Nuôi hơn 20 công nhân thất nghiệp suốt 3 tháng qua
Ở Việt Nam luôn tồn tại những điều bình dị dễ thương nhất xuất phát ngay từ cuộc sống hàng ngày. Càng trong khó khăn, tình thương cộng đồng càng trở nên thắm đượm hơn bao giờ hết. Chẳng hạn như trong những ngày cả nước đang đồng lòng chống dịch COVID-19, ở một góc nhỏ nào đó tại các tỉnh thành vẫn có những hộp cơm miễn phí, những món quà thiết thực, những siêu thị 0 đồng dành tặng cho người nghèo. Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương, nhiều người dân cũng đã góp phần hỗ trợ người nghèo bằng công sức của mình.

Trong số những “mạnh thường quân” giúp đỡ những người thất nghiệp do dịch COVID-19, chắc chắn không thể không kể đến cái tên Nguyễn Thị Kim Hưởng (37 tuổi, quê Hậu Giang). Gần 3 tháng qua, chị Hưởng chính là người chăm sóc, cưu mang, lo ăn ở cơm nước miễn phí cho hơn 20 công nhân là thợ làm đá, cửa nhôm kính, thợ hồ... không có việc làm trong thời điểm dịch bệnh. Nơi tạm trú cho hơn 20 công nhân thất nghiệp từ đầu tháng 2 nằm sâu trong con hẻm 3B, căn nhà số 7 đường Mai Xuân Thưởng, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang. Căn nhà chỉ vẻn vẹn chừng 40 m2 nhưng lại là mái ấm chung, nơi che nắng che mưa cho những con người đồng cảnh ngộ.
Hầu hết những người ở đây là công nhân tại các công trình ở địa phương. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, các công trình buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Đồng lương đã ít ỏi lại còn phải gửi về quê cho gia đình trang trải cuộc sống, suốt 3 tháng không có việc làm khiến nhiều người phải ra công viên, bờ biển tá túc tạm bợ. Bên cạnh đó, xe cộ không lưu thông nên nhiều người muốn về nhà cũng không được. Một số người thì cố gắng bám trụ lại thành phố sống qua ngày, ai kêu gì làm đấy để vớt vát chút tiền tiêu, từ đi biển đến bốc bác, chỉ cần có việc họ đều không ngại làm. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 khiến kiếm một công việc vặt đối với những người công nhân này cũng khó vô cùng.
Anh Nguyễn Minh Chánh (quê Đồng Tháp) chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát, các công trình cũng ngưng xây dựng nên những người công nhân như bọn tôi đều thất nghiệp. Cứ nghĩ chỉ vài ngày dịch bệnh sẽ hết, ai ngờ dịch kéo dài quá khiến chúng tôi kẹt lại đây luôn. Cũng may gặp được người tốt bụng như chị Hưởng nuôi chúng tôi ăn ở”. Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Minh Trinh không có một đồng thu nhập nào khi công trình đã tạm dừng được hơn 2 tháng nay. Anh Trinh bộc bạch: “Tôi chưa gửi được đồng nào về cho gia đình suốt 3 tháng nay vì việc làm chẳng có. Không có chị Hưởng nuôi ăn ở có khi tôi cũng phải ra công viên, bãi biển ngủ rồi”.

Được em gái giao nhiệm vụ nấu ăn ngày 2 bữa, chị Nguyễn Thị Kim Dung (chị gái Nguyễn Thị Kim Hưởng) thấu hiểu khó khăn của những công viên khi không có việc làm. Chị kể: “Em gái bảo mình giúp ai được thì mình cứ giúp, họ gặp khó khăn cũng như lúc mình hoạn nạn thôi. Mình nghĩ, tụi nó còn khổ cực hơn cả mình dưới quê. Thế nên, tiền bạc không có thì có thể từ từ kiếm lại, giờ tụi nó khó khăn thì mình giúp. Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh, cuộc sống trở lại bình thường để mọi người có công ăn việc làm. Chứ dịch kéo dài quá sợ em mình không trụ nổi vì nó cũng chẳng khá giả gì”.
Bà Dung bổ sung: “Từ khi không có việc, bữa cơm cũng ít thức ăn hơn nhưng vẫn đảm bảo cho mọi người được ăn no. Em gái cũng nói, nó sẽ cố hết sức để không ai bị đói hay phải bất chấp lệnh cách ly xã hội của chính quyền để ra đường tìm việc làm. Ngày nào cũng thế, cứ sáng chị Dung nấu mì tôm, trưa và chiều lại nấu cơm, canh, cá đủ món. Mỗi người một chân một tay, giúp đỡ nhau khi đến giờ ăn. Tại căn nhà 40m2 này chưa bao giờ thiếu tiếng cười đùa vui vẻ trong mâm cơm mùa dịch. Tuy nhiên, đến chiều 22/4 bữa cơm chiều đã vắng đi nhiều người. Họ bắt đầu tất tả đến các công trình, hỏi xem công việc ngày mai đã trở lại bình thường hay chưa. Ai cũng mong dịch bệnh mau qua đi để đi làm gửi tiền về cho gia đình, bớt gánh nặng cho chị Hưởng.
Sắp hết cả tiền dự trữ nhưng không hối hận
Theo chồng ra Nha Trang được hơn 10 năm nay, chị Hưởng cùng chồng thầu lại các hạng mục công trình xây dựng, thường có từ 20 đến 30 công nhân. Chị Hưởng cho biết: “Tôi làm thầu công trình nên thấm cái khổ của đời công nhân. Những công nhân này chủ yếu quê ở tận miền Tây, tiền lương lại không có vì mất việc. Tôi cũng không dư dả gì, phải đi mua gạo thiếu của người ta nhưng tôi vẫn thuê nhà trọ, cho họ ăn ở hàng ngày. Mong dịch qua thật nhanh chứ cứ như vậy hoài cuộc sống khó khăn quá”.

Cũng theo chị Hưởng, chị thuê 2 nhà trọ cho hơn 20 công nhân, 1 căn 5 triệu và 1 căn 1 triệu. Trung bình chi phí sinh hoạt 1 ngày gần 500 nghìn, tất cả đều là tiền túi chị tự bỏ ra để giúp đỡ những người công nhân thất nghiệp. Dịch bệnh kéo dài khiến tiền dự trữ của chị cũng sắp cạn, không biết có trụ nổi qua tháng 4 này hay không. Lúc có việc làm thì không sao, nhưng khi mất việc mọi thứ đều trở nên khó khăn.
Nhận được lòng tốt từ một người xa lạ như chị Hưởng khiến các công nhân sống tại đây đều rất xúc động. Anh Nguyễn Thái Minh (37 tuổi) tâm sự: "Tôi được một người anh em bảo dọn đến đây ở. Chị Hưởng tốt bụng lắm, cứ thấy anh em công nhân nào không còn tiền hay thiếu chỗ ăn chỗ ở chị đều nhiệt tình giúp đỡ. Ngày nào chúng tôi cũng đi khắp nơi tìm việc làm nhưng hầu như không nơi nào tuyển dụng cả. Chúng tôi cảm ơn chị rất nhiều". Những bữa cơm đạm bạc trong căn nhà 40m2 khiến anh Nguyễn Minh Chánh vô cùng ấm lòng: “Có đi qua những ngày khó khăn như thế này mới thấu hiểu hết lòng tốt của con người”. “Không việc làm, không lương, không tiền dính túi mà được ăn no, ở đàng hoàng, chúng tôi còn may mắn hơn rất nhiều người ngoài kia”, anh Lê Văn Huy (quê Hậu Giang) nói.
Thùy Nguyễn (t/h)