Các mẹ lo lắng cho trẻ uống vitamin A về bị nôn ói, bác sĩ nói gì?

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin, các mẹ cảnh báo việc cho con đi uống vitamin A miễn phí rồi bị nôn ói. Lý giải chính xác từ các bác sĩ.

Không có chuyện ngộ độc vitamin A

 
Ngày 1/12 vừa qua, tại nhiều trạm y tế xã, phường trên cả nước diễn ra đợt bổ sung vitamin A liều cao dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi lần 2 trong năm 2019.

Một số mẹ sau khi cho con đi uống vitamin A về đã "cảnh báo" rằng con gặp tác dụng phụ với biểu hiện phổ biến là nôn trớ khiến các mẹ bỉm sữa khác vô cùng hoang mang.

Điển hình, một bà mẹ có tên D.H chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng em bé nhà chị 8 tháng tuổi được cho uống vitamin A lúc 9h sáng đến 7h tối bé bắt đầu nôn, nôn rất nhiều dù tình trạng sức khỏe trước đó rất tốt, không hề bi ho hay viêm họng.
 
Các mẹ lo lắng cho trẻ uống vitamin A về bị nôn ói, bác sĩ nói gì?
Một bà mẹ chia sẻ trên mạng xã hội con bị nôn trớ sau khi uống vitamin A
 
"Em hoảng quá cho con vào viện luôn vì em nghĩ hay do mình cho con ăn tối là cháo thịt bò cà chua bị ngộ độc chứ không nghĩ gì đến việc uống vitamin A nhé. Bác sĩ cho đi siêu âm thì kết quả bình thường. Lúc đang ngồi chờ bác sĩ kết luận thì cũng gặp một mẹ có bé cùng tháng tuổi với bé nhà em sau một lúc nói chuyện thì hóa ra là 2 bé bị giống nhau. Bác sĩ kết luận do ngộ độc vitamin A vì uống quá liều. Em là cạch mặt vitamin A luôn nhé", bà mẹ viết.

Ngoài trường hợp của con chị D.H, rất nhiều trường hợp khác lên mạng xã hội "than phiền" về việc con uống vitamin A xong có biểu hiện tương tự như sốt, ăn vào là nôn.

Được biết, loại vitamin A được dùng trong chiến dịch bổ sung vi chất dinh dưỡng quốc gia 2 lần trong năm có 2 dạng: dạng 100.000 đơn vị và 200.000 đơn vị. Trường hợp gây ngộ độc ở trẻ em chỉ khi sử dụng trên 300.000 đơn vị. Do vậy, không có chuyện trẻ uống vitamin A miễn phí về bị ngộ độc như lan truyền trên mạng xã hội.
 
Các mẹ lo lắng cho trẻ uống vitamin A về bị nôn ói, bác sĩ nói gì?

Một trường hợp hy hữu khác có thể gây ngộ độc cho trẻ là khi trẻ đã được cho uống vitamin A hàng ngày. Nếu trẻ tiếp tục uống vitamin A miễn phí liều cao vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm thì có khả năng cao bị ngộ độc.

Trả lời về vấn đề này, BS Đỗ Tiến Sơn - phụ trách chuyên môn của trang Chăm con chuẩn Mỹ khẳng định: Uống vitamin A liều cao mỗi 6 tháng 1 lần tại phường, xã không gây quá liều vitamin A.

Nếu có, trẻ có thể gặp một số biểu hiện tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua như: khó chịu, quấy, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn hoặc thóp đầy (ở trẻ còn thóp). Bác sĩ cảnh báo, các tác dụng phụ này hiếm gặp nhưng nó lại trùng lặp với các dấu hiệu của bệnh nặng như viêm màng não, chấn thương sọ não... Vì thế, khi con có các biểu hiện trên, bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tương tự, bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo một trong số các tác giả tham gia viết cuốn "Chat với bác sĩ" khẳng định: "Các nghiên cứu cho thấy, ngoài tác dụng phụ có thể tăng nguy cơ nôn ói của trẻ trong 48 giờ sau khi uống, các tác dụng phụ nguy hiểm khác hầu như không có ý nghĩa. Từ khi áp dụng bổ sung vitamin A mỗi năm 2 lần ở Việt Nam, chưa một trường hợp ngộ độc nào được ghi nhận".
 

