Hai phương pháp lọc Styren trong nước
Những ngày qua, thông tin nguồn nước sinh hoạt tại nhiều khu vực dân cư phía Nam Hà Nội khiến người dân vô cùng hoang mang. Nguồn nước sử dụng trực tiếp trong sinh hoạt, ăn uống bị ảnh hưởng chắc chắn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trước thực trạng này, người dân đang hết sức quan tâm làm cách nào để lọc styren trong nước, máy lọc nước hộ gia đình có lọc sạch được nước nhiễm dầu thải hay không?

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) có hai cách để lọc styren trong nước là sử dụng than hoạt tính dạng hạt (GAC) hoặc phương pháp sục khí qua tháp nén.
Phương pháp thứ nhất sử dụng than hoạt tính là vật liệu rắn nhờ cấu trúc mao quản nhiều cỡ (nhỏ, trung bình, lớn) nên có khả năng hấp thụ đa năng. Đặc biệt, mao quản nhỏ của than hoạt tính có tác dụng hấp thụ tốt phân tử nhỏ của chất dễ bay hơi như styren. Than hoạt tính dạng hạt được sử dụng phổ biến trong hệ thống máy lọc nước hay xử lý nước gia đình đều có khả năng lọc styren.
Trong hệ thống xử lý nước tại hộ gia đình, than hoạt tính dạng hạt thường được bố trí nằm giữa các tầng lọc. Nước thường được bố trí từ vòi chảy thành dạng mưa phun qua lớp cát trên cùng, giúp lọc sơ các loại bụi bẩn, sinh vật, phèn. Sau đó, nước chảy sẽ thấm qua lớp than hoạt tính. Tại lớp này, than hoạt tính sẽ hấp thụ styren cùng các chất hữu cơ độc hại và vi sinh vật nguy hiểm, đồng thời trung hòa khoáng chất khó hoàn tan trong nước. Qua lớp than hoạt tính, nước tiếp tục thấm qua lớp cát thứ hai, lớp sỏi nhỏ và lớp sỏi lớn nhất trước khi đi ra bể chứa nước sạch.

GS Bôi cho biết: "Với các tạp chất này phải xử lý trước khi vào khu xử lý của nhà máy như ngăn nguồn, dùng các thiết bị chuyên dùng... Còn các máy lọc nước nếu muốn xử lý phải có bộ hấp thụ đặc biệt để hấp thụ màu, các chất...".
Con người có thể bị phơi nhiễm styren như thế nào?
Theo GS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), styren là một hóa chất dạng lỏng, được sử dụng phổ biến trong sản xuất nhựa, cao su, sợi thủy tinh, hộp đựng thức ăn... Với hàm lượng styren trong nước vượt ngưỡng đến 3,6 lần, tới mức có thể ngửi thấy mùi lạ chắc chắn gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, để biết chính xác mức độ gây hại ra sao cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cảnh báo, con người rất dễ bị phơi nhiễm với styrene tại nơi làm việc, ở ngoài môi trường và ở nhà. Bởi chất này có trong khí thải phương tiện giao thông, khói thuốc lá, nước uống, thực phẩm...
Theo Tổ chức y tế thế giới, mức phơi nhiễm trong cộng đồng thường khoảng 40 µg/người/ngày đối với những người không hút thuốc lá và không sống ở khu có sản xuất công nghiệp. Những người hút thuốc lá bị phơi nhiễm styren nặng tới 500 µg/ngày nếu hút 10-20 điếu thuốc.
Nguy cơ phơi nhiễm styren từ thực phẩm khoảng 5 µg/ngày do ăn các thực phẩm đựng trong các đồ hộp làm từ polystyrene như hộp xốp dùng 1 lần, còn phơi nhiễm từ nước uống thì rất nhỏ. Khi ăn uống, hít thở vào, chất này dễ dàng hấp thụ vào máu và sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể, chủ yếu qua đường nước tiểu.