Chẳng sợ nguy cơ nhiễm bệnh, bác sĩ già vẫn tận tụy với bệnh nhân lao suốt 30 năm qua

Bác sĩ Thơm tâm niệm, bản thân giống như người đưa đò chở người ta qua sông. Nhìn thấy người bệnh có thể quay trở về cuộc sống bình thường là niềm vui, niềm hạnh phúc ông vô cùng hưởng thụ.
Những ngày cuối năm, mọi người đang bận rộn hối hả để chuẩn bị, sắp xếp kế hoạch cho ngày Tết sắp đến; thế nhưng ở phòng khám lao (Trung tâm Y tế quận 8, TP. Hồ Chí Minh) vẫn diễn ra như thường lệ. Lúc nào bước chân đến đây cũng có thể bắt gặp bác sĩ Nguyễn Văn Thơm (trưởng phòng khám) đang ân cần thăm khám, hướng dẫn cho người mắc bệnh lao thủ tục và cách điều trị.
 

Đến tận nhà thăm khám cho bệnh nhân

 
Suốt 30 năm trôi qua, người đàn ông nổi bật với đôi mắt tinh anh, tiếng nói rõ ràng sang sảng vẫn không rời xa chiếc khẩu trang, cũng như gắn bó với công việc phòng chống lao – căn bệnh lây nhiễm vốn bị xã hội xa lánh, kỳ thị. Dù đã sắp 60 năm tuổi đời, ngày tháng về hưu cũng chẳng còn xa nhưng tinh thần, ý chí cùng bệnh nhân điều trị và vượt qua nỗi đau bệnh tật của bác sĩ Thơm vẫn hừng hực như thời còn trai trẻ. Thấy một người đàn ông có người nhà mắc bệnh mà không mang khẩu trang, bác sĩ Thơm ngay lập tức nghiêm mặt nhắc nhở: “Anh nên chịu khó đeo khẩu trang, chọn khẩu trang y tế mới đúng tiêu chuẩn, khẩu trang vải thông thường sẽ không có tác dụng. Nguyên nhân bởi, người bệnh lao thường rất dễ hít phải vi trùng mắc bệnh trong môi trường tiếp xúc”.
 
Chẳng sợ nguy cơ nhiễm bệnh, bác sĩ già vẫn tận tụy với bệnh nhân lao suốt 30 năm qua
Lúc nào bước chân đến đây cũng có thể bắt gặp bác sĩ Nguyễn Văn Thơm (trưởng phòng khám) đang ân cần thăm khám, hướng dẫn cho người mắc bệnh lao thủ tục và cách điều trị. 
 
Lúc thăm khám cho bệnh nhân, có người đến muộn không nghe được buổi chia sẻ được ông tinh ý phát hiện và nhắc nhở lần sau nên đi sớm. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông không bao giờ bực bội, tức giận với bệnh nhân mà chỉ nhỏ nhẹ: “Sao anh đến muộn? Đến muộn thì sao nghe tư vấn được, rồi tuân thủ điều trị làm sao?” Ông luôn nhiệt tình cũng như hết mình trong các buổi tư vấn khám chữa bệnh. Sau buổi tư vấn kết thúc, ông Thơm đích thân phân loại bệnh nhân. Thấy một người bệnh bị liệt ở chân, thở khó nhọc trong tay cầm vé số vào khám, ông vội vã ra dìu vào trong, ưu tiên cho khám trước. Với vị bác sĩ này, những người già cả và có sức khỏe kém không thể chờ lâu nên ông đặt cách cho khám trước.
 
Ngoài những lúc tư vấn tại chỗ cho người bệnh, khi kết thúc giờ làm việc ông còn đi đến tận nhà của từng người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nặng, bị yếu liệt không đủ khả năng đến phòng khám. Thông thường, bệnh nhân lao phải chữa bệnh trong ít nhất 6 tháng hoặc ít nhất là 2 năm đối với lao kháng thuốc. Bác sĩ Thơm trải lòng: “Trong khoảng thời gian chiến đấu với bệnh tật, không ai khác ngoài bác sĩ chính là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh. Chẳng ai bắt mình phải đi, nhưng bứt rứt khó chịu lắm, chỉ muốn đến tận nơi xem họ có khó khăn hay cần hỗ trợ gì không”.
 
Bác sĩ Thơm dẫn mọi người đến nhà một bệnh nhân lao vô cùng trẻ tuổi. Đó là chị Phạm Phương X. mới 21 tuổi, đang là sinh viên trường đại học trên địa bàn TP. HCM. Trước đó, X. từng bị ho một thời gian dài, đến khi suy kiệt cơ thể đi khám mới phát hiện ra bị bệnh lao. Nhớ lại 2 tháng trước cũng là cái ngày cô sinh viên trẻ phát hiện mình đang mắc căn bệnh bị cả xã hội kỳ thị, X. vẫn không kiềm nổi cảm xúc. Hoang mang và lo sợ, nhưng khi được bác sĩ X. trấn an nữ bệnh nhân đã dần bình tĩnh lại và an tâm điều trị.
 
Nhút nhát là thế, nhưng khi gặp bác sĩ Thơm cô gái trẻ lại liến thoắng nói chuyện không dứt, từ chuyện chữa bệnh đến cả chuyện bổ sung sắt trong chu kỳ của người phụ nữ. X. cho hay: “Theo bác sĩ Thơm điều trị, em cảm thấy rất an tâm. Bác sĩ Thơm là người vô cùng tận tâm với nghề, chăm lo chu đáo cho bệnh nhân. Chứ các bác sĩ khác, em thấy họ chỉ cho thuốc rồi bệnh nhân về uống, thế là xong”.
 
