Mới đây, khi bé bị lại tưa lưỡi, chị Hoa lại tiếp tục chữa cho con bằng mật ong như lần trước, nhưng thấy bé lên cơn co giật. Chị Hoa vội vàng cho con nhập viện. Các bác sĩ cho biết bé Su Su bị ngộ độc mật ong nhưng may không gặp nguy hiểm.
Vì sao không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi?
Mật ong từ lâu đã được xem là phương thuốc phổ biến giúp điều trị hàng loạt các chứng bệnh khác nhau. Nó được xem như là “liều thuốc” tự nhiên khá hữu hiệu trong việc giảm ho, đau họng mà không kèm theo tác dụng phụ nào như một số loại thuốc ho thông thường.

Tuy mật ong có nhiều lợi ích nhưng bạn đừng dựa vào đó mà nghĩ rằng mật ong cũng tốt cho trẻ nhỏ thì đó là một điều sai lầm. Bác sĩ Hà Thị Loan, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Trong mật ong, tỷ lệ mật ong chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. Người lớn nuốt phải bào tử clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh bởi hệ tiêu hoá của họ đã trưởng thành, đủ khả năng vô hiệu hoá chúng. Trong khi đó, ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng. Vì vậy, khi vào cơ thể trẻ, bào tử có thể giải phóng vi khuẩn và sản sinh độc tố. Độc tố Botulinum còn có khả năng tác động lên các dây thần kinh cơ, gây tê liệt, bị nặng có thể dẫn tới tử vong. Vì thế rất nguy hiểm nếu không may mật ong bạn sử dụng để đánh tưa lưỡi cho trẻ có chứa độc tố này.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hồng Lạc – Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, bác sĩ gặp nhiều trường hợp con bị tưa lưỡi mà cha mẹ không biết. Theo đó, bác sĩ Lạc kể, chị Nguyễn Thi Dung ở Thanh Trì, Hà Nội có cậu con trai 4 tháng tuổi, cháu rất nhiều dãi, và lưỡi hay đẩy ra ngoài, cháu rất hay quấy khóc, gắt gỏng. Thấy con hay quấy khóc, lưỡi hay đầy ra ngoài gia đình cũng lo lắng, hơn nữa cháu cũng không sốt nên gia đình cũng chần chừ chưa đưa con đi khám bệnh. Chỉ đến khi cháu khóc cả ngày lẫn đêm gia đình mới đến gặp bác sĩ. Bác sĩ Lạc cho biết, khi thăm khám cho cháu bé, bác sĩ phát hiện cháu bị nấm rất nhiều. Miệng của cháu có nhiều vết đốm, mảng bám có màu trắng đục hoặc vàng nhạt nổi cộm lên trên bề mặt lưỡi và niêm mạc miệng. Lúc này chị Dung mới tá hỏa vì nghĩ bệnh của con là do cơ địa. “Khi thấy cháu bị vậy, nhiều người hàng xóm lại bảo lưỡi cháu dài nên thè ra như thế, theo kinh nghiệm dân gian thì sẽ nhanh biết nói nên tôi cũng chần chừ không đưa đi khám”, chị Dung nói.

Xử lý tưa lưỡi cho trẻ thế nào?

Với trường hợp vệ sinh miệng như trên không đỡ cần bôi tại chỗ bằng thuốc kháng nấm. Trường hợp nặng hơn có thể các bác sĩ phải chỉ định thêm thuốc chống nấm đường uống. Tuy nhiên khi vệ sinh tại chỗ phải làm thật nhẹ nhàng tránh tổn thương miệng lưỡi trẻ gây đau và dễ nhiễm khuẩn.
Để phòng tưa lưỡi, bác sĩ Hồng Lạc cho biết cần vệ sinh răng miệng của trẻ một cách sạch sẽ. Khi trẻ bú mẹ, ăn xong cần cho trẻ thêm chút nước làm sạch cặn sữa, thức ăn bám trên bề mặt lưỡi tránh tạo môi trường cho nấm xâm nhập và phát triển. Riêng với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần dùng gạc mềm và sạch, thấm miếng nước muối sinh lý để lau lưỡi cho trẻ cần phải làm nhẹ nhàng tránh xây sát niêm mạc. Còn với trẻ lớn hơn một chút thì lúc đầu mẹ có thể vệ sinh miệng giúp trẻ, nhưng sau đó mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh, đánh răng và súc miệng bằng các dung dịch súc miệng thường xuyên.