Lợi ích khi bổ sung vitamin A cho trẻ


Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ. Nếu thiếu hụt vitamin A trẻ sẽ bị chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, khô mắt dẫn tới mù lòa.

Có thể hiểu, vitamin A có hai vai trò chính trong cơ thể. Thứ nhất, vitamin A tham gia vào chức năng thị giác, tránh hiện tượng quáng gà ở trẻ. Hiện tượng quáng gà ở trẻ xảy ra vào thời điểm chập tối với biểu hiện trẻ thường nhút nhát, chỉ ngồi một chỗ, không dám đi hoặc nếu đi thì dễ bị ngã, đi lại khó khăn, dễ va chạm.
 
Đồng thời, vitamin A tham gia giúp bảo vệ các biểu mô giác mạc, biểu mô dưới da, niêm mạc khí quản, niêm mạc ruột non, các tuyến nước bọt và tinh hoàn,... tránh hiện tượng da khô và sừng hóa. Thứ hai, vitamin A đóng vai trò tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi khuẩn nguy hiểm. Nếu thiếu vitamin A, cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng như sởi, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy, đặc biệt là các bệnh uốn ván, lao... dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.
 
Các mẹ lo lắng cho trẻ uống vitamin A về bị nôn ói, bác sĩ nói gì?
Ảnh minh họa: VTV

Để bổ sung vitamin A cho trẻ có nhiều cách. Uống vitamin A, đối với trẻ 6 – 12 tháng tuổi cho uống 3 – 4 giọt vitamin A (nửa viên). Cuối cùng cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng. Đối với trẻ 12 – 23 tháng tuổi, cho uống cả viên, sau đó cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng. Đối với trẻ trên 24 tháng tuổi thì cho trẻ nhai hoặc nuốt viên nang vitamin A rồi cho trẻ uống nước.

Mỗi viên nang chứa khoảng 6 – 8 giọt dịch vitamin A. Nếu cắt sát đầu núm thì có thể bóp ra được 6 – 8 giọt, nếu cắt ở giữa đầu núm thì được khoảng 6 giọt. Sau uống cần theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 2 ngày để xử trí các trường hợp có tác dụng phụ.
 
Ngoài ra, trong chế độ ăn hàng ngày, cha mẹ chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A cho trẻ như: rau màu xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống, rau xà lách, rau diếp), các loại củ quả có màu đỏ, vàng (gấc, bí đỏ, hồng, xoài, đu đủ). Lưu ý, loại vitamin này chỉ tan trong dầu nên trong chế độ ăn của trẻ cần có dầu mỡ thì trẻ mới hấp thu được vitamin A.

Không chỉ tại Việt Nam, tài liệu của Tổ chức y tế thế giới WHO nêu rõ, bổ sung vitamin A giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và được khuyến cáo bổ sung cho trẻ sơ sinh và trẻ em 6–59 tháng ở các quốc gia nằm trong nhóm có nguy cơ thiếu vitamin A. WHO cũng khẳng định bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ không gây ra bất kì tác dụng phụ đáng kể nếu bổ sung đúng đối tượng và đúng liều lượng.

Trước đây, từng có một số thử nghiệm bổ sung vitamin A cho trẻ 6–59 tháng tuổi có tìm thấy tác dụng phụ nhưng ở mức nhẹ và thoáng qua như khó chịu, đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Dù vậy, các chuyên gia khẳng định tác dụng phụ được ghi nhận là rất nhẹ, hiếm gặp và không đáng kể khi so sánh với những lợi ích ngăn ngừa nguy cơ mù lòa và tử vong khi trẻ được bổ sung vitamin A.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/12/02/20-thuc-pham-giau-vitamin-a-2_02122019100548.mp4[/presscloud]
Một số thực phẩm bổ sung vitamin A
 
 
Hà Ly (t/h)