Trong buổi trao Giải thưởng KOVA lần thứ 17 năm 2019, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu - người sáng lập Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu đã vinh dự nhận giải thưởng ở hạng mục “Sống đẹp”.
Tìm đến cơ sở “Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu” nằm ở 56 Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long (tỉnh
Vĩnh Long) sẽ có cơ hội gặp ngay vị bác sĩ hiền từ Nguyễn Ngọc Điểu. Bà chính là người thành lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho gần 5.000 trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn. Suốt 15 năm qua, người phụ nữ 77 tuổi vẫn thầm lặng, miệt mài dành tình cảm cho những đứa trẻ kém may mắn; trông nom, chăm sóc và chữa trị cho chúng như con cháu của mình. Chính từ nghĩa cử cao đẹp này, nhiều người ví bác sĩ Ngọc Điểu là “bà tiên” hoặc gọi bà bằng cái tên thân thương hơn hơn là “bà ngoại” của các trẻ bại não.
15 năm "nặng lòng" với trẻ em dị tật
Nói về cái duyên nặng lòng với những số phận tưởng chừng như xa lạ, bác sĩ Điểu cho biết: Năm 2004 sau khi về hưu, hình ảnh những đứa trẻ bị liệt tứ chi, cơ thể co cứng; liệt một tay hay một chân, tổn thương vận động, ngôn ngữ cùng trí tuệ kém phát triển… trở thành gánh nặng của gia đình luôn ám ảnh và khiến bà trăn trở. Thế rồi, sau nhiều ngày trằn trọc suy nghĩ, bà quyết định đem hết vốn liếng dành dụm suốt bao nhiêu năm để thành lập Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu luôn “nặng lòng” với những đứa trẻ bại não.
Bác sĩ Điểu cho biết, bà tạo ra Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu với mục đích tổ chức khám và tư vấn, chăm sóc cũng như tập vật lý trị liệu miễn phí cho
trẻ em khuyết tật, bại não. Từ đó, cơ sở sẽ giúp các em có thể phục hồi sức khỏe, tái họa nhập với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Khi mới thành lập, cơ sở còn nhỏ lẻ, khó khăn, kinh phí cũng có hạn nên chỉ hỗ trợ được 5 đến 10 người một ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, nhiều người biết đến cơ sở đã tìm tới tận nơi để đóng góp, hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũng như kinh phí hoạt động. Nhờ đó, cơ sở dần hoạt động ổn định.
Cho đến nay, sau 15 năm bền bỉ Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu đã hỗ trợ điều trị miễn phí cho gần 7.000 người. Trong đó, có tới hơn 5.000 trẻ bại não, nhiễm chất độc da cam/dioxin và gần 1.000 người lớn. Bác sĩ Điểu bộc bạch: “Tôi cảm thấy không có gì hạnh phúc hơn khi được tận mắt chứng kiến những đứa trẻ bại não có thể dần phục hồi trí não, vận động tứ chi. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình thêm nhiều ý nghĩa, thêm động lực để sống vui, sống khỏe mỗi ngày. Có thể nói, từ thời chiến cho đến thời bình, điều mà tôi tâm đắc nhất và cũng cảm thấy hạnh phúc nhất chính là được đóng góp một phần công sức của mình, chia sẻ và giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, kém may mắn; giúp đỡ những đứa trẻ bại não, khuyết tật phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng”.
Chị Phạm Huỳnh Như (28 tuổi), người từng chạy đôn chạy đáo dẫn đứa con nhỏ bị bại não từ huyện Châu Thành (Đồng Tháp) xuống tận Long An chữa trị không giấu nổi sự vui mừng, biết ơn: “Tôi đưa con đến đây điều trị đã được 4 năm. Từ khi mới sinh, bé đã bị bệnh nên 4 tuổi vẫn chưa biết làm gì. Gia đình tôi đưa cháu đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Nghe người quen chỉ bảo, tôi đưa con đến nhờ bác sĩ Điểu, được bác sĩ
điều trị miễn phí, lại còn coi như con cháu trong nhà. Đến giờ, bé đã lật được, ngồi được và phục hồi rất nhiều”.
