Điều trị viêm đường hô hấp: An toàn, hiệu quả với phương pháp Đông y

Viêm đường hô hấp là bệnh lý đường hô hấp thường gặp và dễ gây biến chứng nguy hiểm. Do vậy, bên cạnh phương pháp Tây y, Đông y cũng rất chú trọng trong điều trị căn bệnh này.
Bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp nhưng diễn biến lại phức tạp, dễ gây biến chứng, thậm chí có thể tử vong. Với những tiến bộ khoa học y học vượt bậc, Tây y đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc phòng chữa bệnh lý đường hô hấp. Tuy nhiên, với không ít trường hợp, ở trong những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Đông Y vẫn có một vai trò quan trọng trên cơ sở thực hành  nhiều biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc
 

Nguyên nhân gây bệnh

 
Theo quan điểm Tây y, nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên phần lớn là do các virus, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm... Nhóm virus trên gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng. Chúng sẽ nằm ở đó, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh.
 
Dong-y-dieu-tri-viem-duong-ho-hap
 
Cơ thể sẽ kháng cự lại với các kháng thể IgA sẵn có và đội quân bạch cầu bảo vệ. Thông thường sẽ có một vài tế bào niêm mạc hô hấp bị tổn thương và bị virus phá huỷ nhưng sau khoảng 2 tuần lớp tế bào mới lại mọc lên và đẩy lùi virus. Nhưng trong một số trường hợp, cơ thể tiêu diệt không hiệu quả, virus từ đường hô hấp trên sẽ nhân bản và xâm nhập xuống tận đường hô hấp dưới và vào máu gây nhiều bệnh biến thể khác. Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau: Có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra).
 

Bài thuốc Đông y theo các giai đoạn của bệnh

 
Tùy theo từng thể bệnh mà các thầy thuốc sẽ áp dụng bài thuốc phù hợp. Đối với bệnh viêm đường hô hấp trên cấp tính, đây được xem là căn bệnh tổng hợp của nhiều loại bệnh do bị cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản… với những triệu chứng nhận biết như sốt cao, chảy nước mũi, hắt hơi sổ mũi, đau rát họng, khàn tiếng, ho, đau mỏi toàn thân...
 
 

Giai đoạn mới: Người bệnh biểu hiện cảm sốt nhẹ, ho khan

 
 
Dùng bài Tang cúc ẩm (Ôn bệnh điều biện) gia giảm: Tang diệp, cúc hoa, hạnh nhân, liên kiều, cát cánh, lô căn mỗi vị 12g, bạc hà 8g, cam thảo 6g. Sắc uống, trẻ nhỏ dùng liều một nửa hoặc ít hơn. Tác dụng: sơ phong, thanh nhiệt, thông phế hóa đàm, cầm ho… Trị cảm sốt ho viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.
 
Gia giảm: Nếu ho đờm nhiều, gia bối mẫu 12g; sốt nóng đàm vàng, gia hoàng cầm 12g; nếu ho, thở, phù, gia tang bạch bì 14g; đờm có máu, gia bạch mao căn 16g; miệng khô khát, gia thiên hoa phấn 12g, thạch hộc 12g; sốt cao, gia tri mẫu 12g; họng sưng đau, gia liên kiều 12g, xạ can 14g. Chống chỉ định: người mắc chứng cảm phong hàn mà ho đàm lỏng đàm nhiều, da xanh mét.
 

Giai đoạn sau: Người bệnh cảm sốt ho khan đau họng nhiều

 
Dùng bài Ngân kiều tán: Liên kiều 12g, cát cánh 10g, trúc diệp 16g, kinh giới tuệ 10g, đạm đậu xị 16g, ngưu bàng tử 12g, kim ngân hoa 10g, bạc hà 10g, cam thảo 6g. Sắc uống, trẻ nhỏ dùng liều một nửa hoặc ít hơn. Tác dụng: tân lương giải biểu, thanh nhiệt, giải độc… Chữa cảm sốt ho đau họng. Dùng trong trường hợp viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm phế quản, ho gà, viêm amidan cấp.
 
Gia giảm: ho, mặt phù gia tang bạch bì 14g; ho, đại tiện táo, gia hạnh nhân 12g; ho, đờm vàng, gia hoàng cầm 12g; chảy máu cam, gia rễ cỏ tranh14g; đau họng, gia huyền sâm 10g, xạ can 16g. Chống chỉ định: người mắc chứng cảm lạnh, phế hư hàn, gặp gió lạnh ho tăng, đại tiện lỏng.

