Cháy nắng, làm ngay điều này để cứu làn da

Cháy nắng ở mức độ cao không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra những hệ lụy cho sức khỏe của bạn.
Dấu hiệu bỏng nắng
Nắng nóng đỉnh điểm, tất nhiên không ai muốn ra ngoài đường để hứng chịu cả. Tuy nhiên vì công việc, chúng ta ít nhiều vẫn phải đối mặt với nó. Và có rất nhiều người chủ quan, hoặc chuẩn bị không đầy đủ dẫn đến bị cháy nắng. Ở mức độ nhẹ, cháy nắng không nguy hiểm, nó chỉ làm xỉn màu da và sẽ biến mất sau một thời gian (tùy cơ địa mỗi người). Nhưng ở mức độ nặng, nó sẽ gây tổn thương da trên diện rộng, có thể kèm theo đau đầu, sốt và mệt mỏi. Người ta còn gọi đây là bỏng nắng.
Bỏng nắng thường xảy ra với những người tiếp xúc nhiều với ánh nắng vào khoảng giữa trưa từ 11 đến 14 giờ, do nồng độ tia cực tím tập trung cao. Các dấu hiệu của bỏng nắng thường xuất hiện trong vòng 2 – 6h tiếp xúc. Cảm giác là rát, nóng hoặc châm chích, đôi khi có thể hơi ngứa; sau đó da đỏ lên với mức độ tăng dần. Vùng da bị bỏng có thể sưng nề và có cảm giác bị căng cứng, đôi khi có phỏng nước.

Vùng da đỏ lên tăng dần sau khi tiếp xúc với ánh nắng cho thấy bạn đã bị bỏng nắng
Ngoài bỏng nắng cấp tính với các triệu chứng như trên, nhiều người còn bị bỏng nắng dưới dạng tích lũy. Nguyên nhân là do tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài nhưng không liên tục. Nó không có biểu hiện rõ ràng mà tích lũy dưới da. Hậu quả là da khô ráp, thô sần, nhiều thâm nám, nhanh lão hóa và thậm chí là ung thư da. Dù đến chậm, ít đau đớn nhưng bỏng nắng tích lũy lại khó trị và khả năng hồi phục như ban đầu gần như là không thể.
 
Cần hạ nhiệt ngay
Đối với bỏng nắng cấp tính, bạn cần có biện pháp xử lý ngay để tránh vết bỏng nghiêm trọng, gây đau đớn và khó phục hồi. Theo đó, khi có dấu hiệu bỏng nắng, hãy nhanh chóng trở về nhà hoặc tìm nơi gần nhất có thể xử lý vết bỏng. Nước mát sẽ giúp da hạ nhiệt và làm chậm quá trình cháy nắng. Bởi vậy hãy ngâm vùng da trong nước lạnh hoặc dùng khăn lạnh lau, đắp để nhanh chóng giảm nhiệt tại chỗ. Sau đó dùng khăn sạch mềm để thấm khô da.
Lau khô vùng da cháy nắng bằng khăn mềm rồi thoa một chút kem dưỡng ẩm được chiết xuất từ thảo dược để làm dịu da, dưỡng ẩm và tái tạo những tế bào bị tổn thương. Hoặc bạn có thể dùng lô hội, cà chua hoặc dưa leo đắp lên, đây cũng là những cách làm dịu da nhanh chóng.

Vết cháy nắng nếu không xử lý đúng sẽ gây phồng rộp, đau rát, thậm chí nhiễm trùng
Nếu da xuất hiện các nốt phỏng nước, tuyệt đối không chọc vỡ sẽ gây đau rát, nhiễm trùng. Làm sạch nhẹ nhàng, bôi thuốc mỡ kháng sinh rồi che lại bằng băng gạc không dính, tránh bụi bẩn. Nếu các phỏng nước bị vỡ, có thể bôi lên đó mỡ kháng sinh và để hở. Nếu cần thiết, có thể dùng thêm thuốc giảm đau như ibuprofen, naproxen, hoặc paracetamol.
Sau khi đã xử lý tại chỗ, bạn vẫn cần chăm sóc đúng cách nếu muốn da phục hồi nhanh. Theo đó, hãy hạn chế ra ngoài khi trời nắng. Trường hợp bất đắc dĩ thì phải che chắn thật cẩn thận, tránh để những vùng da cháy nắng tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng gay gắt. Uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất và giúp da phục hồi nhanh chóng từ bên trong. Bôi kem dưỡng đều đặn để da phục hồi nhanh hơn.
 
Làm mờ vết cháy nắng nhanh
Với chị em, vết cháy nắng thực sự là nỗi ám ảnh, nhất là tại các vùng khó giấu như mặt, bàn tay, cổ, bàn chân… Hãy áp dụng một số cách sau để nhanh chóng lấy lại sự tự tin cho bản thân:
Lô hội và sữa tươi: Nạo một chén con gel lô hội, trộn với 2 thìa sữa tươi. Rửa và mát xa nhẹ nhàng các vùng da cháy nắng với loại hỗn hợp này để làm dịu và nuôi dưỡng, phục hồi các tế bào da.
Sữa chua: Bôi một lớp sữa chua mỏng lên vùng da cháy nắng. Mát-xa nhẹ nhàng khoảng 3 phút rồi để trong vòng 10 phút. Rửa lại với nước lạnh. Ngoài ra bạn có thể dùng sữa chua không đường và nước cốt cam, thoa lên các vết cháy nắng trong vòng 20 phút rồi rửa lại bằng nước lạnh.
Trà túi lọc: Đừng vội vứt bỏ những túi trà đã qua sử dụng vào thùng rác vì chúng là một chất chống oxy hóa và cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt. Ngoài ra, trà túi lọc cũng góp phần trong việc giảm nhiệt cái bỏng rát của mặt trời gây ra. Chúng ta bỏ túi trà đã qua sử dụng vào tủ lạnh từ 15 – 30 phút rồi đặt chúng lên bề mặt da cháy nắng là được.

Đắp bã trà túi lọc giúp nhanh chóng đẩy lùi vết sạm do cháy nắng
Trà xanh: Đây cũng là phương pháp chữa trị da cháy nắng, xóa mờ sạm đen hữu hiệu. Nhờ các đặc tính chống viêm, nước trà xanh sẽ làm vết bỏng rát dịu nhẹ, nhanh chóng lành và không để lại vết sạm hay sẹo thâm. Điều bạn cần làm chỉ là ngâm bông hoặc vải mềm trong nước trà xanh, sau đó đắp trực tiếp lên vùng da bị cháy nắng. Làm điều này mỗi ngày, làn da sẽ cải thiện đáng kể.
Dầu dừa: Công dụng của dầu dừa không những làm mái tóc trở nên bóng mượt mà còn cải thiện làn da bị cháy nắng. Bằng cách nhỏ 1 – 2 giọt dầu dừa lên vùng da bị bỏng rát thường xuyên sẽ làm mờ dần vết cháy nắng trên da.

Song Ân (t/h)