Đây là cuộc phẫu thuật ngắn, chỉ kéo dài trong khoảng 15 - 20 phút, thời gian nằm viện 24 giờ. Ngay sau khi ra viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.
Bệnh lý thường gặp
Són tiểu (hay tiểu són) là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài không tự chủ, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, gây khó chịu, dẫn tới nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Ở phụ nữ, chứng són tiểu xảy ra khi cổ bàng quang hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) không đóng kín. Thường là do cơ và tổ chức liên kết nâng đỡ xung quanh niệu đạo bị nhão, yếu do lớn tuổi, suy yếu cơ sàn chậu phụ nữ mang thai và sinh con nhiều lần, thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh…
Theo BS Nguyễn Hòa – Giám đốc Trung tâm Sàn chậu,
bệnh viện Phụ sản Trung ương, khoảng 20% phụ nữ mắc chứng bệnh này. Trong đó đối tượng thường gặp nhất là phụ nữ sau sinh nở; người trong độ tuổi mãn kinh; người già ngoài 70 tuổi… Ở phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi, tình trạng mắc bệnh không nhiều, chỉ khoảng dưới 5%.
Tỷ lệ phụ nữ mắc chứng són tiểu nhiều hơn nam giới.
So với phụ nữ, nam giới ít mắc són tiểu hơn do sự khác nhau của cấu trúc giải phẫu cơ thể. Một trong những nguyên nhân chính gây chứng són tiểu ở nam giới là bàng quang tăng hoạt động (OAB). Điều này xảy ra khi cơ bàng quang bị kích thích co bóp quá mức gây són tiểu, không thể kìm nén được nước tiểu. Tình trạng thường gặp ở những người bị phì đại tuyến tiền liệt; béo phì; căng thẳng thường xuyên; sử dụng nhiều bia rượu; cà phê; thuốc lá hoặc bị táo bón dài ngày… Ngoài ra, thiểu năng cơ thắt là nguyên nhân khá phổ biến gây són tiểu ở nam giới, thường gặp sau mổ u tuyến tiền liệt.
Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau: sử dụng thuốc, phẫu thuật, thảo dược và các bài tập giúp kiểm soát hoạt động của bàng quang. Nếu việc sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng một số liệu pháp can thiệp hay phẫu thuật như treo cổ bàng quang hoặc tạo cơ vòng bàng quang nhân tạo.
Phương pháp hiệu quả trong điều trị són tiểu
Bs Nguyễn Hòa thông tin, hiện nay trên thế giới áp dụng nhiều phương pháp điều trị són tiểu, tuy nhiên, TOT (Trans Obturateur Tape) – phẫu thuật đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt là giải pháp phổ biến và đem lại hiệu quả cao nhất.
Theo đó, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ (0,5cm) ở thành trước âm đạo, sau đó luồn dải băng tổng hợp đỡ phần sau niệu đạo, dưới cổ bàng quang nhằm tạo ra một vùng đệm chắc chắn thay thế cho phần cơ đã nhão, yếu. Khi người bệnh có hoạt động gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên sẽ ép niệu đạo vào vùng này, làm bịt tắc lòng niệu đạo, giúp chặn lại dòng tiểu són ra. Tấm lưới này có tính tương thích cao với cơ thể; nhanh chóng được mô hóa, trở thành một phần của cơ thể và bệnh nhân không hề thấy vướng, khó chịu.
TOT, phương pháp đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua 2 lỗ bịt.
Điểm đặc biệt, đây là một
phẫu thuật ngắn, chỉ kéo dài trong khoảng 15-20 phút; thời gian nằm viện 24 giờ. Ngay sau khi ra viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Để đảm bảo phẫu thuật đặt dải băng tổng hợp đạt hiệu quả cao nhất, trong 2 tuần đầu bệnh nhân không nên tham gia những hoạt động thể lực nặng hoặc chơi thể thao; kiêng sinh hoạt vợ chồng trong 1 tháng sau mổ.
Theo các bác sĩ, phương pháp này có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ sau sinh, thời điểm giai đoạn hậu sản kết thúc, tình trạng són tiều cũng không còn. Bởi vậy, sản phụ nên theo dõi kỹ lưỡng, chỉ nên đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo hoặc các phương pháp điều trị chứng bệnh són tiểu khác khi chắc chắn nguyên nhân gây bệnh.
TOT là phương pháp đem lại hiệu quả Kinh tế - Y tế với hiệu quả khỏi bệnh rất cao, ít xâm hại, ngày nằm viện ngắn, chi phí ít.Theo đó, chi phí của TOT bằng 1/3 giá của phẫu thuật Burch trong điều tri ngoại khoa són tiểu kinh điển, rẻ hơn so với chi phí điều trị nội khoa són tiểu không tự chủ trong 1 năm và chỉ bằng 1/60 giá của phương pháp sử dụng van niệu đạo nhân tạo (The Artificial Urinary Sphincter) trong điều trị són tiểu. |
Như Quỳnh (t/h)