Sau 10 năm thành lập, Nghĩa trang Tín Thác cho đến nay đã có hơn 8.000 ngôi mộ của những hài nhi vô danh được 3 lão nông ở tốt bụng ở đất Lâm Đồng gom nhặt về lo nhang khói hằng ngày.
Ba não nông là ông Trần Văn Hùng (63 tuổi), ông Trần Văn Hy (54 tuổi) và ông Trần Văn Thái đã trở thành những cái tên huyền thoại ở xã Lộc Thanh (Bảo Lộc,
Lâm Đồng). Đây cũng chính là 3 “ông tiên” giữa đời thực, những người đã thành lập và gắn bó với Nghĩa trang Tín Thác suốt 10 năm nay. Nghĩa trang Tín Thác là nơi yên nghỉ của những hài nhi vô danh được các ông gom nhặt về.
Cắm sổ đỏ để xây nghĩa trang
Tín Thác được nhiều người bằng cái tên rất đẹp: “Nghĩa trang của những thiên thần”. Chỉ có điều, hơn 8.000 thiên thần yên nghỉ ở đây đều là những sinh linh bất hạnh, những hài nhi vô danh bị mất ngay quyền sống từ khi còn trong bụng mẹ. Chôn cất ở đây, các bé được đặt tên thánh, xếp theo thứ tự ngày tháng được nhặt về. Để nghĩa trang bớt hiu quạnh, ngày nào cũng thế ba lão nông đã có tuổi đều thay nhau quét dọn, nhổ cỏ, trồng hoa, thắp hương… rồi đi trông nom khắp cả khu.
Nhớ lại thời điểm bắt đầu thành lập nghĩa trang từ gần 10 năm trước, ông Hùng bồi hồi: “Năm 2009, tôi cùng một người bạn tên Hy đang đi bộ trên đường bất ngờ gặp một cảnh tượng vô cùng đáng sợ. Trước mặt chúng tôi là một chú chó đang cố giằng xé, vật lộn với một chiếc túi bóng đen. Chúng tôi tò mò lại xem, đến khi kiểm tra thì không kiềm lòng nổi khi phát hiện bên trong là một
thai nhi đã chết. Quá xót xa cho số phận đứa nhỏ, cũng oán trách bậc cha mẹ nào lại nhẫn tâm vứt bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra như vậy, tôi cùng người bạn đã đem thai nhi đó đi chôn cất cẩn thận”.
Tín Thác được nhiều người bằng cái tên rất đẹp: “Nghĩa trang của những thiên thần”.
Cũng từ lần gặp gỡ định mệnh đó, ý tưởng thành lập một nghĩa trang dành cho những đứa bé kém may mắn đã định hình trong đầu ông Hùng và ông Hy. Kể từ đó, 2 ông tìm mọi cách để biến mong muốn của mình thành hiện thực sớm nhất có thể. Gần 10 năm trước, đúng vào 27 Tết âm lịch, chẳng ai hỗ trợ mà chẳng có nhiều tiền bạc trong tay, ông Hùng và ông Hy phát hiện có người bán mảnh đất 1.400 m2 với giá gần 500 triệu đồng. Cuối năm 2008, gọi nhờ vả rất nhiều người bạn ông Hy mới miễn cưỡng có được 30 triệu đồng đặt cọc. Trong khi chờ đợi những mạnh thường quân giúp đỡ, hai ông bàn nhau về nhà lấy sổ đỏ của ông Hy cắm được 400 triệu đồng. Sau khi mua được mảnh đất làm nghĩa trang, các ông thỏa thuận sẽ cùng nhau đóng tiền lãi cho đến khi lấy được sổ đỏ ra ngoài.
Đến năm 2012, nghe nhiều người nói về nghĩa trang
từ thiện Tín Thác, ông Thái vô cùng cảm phục và muốn góp một chút công sức của mình nên đã đến tận nơi hỏi chuyện, xin được gia nhập vào nhóm để phục vụ công việc dọn dẹp nghĩa trang cũng như lo hương khói cho các cháu. Từ ngày đó đến nay, 3 người đàn ông trung niên đã cứu vớt biết bao thai nhi bất hạnh, đưa chúng về nơi yên nghỉ cuối cùng, ngày ngày bầu bạn, lau dọn “ngôi nhà chung” cho bọn trẻ. Ông Hùng nghẹn ngào: “Ngày mới thành lập nhiều vất vả lắm, kinh phí thiếu thốn. Nhiều khi đi qua những nhà đang xây dựng, tôi đánh liều vào xin ít xi măng, ít gạch về làm mộ. Thế rồi, khi mọi người biết được chuyện chúng tôi làm, chẳng cần đi xin cũng có người mang cát, gạch, đồ xây đến tận nhà cho chúng tôi”.