Sau 15 năm bền bỉ, Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu đã hỗ trợ điều trị miễn phí cho gần 7.000 người.
Cùng cảnh ngộ với chị Như, chị Phạm Thị Thu Phương (35 tuổi, ngụ H.Tiểu Cần, Trà Vinh) cũng là một người mẹ chạy ngược xuôi khắp nơi để chữa bệnh cho con. Chị kể lại: “Lúc chuyển con lên bệnh viện Nhi Đồng trên TP. HCM, bác sĩ nói bé bị viêm não Nhật Bản, chỉ còn 2% sống sót, ăn phải truyền ống. Gia đình đưa con đi chữa trị nhiều nơi, có người chỉ lên bà ngoại Điểu. Sau hơn 2 năm được bà điều trị, con giờ đã biết ăn, cơ thể hấp thu được nên tươi tỉnh hẳn lên. Tôi không biết phải diễn tả niềm vui của mình ra sao nữa”.
Suốt bao nhiêu năm sống 1 mình, bác sĩ Điểu dành toàn bộ cuộc đời mình để cứu chữa cho những đứa trẻ bại não, dị tật. Bà coi các bệnh nhi như con cháu trong nhà, dùng hết sức mình cùng tình thương để điều trị cho các bé. Vì thế, người nhà bệnh nhi luôn dành cái tên thân thương “bà ngoại” khi nhắc hay gọi bà Điểu. Vị bác sĩ này cũng cho biết, bà rất vui khi nghe mọi người gọi mình là “bà ngoại” của những đứa trẻ bại não.
Nhắc đến mong ước của mình, ánh mắt của vị bác sĩ 77 tuổi bỗng lấp lánh hẳn lên: “Tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất đó là có thêm điều kiện để nâng cấp cơ sở, đầu tư thêm công cụ cũng như dụng cụ hỗ trợ tập vật lý trị liệu giúp các bé ngày một tốt hơn, có thêm kinh phí để hỗ trợ phần nào cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tôi muốn các em được vui vẻ và mình có thể xoa dịu một phần nỗi đau của gia đình bệnh nhi, góp một phần nhỏ công sức để giảm đi gánh nặng cho xã hội”.
Làm gì cũng phải có cái tâm
Trong buổi trao Giải Thưởng KOVA lần thứ 17 năm 2019, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu đã vinh dự nhận giải thưởng ở hạng mục “Sống đẹp”.
Bác sĩ Điểu là con gái út trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 16 tuổi – độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của người con gái, bà quyết định tham gia cách mạng. Khi ấy, bà Điểu vừa học cô đỡ, vừa làm công tác giao liên. Đến năm 1960, bà được Tỉnh ủy rút hoạt động tại Ban phụ vận tỉnh, phân cho phụ trách nhà bảo sanh, mở lớp đào tạo cô đỡ phụ sinh cho tỉnh. Đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Điểu tiếp tục được tin nhiệm và được ngành y tế tỉnh Vĩnh Long tổ chức phân công giữ nhiều chức vụ. Do đó, bác sĩ đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong suốt gần 60 năm gắn bó với ngành y.
Năm 2002, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Không những thế, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu còn có trên 15 năm ra công tập miễn phí cho trẻ da cam, bại não,… được phục hồi vận động. Bà cũng góp sức cùng cơ sở xin dụng cụ tập trị liệu cho trẻ bại não khắp trong tỉnh. Trong khoảng từ năm 2013- 2017, Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu đã quản lý hơn 1.100 trẻ em khuyết tật, khám và điều trị hơn 100 triệu lượt cho các trẻ. Bác sĩ Điểu bộc bạch: “Làm gì cũng cần có cái tâm. Đối với công việc chúng tôi, tiếp xúc trẻ khiếm khuyết thì càng cần cái tâm trong sáng hơn nữa”.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
Thùy Nguyễn (t/h)