Xây nhà trọ tình thương để trả ơn cuộc đời
Để lên kế hoạch và xây dựng nhà trọ miễn phí, đối với anh Duy là cả một câu chuyện dài. Người đàn ông 36 tuổi bộc bạch, chính thời thơ ấu nghèo khó đã khiến anh nảy mầm ý tưởng này. Anh Duy nhớ lại, khi còn nhỏ cuộc sống của gia đình anh rất vất vả, từng phải sống trong căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội, làm đủ các loại công việc nặng nhọc để mưu sinh. Anh hiểu rằng, cuộc sống nghèo khó chính là thử thách để anh cố gắng, kiên cường vượt qua và thoát khỏi thực tại ấy.

Khi đó, cũng nhờ những người tốt bụng giúp đỡ, cuộc sống anh Duy đã dần khởi sắc và đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Bởi vậy, anh ấp ủ dự định xây nhà trọ miễn phí để trả ơn cuộc đời, trả ơn những người tốt bụng đã từng cứu giúp anh khi còn nguy khó. Nghĩ là làm, ngay khi kinh tế khấm khá hơn một chút, anh Duy quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây 3 khu nhà tập thể với 12 phòng. Dãy trọ rất khang trang, sạch sẽ; mỗi phòng rộng 36m2, có gác lửng và công trình phụ khép kín, thoáng mát và rộng rãi.
Chẳng cần suy nghĩ nhiều, anh lấy tên khu nhà là “Nhà trọ tình thương”, với mong muốn san sẻ yêu thương và giúp đỡ những người lao động nghèo khó, có hoàn cảnh có khăn bớt được nỗi lo kinh tế nhưng vẫn có chỗ ở thuận lợi, con cái của họ cũng có chỗ ăn ở, học tập thoải mãi. Ngay khi những công đoạn cuối cùng hoàn tất, anh Duy nhờ bạn bè thông tin, quảng cáo rộng rãi để nhiều người biết đến. Từ đó, những cặp vợ chồng trẻ khó khăn, những người làm ăn tha hương, những lao động nghèo đã tìm đến “Nhà trọ tình thương”.
Những mảnh ghép cuộc đời nơi xóm trọ
Mấy năm qua, xóm trọ trở thành mái nhà ấm áp, yên bình của biết bao mảnh đời. Là một trong những người đầu tiên chuyển đến “Nhà trọ tình thương” của anh Duy, gia đình chị Phạm Thị Thùy Hương (30 tuổi, quê ở Đăk Lăk) vẫn gắn bó với phòng trọ này bao năm. Chị Hương hiện đang là giáo viên Tiếng Anh hợp đồng, chồng chị là công nhân nhà máy thủy điện, thu nhập của 2 vợ chồng khá bấp bênh. Ngày trước, gia đình chị tốn một khoản tiền không nhỏ mỗi tháng để thuê trọ, đến khi có 2 đứa con thì kinh tế càng thêm khó khăn. Đến khi biết anh Duy có phòng trọ miễn phí, vợ chồng chị Hương đã chủ động đến liên hệ và xin ở. Hàng tháng, anh chị không phải lo lắng tiền thuê phòng nữa, chỉ việc trả tiền điện nước mà thôi.

Chị Hương không giấu được xúc động và lòng biết ơn dành do anh Duy: “Được anh Duy cho ở miễn phí, gia đình tôi mừng lắm. Nhà trọ không chỉ thoáng mát, rộng rãi mà còn rất sạch sẽ, khác hẳn những phòng trọ chật hẹp trước đây mà chúng tôi từng thuê. Nhờ anh mà vợ chồng tôi đã tiết kiệm được một khoản phí nhỏ để sau này mua đất, làm nhà”…
Một mảnh đời khó khăn khác đang “nương tựa” ở xóm trọ anh Duy chính là chị chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1992, huyện Đắk Hà). Anh trai 33 tuổi mắc bệnh nan y đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum; chị dâu lại mới bế 2 cháu bỏ đi bỏ lại chồng nằm liệt trên giường bệnh khiến chị Oanh khổ càng thêm khổ. Chị Oanh gánh vác trách nhiệm chăm anh, mỗi tuần chị và gia đình phải xoay đủ 500 nghìn đồng cho anh truyền hóa chất. Nhiều khi để chữa bệnh cho anh trai, chị Oanh phải nhịn ăn nhịn uống để tiết kiệm tiền. “Gia đình chỉ có 3 bố con, bố em bị tâm thần vì áp lực cuộc sống, mới đây lại bị tai biến mạch máu não. Gia đình em chẳng còn gì để bán, em cũng đã chạy vạy, vay mượn của tất cả người thân, bạn bè”, chị Oanh cho hay.
Anh Đặng Văn Lưu (38 tuổi) đang sinh sống trong khu trọ của anh Duy cũng có cuộc sống khá khó khăn. Anh Lưu lặn lội từ Bình Định đến huyện Đắk Hà làm phụ hồ nhiều năm nay. Cuộc sống độc thân vất vả, anh Lưu vẫn nhận nuôi một bé gái từ 3 năm trước. Bé gái từng bị bỏ rơi may mắn được anh Lưu nuôi nấng là bé Trần Thị Hồng Nhung (5 tuổi). Tuổi còn nhỏ nhưng cô bé đã mắc bệnh động kinh. Anh Lưu đi làm thuê được đồng nào là dành dụm hết tiền chữa bệnh cho con. Biết được hoàn cảnh, anh Duy đã dành một phòng trong “Nhà trọ tình thương” cho bố con anh Lưu. Không những thế, anh Duy còn cho 2 cha con mượn thêm mảnh đất phía trước dãy trọ để trồng rau củ cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập.

Anh Duy được nhiều người coi như “ông Bụt” nhờ hàng loạt việc làm ý nghĩa của mình. Tuy nhiên, với anh Duy, anh chỉ mong lòng tốt của mình được nhân rộng và lan tỏa trong xã hội. Anh chẳng mong được mọi người báo đáp, cũng không muốn chụp hình lên báo vì cho rằng mình chưa làm được nhiều cho xã hội. Anh chia sẻ: “Tôi chỉ mong muốn các anh chị, cháu nhỏ trong xóm trọ sau này có được sức mạnh và khát khao vươn lên giống như tôi ngày xưa.
Thùy Nguyễn (t/h)