Anh Tường – người cha không may mắn có con bị chết lưu xúc động kể lại: “Con không có duyên ở lại với vợ chồng tôi. Khi biết đến nghĩa trang của bác Hùng, tôi cùng vợ đưa con đến, xin một ô đất để chôn cất rồi hương khói hàng ngày”. Tuy nhiên, không phải ai cũng giống như vợ chồng anh Tường, có thể tận tay đưa con mình đến nghĩa trang gửi gắm. Những lời đàm tếu của người thân, bạn bè và xã hội đã khiến họ chùn bước, cũng chính sự ích kỷ của bản thân đã khiến họ làm ra những hành động vô lương tâm mà vứt bỏ con mình. Gần 10 năm nay, không biết bao nhiêu lần ông Hùng, ông Hy và ông Thái nghe những cuộc gọi báo những thi hài bé nhỏ ở đâu đó. Mỗi lần như thế, các ông lại phân công nhau đến tận nơi nhận về để chôn cất cẩn thận.
Nghĩa trang rộng lớn là nơi yên nghỉ của hơn 8.000 đứa trẻ.
Nghĩa trang rộng lớn là nơi yên nghỉ của hơn 8.000 đứa trẻ. Mỗi nấm mộ đều nhỏ xíu, chỉ vài chục cm2 được phủ bằng miếng đá hoa cương. Trên các tấm bia đều có tên thánh được các lão nông tự đặt và ngày các ông nhặt các bé về để tưởng nhớ. “Dù sao, mỗi đứa bé đều là một sinh linnh, một mạng người nên chúng tôi không chút do dự nào trong việc thành lập nghĩa trang này. Chỉ hi vọng sao, những ngôi nhà nhỏ trong Tín Thác sẽ không tăng thêm nữa…” ông Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh khẳng định: “Nghĩa trang Tín Thác vốn là nghĩa trang của các thiên thần nhỏ. Việc làm của ông Hùng và các người bạn của mình rất đáng được tuyên dương. Bởi vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nghĩa trang, kết hợp với các đơn vị liên quan như y tế, hội phụ nữ… để vận động cũng như hạn chế tối đa các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, xử phạt thật nặng những hành vi vứt bỏ con trẻ”.
Cứu giúp các bé sơ sinh bị bỏ rơi
Mỗi nấm mộ đều nhỏ xíu, chỉ vài chục cm2 được phủ bằng miếng đá hoa cương.
Trong số những đứa trẻ được các ông nhặt được, nhiều bé may mắn được các ông cứu về khi vẫn còn hơi thở. Những đứa trẻ như vậy được 3 lão nông gửi gắm vào mái ấm Tín Thác ở thôn Thanh Xuân 1 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) và được các sơ trong nhà thờ chăm sóc. Để có điểm tựa giúp các bé vượt qua bất hạnh, cơ sở đặt tên các bé là Bảo Ân, Thiên Ân, Phúc Ân... Mái ấm Tín Thác được thành lập từ năm 2009 với vài phòng đơn sơ. Tuy nhiên, sau 10 năm do số lượng các bé gia tăng quá nhiều nên trung tâm liên tục phải mở rộng. Hiện nay, nơi đây là nơi che nắng che mưa của hơn 100 cháu bé; cơ sở ngày càng được trang hoàng, rộng rãi và thoáng mát với 3 dãy nhà theo hình chữ U khang trang. Bên cạnh đó, mái ấm này còn có cả sân chơi, vườn hoa và nơi ăn uống, ngủ, nghỉ vô cùng tiện nghi.
Là người cùng các lão nông thành lập ra mái ấm Tín Thác, Sơ Nguyễn Thị Hường (53 tuổi) bộc bạch: “Nơi đây ra đời là để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh, cùng với nghĩa trang là nơi cứu rỗi linh hồn các cháu. Dù số lượng các bé ngày càng đông; nhưng chúng tôi ai cũng chỉ mong ước sao không nhiều trẻ phải đến mái ấm hay nghĩa trang nữa bởi nghĩa trang càng rộng thì nỗi đau càng lớn, tội lỗi càng nhiều… Ước gì các em được sinh ra trên đời, được sống trong tình yêu thương của cả cha và mẹ”.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
Thùy Nguyễn (t/h)