Dong-y-dieu-tri-viem-duong-ho-hap
 

Giai đoạn cảm sốt lui nhưng vẫn còn ho khan, miệng khô khát

 
Dùng bài Thạch hộc thang gia giảm: Mạch môn12g, sinh địa 20g, viễn chí 10g, phục linh 14g, huyền sâm 12g, chích thảo 6g, sinh khương 12g. Sắc uống, trẻ nhỏ dùng liều 1/2 gia giảm phù hợp. Tác dụng: thanh phế mát vị dưỡng âm giải biểu nhiệt… Trị cảm phong nhiệt ho khan miệng khô khát…
 
Gia giảm: Nếu sốt đờm vàng, gia hoàng cầm 12g; ho mặt phù, gia tang bạch bì 14g; miệng khô khát, gia thiên hoa phấn 12g, thạch hộc 12g, sa sâm 14g. Chống chỉ định: Người bị chứng phế hư hàn ho đàm nhiều, tràng vị yếu, đại tiện lỏng.
 

Bài thuốc trị theo thể bệnh

 
Trong Đông y, nhóm bệnh này thuộc phạm vi các chứng như cảm mạo, khái thấu, nhũ nga, hầu tý... với nguyên nhân chủ yếu là do phong hàn, phong nhiệt gây nên. Chẩn trị cụ thể như sau:
 

Thể ngoại cảm phong nhiệt

 
Người bệnh thường có biểu hiện như: Phát sốt nghẹt mũi, chảy nước mũi, mặt đỏ, đau đầu, ra mồ hôi, đau mình mẩy, hầu họng đỏ đau, ho khạc đờm vàng, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác. Phép chữa chủ yếu lúc này là Tân lương giải biểu, tuyên phế chỉ khái lợi hầu với bài thuốc: Liên kiều 10g, kim ngân hoa 10g, bản lam căn 10g, cát cánh 8g, hoàng cầm 7g, trúc nhự 6g, kinh giới 6g (cho sau), đạm đậu xị 6g, bạc hà 5g, ngưu bàng tử 5g, cam thảo 5g; sắc uống mỗi ngày 1 thang đối với trường hợp họng đau nhiều, sốt cao.
 
Trường hợp ho nhiều có thể dùng bài Tang cúc ẩm gia giảm gồm: Cam thảo 3g, bạc hà 5g (cho sau), hoàng cầm 7g, hạnh nhân 8g, cát cánh 8g, tang diệp 10g, cúc hoa 10g, liên kiều 10g, bản lam căn 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.Trường hợp họng đau nhiều, sốt cao dùng bài Liên kiều tán gia giảm gồm: bạc hà 5g, cam thảo 5g, ngưu bàng tử 5g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
 

Thể ngoại cảm phong hàn

 
Triệu chứng: Sợ lạnh, không ra mồ hôi, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa họng, ho, không sốt hoặc sốt nhẹ, lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch khẩn. Phép chữa: Tân ôn giải biểu, tuyên phế tán hàn.
 
Bài thuốc: Tô kiều giải biểu thang gồm các vị: Tô diệp 6g, kinh giới 6g (cho sau), phòng phong 6g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, cát cánh 8g, tiền hồ 8g, cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
 
 

Trị viêm đường hô hấp trên ở thể kiêm chứng

 
Dong-y-dieu-tri-viem-duong-ho-hap
 
Một trong những lưu ý đặc biệt đối với thể bệnh này là dù người bệnh ở thể  ngoại cảm phong hàn hay phong nhiệt nếu có kiêm các chứng trệ, đàm hoặc co giật thì gia thêm các vị thuốc : Đối với ngoại cảm kiêm trệ có hiện tượng chán ăn, buồn nôn và nôn ra nước chua, hơi thở hôi đi lỏng, mùi chua và khó chịu, gia thêm cốc nha 12g, lai phục tử 10g, chỉ xác 6g, hoắc hương 6g, (cho sau). Trường hợp ngoại cảm kiêm đàm có tiếng ho trầm nặng, ho khạc đờm nhiều, khàn tiếng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, gia thêm sa sâm 12g, đông qua nhân 10g, qua lâu nhân 10g, mạch môn 8g, bối mẫu 6g. Trường hợp ngoại cảm kiêm co giật gia thêm linh dương cốt 10g, câu đằng 8g, thuyền thoái 5g, (sắc trước), toàn yết 3g.
 
Đối với những người không có chuyên môn, không được đào tạo qua trường lớp trong lĩnh vực y học cổ truyền cần tham khảo ý kiến từ các thầy thuốc, lương y hay y sĩ. Bên cạnh đó thường xuyên khám sức khỏe định kỳ cũng như thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phòng và trị bệnh viêm đường hô hấp hiệu quả.
 
 
Nguyễn Dung (t/h)