Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) sớm sẽ làm giảm nhập viện không cần thiết và gây tốn kém do phải chi trả cho các dịch vụ chăm sóc y tế. Bên cạnh đó nó còn giúp xoa dịu nỗi đau cho người bệnh và gia đình người bệnh.
Tìm lại sự lạc quan cho bệnh nhân
Thời gian gần đây, khoa Lão – CSGN,
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân B.T. P.N, 37 tuổi ngụ tại TP HCM. Chị N. vào khoa Lão sau khi đã được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị do ung thư buồng trứng. Trong lần nhập viện này, chị N. được chẩn đoán bán tắc ruột do di căn mang tràng, hồi tràng, ung thư xâm lấn niệu quản. Sau vài ngày được điều trị tại Khoa, may mắn chị N. được kiểm soát đau hiệu quả, được an ủi chia sẻ nguyện vọng và sau đó xuất viện với tinh thần rất lạc quan. Nhưng sau đó không lâu, chị N. phải tiếp tục nhập viện với chẩn đoán: sảng giảm động do nhiễm trùng, theo dõi bệnh não gan, ung thư buồng trứng di căn hai phổi, xâm lấn bàng quang, niệu quản trái, suy mòn, chấn thương phần mềm đầu.
CSGN mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân và gia đình người bệnh
Chia sẻ với bác sĩ, chị N. cho biết chị cảm thấy bản thân là gánh nặng của gia đình, không giúp được gì cho chồng con và đã có ý định tự tử. Thấu hiểu tâm tư, các bác sĩ và nhân viên y tế tại Khoa đã thường xuyên tâm sự, động viên và mời Đơn vị tâm lý lâm sàng phối hợp để giúp chị N. vượt qua được những bất ổn tâm lý. Đồng thời nói chuyện với gia đình chị, sắp xếp người chăm sóc các cháu để chị N. an tâm hơn. Sau đó, chị N. vui vẻ trở lại, tinh thần lạc quan hơn, thường xuyên đọc sách và tập thể dục. Hiện chị N. đã được xuất viện về với gia đình và điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà.
Theo TS BS. Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng Khoa Lão – CSGN BV ĐHYD TPHCM, người bệnh mắc các bệnh mạn tính không chữa khỏi như ung thư, suy các cơ quan cần tìm hiểu thêm thông tin và yêu cầu được tư vấn các dịch vụ CSGN, giúp thảo luận mục tiêu chăm sóc phù hợp với giai đoạn bệnh. Qua đó có kế hoạch cụ thể cho những điều trị y tế trong tương lai, giúp xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và giảm thiểu các điều trị không cần thiết.
CSGN – nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân hiểm nghèo
Theo tổ chức y tế thế giới, chăm sóc giảm nhẹ là làm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến ốm đau đe dọa đến tính mạng. Thông qua sự ngăn ngừa và giảm gánh nặng họ phải chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện, điều trị đau và các triệu chứng khác như triệu chứng thực thể, tâm lý, xã hội, tâm linh.
Cụ thể, chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh và gia đình người bệnh giảm sự đau đớn chịu, chịu đựng. Bao gồm những triệu chứng thực thể (nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, suy kiệt, táo bón…); những triệu chứng tâm lý (trầm cảm, lo lắng…); sự đau khổ về mặt xã hội (cô đơn, không có người chăm sóc, nghèo đói, không nhà cửa…); sự đau khổ về mặt tinh thần (mất đi hình ảnh tốt đẹp trước đó, hoài nghi, sợ hãi). Từ đó giúp nâng cao tối đa chất lượng cuộc sống và giá trị tinh thần cho bệnh nhân đến lúc mất.
Ông Eric L Krakauer - một chuyên gia hàng đầu thế giới về chăm sóc giảm nhẹ
Từ khi chẩn đoán, chăm sóc giảm nhẹ ban đầu giúp bệnh nhân tiếp cận và lên kế hoạch càng sớm càng tốt. Xuyên suốt quá trình bệnh cùng với điều trị đặc hiệu (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…) giúp giảm nhẹ triệu chứng, tác dụng phụ, thúc đẩy sự tuân thủ, nâng cao hiệu quả điều trị. CSGN cũng được đưa vào khi điều trị đặc hiệu kém thích hợp, kém hiệu quả, không khả thi. Thậm chí, khi bệnh nhân qua đời, CSGN hỗ trợ chăm sóc và điều trị tâm lý, hỗ trợ tinh thần cho người thân và gia đình bệnh nhân. Ở mọi giai đoạn của bệnh, bệnh nhân đều có thể cần được chăm sóc tại nhà, không chỉ riêng giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân được chăm sóc tại nhà sẽ được theo dõi bởi đội ngũ y bác sĩ điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ theo định kỳ. Chính việc này nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao tính tuân thủ trong điều trị.
Lần đầu tiên Việt Nam có Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ
Tuy nhiên theo PGS Eric L Krakauer - Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện đa khoa Massachusetts của Mỹ, CSGN hiện nay mới chỉ cung cấp cho khoảng 75% dân số ở những nước đang phát triển. Trong đó, chỉ có khoảng 10% - 15% dân số được điều trị giảm nhẹ bằng thuốc giảm đau vì giảm đau là yếu tố tiên quyết trong việc điều trị cho bệnh nhân. Qua một cuộc khảo sát tại 5 tỉnh, thành của Việt Nam gồm: Hà Nội , Quảng Ninh, Hải Phòng, An Giang, TP Hồ Chí Minh; ông Eric L Krakauer cho biết, khả năng tiếp cận của bệnh nhân với chăm sóc giảm nhẹ cũng rất hạn chế. Chính vì vậy, ông đã hợp tác với Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh trong việc tiếp cận chương trình đào tạo về CSGN cho các bác sĩ đã tốt nghiệp, bác sĩ chuyên khoa 1, thậm chí với cả sinh viên chưa tốt nghiệp, điều dưỡng chuyên sâu về vấn đề này. Vì có nhiều minh chứng cho thấy, nếu tạo được hệ thống CSGN tốt thì có thể giảm được gánh nặng y tế cho xã hội cũng như giảm được thời gian nằm điều trị của bệnh nhân.
Lần đầu tiên Việt Nam có Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ: Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, với mục đích ra mắt Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng ngày Chăm sóc giảm nhẹ và Cận tử thế giới 12/10 với chủ đề “My Care – My Right” (Chăm sóc cho tôi – Quyền của tôi). PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Trên thực tế, chăm sóc giảm nhẹ là một trong những công cụ rất hữu hiệu, giúp cho các bác sĩ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp giảm đau, điều trị tâm lý…” |
Như Quỳnh (t/h)