh Hóa lại một lần nữa bị hăm dọa. Anh Hóa Kể lại: “Bữa đó, mấy an hem trong nhóm đang ngồi ở trại hòm, bất ngờ có 5 người đàn ông không biết từ đâu hùng hổ xông vào chửi bới rồi đánh một thành viên trong nhóm. Họ còn cảnh cáo nhóm là không được giành chén cơm của họ. Mình thực sự thấy rất lo cho bản thân, lo cho anh em. Lòng tốt của nhóm mình không được nhiều người công nhận, trong khi biết bao trường hợp nghèo khó khác đang cần tới…”. Anh nhiều lần tự hỏi bản thân: “Làm người tốt sao mà khó quá”. Thế nhưng, anh Hóa cũng nhanh chóng quên đi những chuyện không vui, cười tự nhiên với mọi người: “Nếu không giúp người ta, mình lại chịu không nổi. Nó khiến mình khó chịu, bứt rứt hơn cảm giác lo sợ kia nhiều”.
Anh Hóa còn dành thêm sức để đi theo các đội "hiệp sĩ" ở Bình Dương truy bắt cướp.
Nhóm của anh Hóa luôn trực điện thoại 24/24, cứ khi có người cần là tức tốc lên đường. Mỗi anh em một ngành nghề khác nhau, thế nên ai chạy được giờ nào thì chạy. Đối với những ca bệnh khó khăn, cần số tiền lớn hay người mất cần về quê xa, nhóm sẽ vận động quyên góp, giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm. Anh Hóa nhớ lại, có trường hợp hai cha con nương tựa vào nhau, cùng nhau lặn lội từ miền Tây lên Bến Cát (Bình Dương) ở trọ và đi làm. Khi ấy, người con trai bị bệnh nặng, cố gắng chống chọi trong bệnh viện được một thời gian thì trút hơi thở cuối cùng. Ngày con trai mất, người cha thẫn thờ, móc hết túi chỉ còn còn vỏn vẹn 40.000 đồng. “Nghe tin, mình chạy đến nơi mà không cầm nổi nước mắt…”, anh Hóa giọng bỗng nhỏ lại.
Biết bao trường hợp anh tận mắt chứng kiến, từ một tang gia quá bi đát ở trọ tại Bàu Bàng (Bình Dương) đến người mẹ sụp đổ, ngã quỵ vì con gái trầm cảm, đâm chết chồng rồi tự sát… đều khiến anh ấn tượng đến mức ám ảnh. Tất cả những mảnh đời bất hạnh mà anh gặp trong suốt 10 năm ròng rã đi làm từ thiện càng khiến anh thêm thấm thía hơn ý nghĩa của cuộc sống, về trọng trách xã hội mà mình cùng nhóm Lương Hóa Bình Dương đang cáng đáng.
Cho đến nay, dù đã 41 tuổi xuân trôi qua nhưng anh Hóa vẫn không lấy vợ, chỉ sống cùng mẹ già. Chứng kiến nhiều sự ra đi quá đau thương, có người tới tận lúc chết vẫn chẳng đủ tiền để lo được một chuyến xe về với đất mẹ, anh càng thêm xót xa về cuộc sống ở đời. Do đó, anh chỉ hi vọng sao mình luôn cho đi khi còn có thể, bản thân luôn có sức khỏe tốt để giúp ích cho đời mà không mong gì đến việc đền đáp. Hàng ngày, công việc chính của anh Hóa là kinh doanh nhà nghỉ. Công việc không quá bận rộn nên hầu hết thời gian anh Hóa đều làm từ thiện, còn dành thêm sức để đi theo các đội "hiệp sĩ" ở Bình Dương truy bắt cướp. Ngoài ra, anh còn là thành viên tích cực trong những chuyến thiện nguyện của câu lạc bộ mô tô Bình Dương. Tại nhà anh Hóa, những bằng khen, giấy khen của của Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an tỉnh, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ lắm về hoạt động xã hội, bảo vệ anh ninh quốc gia… treo la liệt, đủ thấy việc làm của anh tốt đẹp cỡ nào.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
Thùy Nguyễn (t/h)