Chẳng sợ nguy cơ nhiễm bệnh, bác sĩ già vẫn tận tụy với bệnh nhân lao suốt 30 năm qua
Người bệnh thường rất mặc cảm, không muốn để người xung quanh biết. Ảnh minh họa. 
 
Trường hợp cách đây 10 năm về một người mẹ trẻ mắc bệnh lao cột sống có lẽ là kỷ niệm mà bác sĩ Thơm không bao giờ quên được. Sau khi sinh đôi, người mẹ này đã nằm liệt một chỗ. Lúc đầu, chị rất tuyệt vọng và chán chường. Từ một giáo viên dạy tiếng Anh hoạt bát, năng động, chị trở thành người tàn phế, mọi hoạt động đều phải nhờ vào bàn tay người mẹ già. Thế nhưng, từ khi gặp bác sĩ Thơm và cùng ông đồng hành trong việc điều trị, người mẹ trẻ đã mạnh mẽ vươn lên và dần đánh thắng được bệnh tật.
 
Hiện tại, hai cô con gái xinh xắn của chị cũng đã 10 tuổi. Mỗi lần thấy bác sĩ Thơm ghé chơi, hai bé lại vui vẻ chạy ra ríu rít chào, gọi tiếng “ông” đầy thân thương. Cũng có nhiều bệnh nhân sau khi được ông chữa khỏi bệnh đã quay lại phòng khám, ngỏ ý muốn hỗ trợ dinh dưỡng cho những người còn đang điều trị. Điều này khiến bác sĩ Thơm rất vui, ông coi đây là những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề mà có lẽ, mình sẽ mang đến hết cuộc đời.
 

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ sẽ dành phần ai”

 
Theo bác sĩ Thơm, bệnh lao vốn có nhiều thể; nhưng nguy hiểm nhất là vừa nhiễm HIV lại vừa bị lao. Có nhiều bệnh nhân còn bị kháng thuốc nên quá trình điều trị sẽ dài và khó khăn hơn. Cơ thể họ gần như suy kiệt nên các bác sĩ phải hết lòng động viên, chăm sóc. Hồi trước năm 2009, bệnh nhân bị lao kháng thuốc rất khó chữa trị. Tuy nhiên, sau khi có chương trình hỗ trợ điều trị theo chương trình quốc gia, khi đó quận có khoảng 87 bệnh nhân thì đã điều trị 53 trường hợp khỏi bệnh. Trường hợp đầu tiên vừa mắc lao kháng thuốc vừa bị nhiễm HIV được chữa khỏi không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh mà còn là động lực lớn lao cho những người thầy thuốc, bác sĩ.
 
Chẳng sợ nguy cơ nhiễm bệnh, bác sĩ già vẫn tận tụy với bệnh nhân lao suốt 30 năm qua
Công việc của một bác sĩ phòng khám lao ẩn chứa nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh minh họa. 
 
Công việc của một bác sĩ phòng khám lao ẩn chứa nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, họ luôn luôn phải đeo khẩu trang để hạn chế vi trùng xâm nhập. Tuy nhiên, mỗi lần đến tận nhà thăm bệnh nhân bác sĩ Thơm không được đeo khẩu trang nhưng ông không hề nề hà. Ông dí dỏm cho hay: “Người bệnh thường rất mặc cảm, không muốn để người xung quanh biết. Do đó, mình phải giả vờ là bạn bè đến chơi, đến thăm. Nếu đeo khẩu trang tới, mọi người sẽ nghi ngờ, dị nghị rồi nói ra nói vào. Còn nếu yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang có khi mình lại bị đuổi về”.
 
Cho dù là thế, vị bác sĩ gần 60 tuổi vẫn kiên định với hành trình bên những người bệnh lao với mong muốn được chia sẻ, chăm sóc và giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ở mảnh đất ông sinh ra và lớn lên. Ông quan niệm, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ sẽ dành phần ai”, ông không nghĩ việc mình đang làm là gian khổ. Tuy nhiên, sẽ chẳng mấy ai trong xã hội này có thể chịu đựng được con đường dài đăng đẵng trong việc phòng, chống bệnh lao tại một phòng khám đơn sơ như bác sĩ Thơm.
 
Đến thời điểm hiện tại, mỗi năm phòng khám lao tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân. Tổng cộng 30 năm qua, không biết bao nhiêu bệnh nhân đã đến rồi đi qua phòng khám nhỏ của ông. Mặc dù môi trường làm việc rất căng thẳng khi bác sĩ và bệnh nhân hầu như lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, không có tiếng cười đùa nhưng ông không lấy đó là áp lực. Tiết lộ bản thân đang mang vi trùng lao, bác sĩ Thơm vẫn cảm thấy nhẹ tênh “cái nghề cũng là cái nghiệp”. Là bác sĩ nên ông hiểu được sức khỏe sẽ đi xuống thế nào nếu bị bệnh lao tấn công. Bởi vậy, ngày nào cũng thế, ông rèn cho mình thói quen tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng. Dù có đánh đổi sức khỏe bản thân, ông vẫn muốn bệnh nhân có thể ngày một khỏe mạnh.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
 
 
Thùy Nguyễn (t/h)