Con trai đầu lòng của Ngọc Mai (27 tuổi, Quảng Trị) mới 5 tháng tuổi, mắc viêm gan B cấp tính. Da em bé vàng vọt, chậm tăng cân, chướng bụng. Bé chưa phải dùng thuốc, song thường xuyên quấy khóc, mệt mỏi.
Mai cho biết bé chưa được tiêm vaccine phòng viêm gan B khi chào đời do gia đình chưa chú ý chủng ngừa cho con. Hiện, gia đình đang tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh cho em bé.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết trẻ sơ sinh có thể nhận được kháng thể truyền từ mẹ trong lúc mang thai và cho bú, nếu người mẹ đã chích ngừa đầy đủ. Tuy nhiên, lượng kháng thể này không đủ để bảo vệ em bé trước vô vàn mầm bệnh trong môi trường. Bệnh ở trẻ nhỏ thường dễ trở nặng, để lại di chứng, cản trở sự phát triển về thể chất, trí não và tinh thần. Do đó, gia đình nên cho con chích ngừa đầy đủ để có sức khỏe tốt, lớn lên khỏe mạnh.
Vaccine viêm gan B
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trẻ nhỏ lây trực tiếp từ mẹ bị viêm gan B có nguy cơ 90% chuyển mạn tính, tiến triển gây xơ gan, ung thư gan cao. Thống kê cho thấy 30% người mắc viêm gan B mạn tính sẽ tiến triển thành xơ gan, 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan.
Việt Nam nằm trong khu vực virus gây bệnh lưu hành mạnh. Do đó, em bé mới sinh bắt buộc chủng ngừa viêm gan B. Vaccine viêm gan B giúp ngăn ngừa tới 95% nguy cơ nhiễm bệnh, được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi ra đời, sau đó bổ sung khi 6 tuần tuổi và các mốc thời gian tiếp theo.
Vaccine lao sơ sinh
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong hai năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Người dân đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.
Việc tiêm vaccine phòng lao muộn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến em bé nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do hệ miễn dịch còn yếu ớt. Các thể lao hạch, lao màng bụng, lao da, lao xương, lao khớp, lao màng não, lao màng tim... có tỷ lệ tử vong cao. Nếu may mắn được cứu sống, trẻ vẫn phải chịu những di chứng về thần kinh, vận động, tổn thương đa cơ quan...
Vaccine có hiệu quả phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ đến 70%. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine phòng lao cho em bé trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh, trong đó thời gian vàng để chủng ngừa là 24 giờ sau sinh. Trẻ chỉ cần chích một mũi duy nhất trong suốt đời.
Vaccine 6 trong 1
Ở 6 tuần tuổi, trẻ được chích vaccine phối hợp 6 trong 1 để phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và Hib. Mũi tiêm cũng giúp giảm biến chứng nặng khi mắc bệnh, để trẻ phát triển khỏe mạnh. Vaccine có phác đồ 4 liều, em bé tiếp tục chích ba mũi còn lại lần lượt vào 3 tháng, 4 tháng và 16-18 tháng tuổi, cần hoàn thành đủ phác đồ trước 2 tuổi.
Hiện, số ca mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib ở trẻ nhỏ đã thuyên giảm đáng kể nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chính, các bệnh này vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn mà vẫn bùng phát lẻ tẻ và có thể quay lại. Vì vậy, gia đình cần cho trẻ chích ngừa đúng, đủ lịch.
Vaccine ngừa phế cầu khuẩn
Phế cầu, tên khoa học Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân gây hàng loạt bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê năm 2015, toàn cầu có khoảng 8,9 triệu ca viêm phổi do phế cầu, trong đó, 257.000 ca tử vong ở nhóm dưới 5 tuổi.
Bác sĩ Chính cho biết, các bệnh do phế cầu trước đây chỉ xuất hiện ở trẻ lớn nhưng nay cũng xảy ra ở nhóm 2-3 tháng tuổi. Do đó, trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên nên chủng ngừa phế cầu để bảo vệ hệ hô hấp. Vaccine phế cầu hiệu quả 97% ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn, 49% ngừa nhiễm virus hô hấp khác, ngoài ra giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh do virus phế cầu gây ra.
Hiện vaccine phế cầu 10 được chỉ định cho em bé từ 6 tuần đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau, còn loại phế cầu 13 dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người trưởng thành.
Vaccine Rotavirus
Rotavirus là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Do đó, vaccine ngừa virus này được bào chế ở dạng uống, gồm hai đến ba liều (tùy loại vaccine) cách nhau một tháng.
Tại Việt Nam, virus gây bệnh có thể lây lan dễ dàng ở trẻ nhỏ, gây tiêu chảy nặng, nôn mửa, sốt và đau bụng. Trẻ có thể ăn kém, sụt cân, chậm lớn hoặc gặp biến chứng nặng khác.
Vaccine Rotavirus ngăn chặn nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp. Em bé cần được uống liều đầu tiên lúc 6 tuần tuổi, các liều cách nhau một tháng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cứ 10 trẻ chủng ngừa thì có 9 trẻ được bảo vệ khỏi các tình trạng sốt, nôn mửa, tiêu chảy; 7 đến 8 trẻ không mắc bệnh. Hiện có ba loại vaccine Rotavirus, độ tuổi tối đa được sử dụng là 6 hoặc 8 tháng tuổi, chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ.
Mộc Thảo